Bắc Ninh khẳng định vị thế trung tâm kinh tế, văn hóa năng động khu vực phía Bắc
Đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành TP trực thuộc TƯ; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của phía Bắc, cực phát triển của Đồng bằng sông Hồng và Thủ đô.
- 19-09-20245 chỉ đạo mới nhất của Bộ Chính trị về siêu dự án hơn 1.541km, 70 tỷ đô, đi qua 20 tỉnh thành?
- 19-09-2024Du thuyền tiền tỷ ở Đà Nẵng đi 'núp' bão số 4
- 19-09-2024TP Hồ Chí Minh ưu tiên đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến giao thông quan trọng
Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư năm 2024 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Ninh trong việc hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, trở thành thành phố trực thuộc Tung ương, là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc, góp phần đưa Bắc Ninh đến gần hơn nhà đầu tư, doanh nghiệp để cùng nhau chia sẻ, hợp tác với phương châm “sự thành công của doanh nghiệp cũng là sự thành công của tỉnh Bắc Ninh”.
Ngày 8/12/2023, Thủ tướng ban hành Quyết định số 1589/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bản Quy hoạch xác định rõ mục tiêu: Đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Hà Nội; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại.
3 nhiệm vụ trọng tâm, 6 đột phá phát triển
Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bản Quy hoạch tổng thể toàn diện với các mục tiêu dài hạn, tầm nhìn chiến lược là “đòn bẩy” quan trọng để Bắc Ninh tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, là thành phố xanh, thông minh, đáng sống với trình độ phát triển cao, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Người dân được thụ hưởng các dịch vụ xã hội và chất lượng cuộc sống ngang với các nước phát triển trong khu vực châu Á.
Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh, cho biết, để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Bắc Ninh đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm và 6 đột phá phát triển trong triển khai quy hoạch. Đó là tập trung nguồn lực đầu tư vào ngành công nghiệp và dịch vụ; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển; chuyển đổi và thu hút đầu tư vào nhóm ngành mới.
"Phấn đấu trước năm 2030 tỉnh Bắc Ninh có 4 thành phố: Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong; 2 thị xã: Quế Võ, Thuận Thành; 2 huyện: Lương Tài, Gia Bình và thực hiện hiệu quả cải cách hành chính, chuyển đổi số; xây dựng chính quyền số gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiện đại. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài", ông Dũng chia sẻ thêm.
Ông Dũng cũng cho biết thêm, 6 đột phá tập trung vào nghiên cứu, đề xuất, triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, đặc thù để tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có những chính sách khuyến khích, ưu đãi vượt trội mang tính cạnh tranh quốc tế;
Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là hạ tầng giao thông (đường sắt đô thị, giao thông ngầm; giao thông kết nối nội vùng, liên vùng);
Hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững;
Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, tiếp cận chuẩn mực của thế giới để nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương, vùng và cả nước;
Thúc đẩy mạnh mẽ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế. Nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng đội ngũ cán bộ gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đình Xuân, đến thời điểm này, công tác quy hoạch và phát triển đô thị được tập trung cao, Bắc Ninh đã hoàn thành 25 trên tổng số 26 Đồ án Quy hoạch phân khu, góp phần tạo động lực tăng trưởng và phát triển mới cho tỉnh.
Trong đó có thể kể đến Khu công nghệ thông tin tập trung tại Tiên Du và thành phố Bắc Ninh với diện tích hơn 260 ha, Khu phức hợp cấp vùng về y tế tại Thuận Thành với diện tích khoảng 200 ha, Khu đô thị Đại học I và II tại Tiên Du và thành phố Bắc Ninh với tổng diện tích khoảng 500 ha...
" Chúng tôi vừa công bố công khai danh mục 167 dự án thu hút đầu tư năm 2024, định hướng đến năm 2030, với diện tích sử dụng đất khoảng 11.638 ha, trong đó có 83 dự án thuộc lĩnh vực nhà ở, khu đô thị, 36 dự án lĩnh vực thương mại dịch vụ, 27 dự án lĩnh vực nhà ở xã hội; 12 dự án lĩnh vực hạ tầng khu, cụm công nghiệp…
Bằng cam kết “Bắc Ninh đồng hành, hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án”. Các quy hoạch, dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của tỉnh", ông Xuân nhấn mạnh.
