MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bạc Liêu đề xuất bổ sung 470 MW điện gió vào quy hoạch

470 MW điện gió vừa được tỉnh Bạc Liêu đề xuất bổ sung vào quy hoạch điện VII.Địa phương còn kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ về thủ tục hành chính, chính sách phát triển các dự án năng lượng tái tạo.Tiến độ dự án LNG Bạc Liệu có nguy cơ chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.Việc thực hiện hợp đồng mua bán điện của dự án điện độc lập như LNG Bạc Liêu có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn so với các dự án trước đây do nhà đầu tư nội thực hiện.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Công Thương vừa diễn ra, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng chấp thuận bổ sung 470 MW điện gió vào quy hoạch Điện VII. Theo đó, tỉnh Bạc Liêu sẽ lựa chọn dự án đầu tư đủ điều kiện, yêu cầu nhà đầu tư cam kết vận hành thương mại dự án trước ngày 1/11/2021, tham gia đóng góp kinh phí cải tạo, nâng cấp lưới điện để giải tỏa công suất, tính toán đầy đủ các nội dung về tài chính, kỹ thuật công nghệ, đấu nối lưới điện, giải phóng mặt bằng…

Đồng thời, ông Trung còn kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ địa phương thủ tục hành chính và chính sách phát triển dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn.

Theo quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến 2020, có xét đến 2030 được Bộ Công Thương phê duyệt, tổng công suất điện gió có thể phát điện thương mại là hơn 2.507 MW. Trong khi đó, công suất thực tế đang triển khai trên địa bàn mới đạt 391,2 MW, tương đương gần 16% sau 10 năm quy hoạch.

Bạc Liêu hiện đang vận hành 6 dự án điện gió, với tổng công suất 391,2 MW và 19 dự án điện gió đã hoàn thành hồ sơ bổ sung quy hoạch, với công suất là 4.608,6 MW. Trong số này có 470 MW đang được tỉnh đề xuất bổ sung vào quy hoạch điện VII, có ngày vận hành thương mại trước tháng 11/2021 và phần công suất còn lại được đưa vào quy hoạch giai đoạn sau.

Về tiến độ dự án nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu, ông Trung cho biết dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng đến tiến độ của dự án theo quy hoạch điện VII. Cụ thể, việc thực hiện biện pháp giãn cách xã hội khiến chuyên gia kỹ thuật nước ngoài không thể nhập cảnh vào Việt Nam để sớm thực hiện những công việc cần thiết tại dự án. Ngoài ra, dự án còn gặp thách thức trong việc triển khai dự án đường dây truyền tải 500KV đưa điện từ nhà máy lên lưới đúng tiến độ và đàm phán ký kết hợp đồng mua bán điện PPA với EVN vào tháng 10. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn phấn đấu hoàn thành việc chuẩn bị đầu tư vào tháng 12/2020 và hoàn thành toàn bộ dự án trước tháng 12/2027.

Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng, Phó trưởng Ban chỉ đạo phát triển điện lực quốc gia, cho biết việc đàm phán hợp đồng mua bán điện đối của dự án điện độc lập (IPP) như dự án điện khí LNG Bạc Liêu có thể mất nhiều thời gian hơn so với những dự án trước đây do nhà đầu tư nội thực hiện. Vì vậy, chủ đầu tư và EVN cần phải thỏa thuận để đi đến thống nhất để có hợp đồng mua bán điện mà cả hai bên chấp nhận được.

Ngoài ra, ông Vượng còn cho biết Bộ Công Thương sẽ nhanh chóng nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo Chính phủ xem xét quyết định với tinh thần hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho địa phương, nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu có công suất 3.200 MW và tổng mức đầu tư 93.600 tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD). Tổ hợp nhà máy phát điện trên bờ được đặt tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình với diện tích 40 ha; tổ hợp kho cảng LNG nằm trên vùng biển tỉnh Bạc Liêu (diện tích 100 ha), cách vị trí nhà máy điện 35 km. Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE) là chủ đầu tư dự án và Tập đoàn Bechtel (Hoa Kỳ) là tổng thầu EPC của dự án.

Theo Ngọc Hà

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên