Bà Trương Mỹ Lan dùng cách gì "giật dây" dàn lãnh đạo SCB
Để thực hiện hành vi tham ô chiếm đoạt tiền của SCB, Trương Mỹ Lan, chủ tịch Vạn Thịnh Phát, đã sử dụng các nhân viên tin tưởng, thân tín và trả từ 200 triệu đến 500 triệu đồng/tháng
- 16-12-2023Hơn 1 triệu tỉ đồng bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo rút khỏi SCB chuyển đi đâu?
- 16-12-2023Đại gia Nguyễn Cao Trí bị cáo buộc muốn chiếm đoạt đến cùng 1.000 tỷ của bà Trương Mỹ Lan
- 21-11-2023Bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 304.096 tỷ: 2 người nước ngoài giúp sức đắc lực đang bỏ trốn là ai?
Trong vụ án sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và một số đơn vị liên quan, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao đã truy tố chủ tịch tập đoàn này Trương Mỹ Lan và 85 bị can với các tội danh khác nhau.
Trong đó, 45 lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB được bị can Trương Mỹ Lan, chủ tịch Vạn Thịnh Phát, "thu phục", bị truy tố nhiều tội danh khác nhau như: Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, Tham ô tài sản, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cơ quan tố tụng, sau khi sở hữu, nắm quyền chi phối chi phối hơn 91% cổ phần SCB, bị can Trương Mỹ Lan đã đưa người của mình hoặc sử dụng các nhân viên tin tưởng, thân tín. Những người này đều có trình độ, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nghe theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.
Theo đó, họ được bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt tại SCB, nhận mức lương cao từ 200 triệu đến 500 triệu đồng/tháng. Thực tế, các lãnh đạo chủ chốt của SCB đều do Trương Mỹ Lan tuyển chọn và giao nhiệm vụ.
Trong số này, bị can Trần Thị Mỹ Dung trước khi làm phó tổng giám đốc SCB đã trải qua nhiều vị trí tại nhà băng này. Sau khi làm phó tổng giám đốc đã thường xuyên chỉ đạo cấp dưới hợp thức hồ sơ khống để giải ngân tiền cho bà Lan sử dụng cá nhân. Nữ bị can này biết rõ các khoản vay của Trương Mỹ Lan đều đứng tên công ty "ma" và rút tiền ra trước, hoàn thiện hồ sơ sau, không thẩm định khách hàng, tài sản, nhưng vẫn giúp sức tích cực cho nữ chủ tịch Vạn Thịnh Phát. Năm 2021, Dung được bị can Trương Mỹ Lan cho 300.000 cổ phần SCB (khoảng 3 tỉ đồng).
Với việc giúp sức tích cực trên, Trần Thị Mỹ Dung bị truy tố tội "Tham ô tài sản" giữ vai trò đồng phạm với Trương Mỹ Lan. Trần Thị Mỹ Dung liên đới chiếm đoạt hơn 200.690 tỉ đồng, cùng gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh hơn 69.000 tỉ đồng.
Tương tự, bị cáo Bùi Anh Dũng, cựu chủ tịch HĐQT SCB, cũng bị cáo buộc đã biết rõ các khoản vay của bị can Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chỉ ký hợp thức hồ sơ, thủ tục cho vay để giải ngân rồi rút tiền của SCB. Trong quá trình rút tiền, theo chỉ đạo của bị can Lan, các đơn vị tại SCB không thẩm định khách hàng, không thẩm định tài sản đảm bảo, không quan tâm phương án vay vốn và được theo dõi riêng trên hệ thống dữ liệu của SCB.
Trong quá trình làm việc tại SCB, ngoài tiền lương, lễ tết, bị can Dũng còn được bị can Trương Mỹ Lan cho 500.000 cổ phiếu SCB (khoảng 5 tỉ đồng). Với các hành vi trên, bị can Bùi Anh Dũng bị cáo buộc gây thiệt hại cho SCB tổng số hơn 200.000 tỉ đồng.
Bên cạnh 2 bị can nêu trên, Bùi Nhân, cựu phó tổng Giám đốc SCB, bị cáo buộc từ ngày 23-11-2020 đến ngày 21-9-2022, với các vai trò là Phó Giám đốc Khối Tái thẩm định, Phó Tổng Giám đốc SCB, Bùi Nhân đã ký, phê duyệt nhiều hợp thức hồ sơ khống để giải ngân tiền cho bà Lan sử dụng cá nhân.
Bị can Bùi Nhân thừa nhận các khoản vay của nhóm khách hàng Vạn Thịnh Phát mà bị can tham gia các thủ tục liên quan đều được tạo lập khống, giải ngân trước, hợp thức hồ sơ sau, không đúng với quy trình cho vay thông thường và quy định pháp luật, nhằm rút tiền ra khỏi SCB theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Ngoài ra, quá trình làm việc tại SCB, bên cạnh các khoản lương, phụ cấp, Bùi Nhân còn được Trương Mỹ Lan thưởng 1 triệu cổ phần của ngân hàng này.
Người lao động