MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bắc Giang phát huy nguồn lực phát triển công nghiệp bán dẫn

Việc đầu tư và phát triển nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn tại tỉnh Bắc Giang không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và địa phương, mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững nền kinh tế-xã hội Việt Nam trong tương lai.

Bắc Giang phát huy nguồn lực phát triển công nghiệp bán dẫn- Ảnh 1.

Vừa qua tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Ảnh: VGP/TT.

Bắc Giang đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư

Theo TS. Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc Gia (NIC), Bắc Giang đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, là khu vực tập trung sản xuất của nhiều tập đoàn công nghiệp điện tử lớn trên thế giới. Tỉnh cũng đang chuyển mình để trở thành một khu vực tiềm năng cho các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực điện tử và bán dẫn từ các nguồn vốn FDI.

Với nhiều lợi thế và tiềm năng, việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp vi mạch, việc đầu tư và phát triển nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn... không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và tỉnh Bắc Giang, mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của kinh tế-xã hội Việt Nam trong tương lai.

Bắc Giang đang có 5 cụm công nghệ điện tử lớn là KCN Vân Trung, KCN Đình Trám, KCN Hòa phú, KCN Quang Châu, KCN Song Khê-Nội Hoàng. Theo số liệu năm 2023, Bắc Giang đã thu hút được trên 3,2 tỷ USD vốn đầu tư, trong đó thu hút FDI đạt xấp xỉ 3 tỷ USD, với 29 dự án trong nước và 89 dự án FDI được cấp mới, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, gia công các sản phẩm linh kiện điện tử, may mặc, logistics,...

Những con số ấn tượng nói trên cho thấy, Bắc Giang đang dần chuyển mình để trở thành một khu vực tiềm năng cho các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực điện tử và bán dẫn từ các nguồn vốn FDI. Điển hình như hiện nay tỉnh có: Công ty Hana Micron Vina (Hàn Quốc) xây dựng nhà máy đóng gói và kiểm định chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc, tại KCN Vân Trung, với tổng vốn đầu tư gần 600 triệu USD; Tập đoàn Foxconn đã đầu tư 3,2 tỷ USD vào Việt Nam, đặt nhiều công ty con tại Bắc Giang, như Công ty Fukang, New Wing Interconnect Technology, Fuyu Precision Component, Fuhong Precision Component, ShunSin Technology.

Với số lượng các doanh nghiệp đang tăng lên, nhu cầu nguồn nhân lực cho tất cả các giai đoạn trong ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành phụ trợ đang thay đổi nhanh chóng. Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang, trong quý I/2024, 25 doanh nghiệp đăng ký tuyển lao động cần khoảng 30.000-35.000 chỉ tiêu, trong đó, 70% chỉ tiêu tuyển dụng tập trung vào lĩnh vực điện, điện tử, chip bán dẫn.

Vì vậy, Bắc Giang cần phải nhanh chóng triển khai đa dạng các giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn để kịp thời đáp ứng được nhu cầu về lực lượng lao động cho các doanh nghiệp tại tỉnh.

Theo Sở LĐTB&XH Bắc Giang, trong những năm qua, tỉnh đã rất quyết liệt thực hiện công tác thu hút đầu tư đối với phát triển công nghiệp; chỉ đạo đảm bảo các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư thuộc ngành công nghiệp bán dẫn đến tỉnh thực hiện đầu tư. Vì vậy, số lượng doanh nghiệp hoạt động tại Bắc Giang ngày càng tăng nhanh, nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư mở rộng sản xuất tại tỉnh, nhu cầu sử dụng lao động ngày càng lớn.

Năm 2024, các doanh nghiệp tại tỉnh cần tuyển dụng 112.000 người, trong đó nữ 68.400 người, chiếm tỉ lệ 60,79% (bình quân giai đoạn 2025-2030 nhu cầu tuyển dụng 90.000 lao động/năm). Hiện nay đã có 3 doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất về chất bán dẫn đang đẩy mạnh thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn.