Cực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng
Tại Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, lĩnh vực công nghiệp được đặc biệt chú trọng, Bắc Ninh phấn đấu hình thành trung tâm điện tử hàng đầu Việt Nam gắn với công nghệ thông minh, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn, có tác động lan tỏa để trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh và của vùng và cả nước.
Tỉnh Bắc Ninh xác định đến năm 2030 có 25 khu công nghiệp, không gian phát triển công nghiệp sẽ gồm 4 vùng bao gồm: Thung lũng công nghệ điện tử - huyện Yên Phong; Hành lang công nghiệp - thị xã Quế Võ; Khu công nghiệp mới - thị xã Thuận Thành và huyện Lương Tài, huyện Gia Bình; Trung tâm Công nghệ thông tin và Công nghệ cao - huyện Tiên Du và thành phố Bắc Ninh.
Với môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn lao động dồi dào, Bắc Ninh đã và đang khẳng định được vị thế là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Hiện Ban Quản lý các Khu công nghiệp đã cấp đăng ký đầu tư cho 1.271 dự án FDI còn hiệu lực. Trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Canon, Foxcon, Goertek, … đặc biệt thu hút thành công các dự án công nghệ cao, công nghệ mới như sản xuất CHIP bán dẫn, như: Amkor Technology…
7 tháng đầu năm, vốn đầu tư thu hút được đã đạt hơn 3,2 tỷ USD, đạt 267% kế hoạch của cả năm 2024, đứng đầu cả nước.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, khẳng định: Thành công lớn nhất của Bắc Ninh là thu hút được các dự án đầu tư lớn, có thương hiệu mạnh trong châu lục và trên thế giới, xây dựng được đặc trưng của mỗi khu công nghiệp, kéo chuỗi các nhà đầu tư vệ tinh, tạo lập khu công nghiệp chuyên ngành và công nghiệp hỗ trợ.
Nhiều năm liền, Bắc Ninh đứng trong top đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp tập trung. Với môi trường đầu tư an toàn, chính sách sau đầu tư hấp dẫn, Bắc Ninh đang phát triển với đầy đủ tiêu chí trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.
"Vai trò của tỉnh Bắc Ninh ngày càng được khẳng định trong chiến lược phát triển chung của cả nước, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng. Cùng với Hà Nội, Quảng Ninh và Hải Phòng, tỉnh Bắc Ninh giữ vai trò là một trong những trung tâm công nghiệp lớn và là cực tăng trưởng của vùng, là địa phương kết nối trên tuyến hành lang công nghiệp Quốc lộ 18", ông Phúc khẳng định.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết: Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trong quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt, thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai quy hoạch, xác định nội dung trọng tâm, tiến độ, nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong quy hoạch.
Sau khi đã phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 và 25 Quy hoạch phân khu, tỉnh tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện các quy hoạch còn lại bảo đảm đồng bộ, sẵn sàng kêu gọi, thu hút đầu tư.
"Chúng tôi sẽ tập trung phân bổ, sử dụng tối đa mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư, khơi thông các nguồn lực; vận động nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để đầu tư đồng bộ hạ tầng theo hướng hiện đại thông minh; ưu tiên nguồn lực đầu tư và các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa, tạo không gian phát triển mới và tăng trưởng bền vững.
Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh sẽ đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực đầu tư.
Với quan điểm Bắc Ninh luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, coi khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của tỉnh, thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh; Bắc Ninh cam kết sẵn sàng lắng nghe và đối thoại, sẵn sàng hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư; luôn mở rộng cánh cửa chào đón nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội và quyết định đầu tư", Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Bắc Ninh đã sẵn sàng triển khai Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là công cụ pháp lý quan trọng để Bắc Ninh hoạch định chính sách, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ mới, hướng tới mục tiêu: Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nơi người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng các chính sách tốt nhất của cuộc sống.
VTC