MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bắc Ninh: Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,94%

Mô hình trồng rau an toàn ở xã Tam Giang, huyện Yên Phong

Mô hình trồng rau an toàn ở xã Tam Giang, huyện Yên Phong

Đến cuối năm 2022, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Bắc Ninh giảm còn 0,94% (hoàn thành vượt mục tiêu đề ra năm 2022 là 1,05%).

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành các chính sách hỗ trợ người nghèo như: Chính sách hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo; Hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho trẻ em bị tim bẩm sinh; Chương trình sữa học đường cho các cháu bậc mầm non và mở rộng cho học sinh tiểu học; Hỗ trợ và đào tạo nghề trong các doanh nghiệp và xuất khẩu lao động; Nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà ở đối với người có công và hộ nghèo khó khăn về nhà ở từ 48 triệu lên 72 triệu đối với hộ người có công và từ 45 triệu lên 65 triệu đối với hộ nghèo; Nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng/tháng lên 440.000 đồng/tháng… góp phần đảm bảo các chiều thiếu hụt của hộ nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị về giảm nghèo được đẩy mạnh. Sở Thông tin - Truyền thông chỉ đạo Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tuyên truyền phổ biến các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về thực hiện công tác giảm nghèo; đăng tải các tin, bài viết về gương hộ nghèo làm kinh tế giỏi vươn lên thoát nghèo, các tổ chức, đoàn thể, cá nhân thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và giảm nghèo. Từ đó, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo được chú trọng. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp được tập huấn về các chế độ chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo về tạo điều kiện sinh kế tăng thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội; 100% cán bộ, công chức xã, trưởng thôn và cán bộ đoàn thể được tập huấn kiến thức, kỹ năng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình; Tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình năm 2022 cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp và rà soát viên.

Các cấp, ngành, địa phương cũng thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống của người nghèo, trước hết là về y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, nhà ở, giúp người nghèo tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội theo tiêu chí nông thôn mới ở những nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao... Hệ thống cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, trong đó có người nghèo, người cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội. Năm 2022, toàn tỉnh hỗ trợ hơn 435 triệu đồng tiền ăn, tiền đi lại cho bệnh nhân nghèo có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh. 100% người nghèo, người cận nghèo được cấp thẻ BHYT. Trong đó: Cấp 8.244 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo với kinh phí hơn 6,6 tỷ đồng; 9.776 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo với kinh phí gần 7,9 tỷ đồng.

Đến nay, 100% học sinh là con hộ nghèo đang học tại các cấp phổ thông trong tỉnh được miễn, giảm một phần học phí, các em học sinh thuộc hộ nghèo đặc biệt khó khăn được hỗ trợ sách giáo khoa, học sinh nghèo học giỏi được cấp học bổng. Cơ sở vật chất về trường, lớp và trang thiết bị đồ dùng trong giảng dạy của hệ thống giáo dục trong tỉnh tiếp tục được đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại. Cụ thể: Trong năm học 2022-2023, tỉnh đã miễn giảm gần 6,1 tỷ đồng học phí và hỗ trợ hơn 864 triệu đồng chi phí học tập.

Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở năm 2022 trên địa bàn với mục tiêu tập trung phấn đấu giải quyết cơ bản tình trạng nhà ở dột nát, hư hỏng nặng cho các hộ nghèo theo kết quả đã được rà soát của Ủy ban MTTQ tỉnh trong năm 2022; đảm bảo sau khi hỗ trợ các hộ xây dựng được nhà ở an toàn, góp phần cải thiện cuộc sống ổn định, bền vững. Tổng số hộ nghèo đề nghị hỗ trợ là 262 hộ với nhu cầu vốn hơn 17 tỷ đồng. Đến nay, đã hoàn thiện 226 nhà với kinh phí gần 13,4 tỷ đồng.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng đã chủ động tham mưu thực hiện, chỉ đạo các đơn vị tập trung cho vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, cho vay các mô hình dự án, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu về vốn để sản xuất, kinh doanh được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Cho vay hộ nghèo lũy kế từ đầu năm là 180 tỷ đồng với 3.548 hộ được vay vốn; cho vay hộ cận nghèo là 243 tỷ đồng với 4.891 hộ được vay vốn.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã phân bổ kinh phí hỗ trợ công trình nước sạch nông thôn từ nguồn ngân sách là hơn 3,8 tỷ đồng; hỗ trợ về phát triển sản xuất nông nghiệp với kinh phí gần 149 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện cho 100% hộ nghèo. Toàn tỉnh đã hỗ trợ 4.209 hộ nghèo với kinh phí gần 2,5 tỷ đồng; 100% hộ nghèo được nhận quà Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (trao 4.209 suất quà cho hộ nghèo trị giá hơn 4,6 tỷ đồng).

Với các giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của các cấp, ngành, tính đến cuối năm 2022, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo của tình giảm còn 0,94% (hoàn thành vượt mục tiêu đề ra năm 2022 là 1,05%). Điều kiện sống, thu nhập của người nghèo trên địa bàn tỉnh được cải thiện rõ rệt. Người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: Y tế, giáo dục và đào tạo, nước sạch, nhà ở, thông tin truyền thông, vốn vay ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn tìm kiếm việc làm, trợ giúp pháp lý…

Theo Minh Hưng

Lao động và Xã hội

Trở lên trên