Đó là, Công ty TNHH Hana Micron Vina vốn đầu tư của Hàn Quốc, tổng vốn đăng ký đầu tư của dự án 643 triệu USD, mục tiêu là sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh khác. Công ty TNHH Si Flex Việt Nam vốn đầu tư của Hàn Quốc, tổng vốn đăng ký đầu tư dự án 299 triệu USD, mục tiêu sản xuất và lắp ráp bản mạch in mềm theo công nghệ gắn kết bề mặt, sản xuất tấm tản nhiệt, tấm làm cứng dành cho bản mạch điện tử, sản xuất màn hình cảm ứng. Công ty TNHH Synergie Cad Việt Nam, tổng vốn đăng ký đầu tư dự án 21,2 triệu USD, mục tiêu sản xuất bảng mạch PCB dùng để tra chất bán dẫn và linh kiện chất bán dẫn, lắp ráp linh kiện trên bản mạch PCB, sửa chữa linh kiện chất bán dẫn và các loại bảng mạch PCB.

Ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Công ty cổ phần Bán dẫn FPT, kiêm Chủ tịch Công ty FPT IS (thuộc Tập đoàn FPT) cho biết, tỉnh Bắc Giang có vị trí địa lý đắc địa, có tiềm năng trở thành cái nôi phát triển nguồn lao động bán dẫn nhờ sự quyết liệt, sẵn sàng đón nhận cơ hội phát triển mới, tạo điều kiện để làm việc với đối tác trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, tỉnh còn là mảnh đất của những nhân tài, thuộc top đầu cả nước trong lĩnh vực giáo dục với hơn 1.000 trường chuẩn quốc gia. Trong quý I/2024, kinh tế của Bắc Giang đứng đầu cả nước. Tỉnh có 3 doanh nghiệp lớn đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, 5 cụm công nghiệp điện tử. Bắc Giang có nền tảng vững chắc để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trở thành cái nôi phát triển nguồn lao động bán dẫn cho các doanh nghiệp, KCN.

Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động

Theo TS. Võ Xuân Hoài, để phát huy tiềm năng, lợi thế và thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn tại tỉnh, với số lượng các doanh nghiệp đang tăng lên, nhu cầu nguồn nhân lực cho tất cả các giai đoạn trong ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành phụ trợ đang thay đổi nhanh chóng, Bắc Giang cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhất là với các quốc gia, nền kinh tế có thế mạnh về ngành công nghiệp bán dẫn, như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức… để tiếp cận đến các nguồn đầu tư FDI và hợp tác quốc tế trong đào tạo.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học, đào tạo giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển trong ngành công nghiệp bán dẫn. Bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để triển khai các chương trình, dự án đào tạo thực hành ngắn hạn, đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo sau đại học về ngành công nghiệp bán dẫn cho cán bộ, giảng viên, sinh viên tại các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế.

Ngoài ra, tỉnh cần chủ động tham gia và tăng cường hợp tác nhà nước, đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo và tạo đầu ra cho nguồn nhân lực. Hợp tác với các trường đại học kỹ thuật lớn trong nước, nhất là tại Hà Nội trong hoạt động đào tạo, thu hút giảng viên, chuyên gia giỏi tham gia vào quá trình đào tạo và giảng dạy tại các cơ sở đào tạo của tỉnh.

Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Giang cho biết, trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá được Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 giao, đó là chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, tập trung đào tạo lao động có tay nghề, kỹ thuật, chất lượng cao... Sở LĐTB&XH và các sở, ngành, địa phương sẽ thường xuyên rà soát nắm rõ nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật của các doanh nghiệp, đặc biệt nhu cầu đào tạo của ngành công nghiệp bán dẫn và AI, bao gồm kỹ năng cần thiết và xu hướng phát triển trong ngành.

Tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý về giáo dục nghề nghiệp có năng lực, trình độ đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay; phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo.

PGS.TS. Trương Việt Anh, Trưởng Ban Khoa học của Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, Bắc Giang có nguồn tài nguyên đất đai và nguồn nhân lực lao động trẻ, nên việc thu hút các nhà máy, cũng như tập trung vào khâu sản xuất đóng gói, kiểm thử như hiện nay là phổ biến và phù hợp. Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Bắc Giang cần chú trọng xác định mục tiêu và nhu cầu về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để sẵn sàng tiếp nhận và thu hút đầu tư, phục vụ phát triển các KCN.

Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách thu hút con người có trình độ phù hợp từ các địa phương đến làm việc. Chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh về kế hoạch cải tiến chương trình đào tạo, ngành đào tạo nhằm chủ động đào tạo tại chỗ mang tính lâu dài. Tỉnh cũng cần ưu tiên các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng làm chủ công nghệ và nội địa hóa, có cơ chế khuyến khích và ưu đãi khi đầu tư hoạt động để từng bước tạo cơ hội phát triển sản phẩm bán dẫn.

Theo Thiện Tâm

Báo Chính phủ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên