MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bác sĩ BV Bạch Mai cảnh báo về căn bệnh giống "kẻ trộm sức khỏe" thầm lặng: Tiến triển âm ỉ, không triệu chứng, người càng lười vận động càng có nguy cơ cao

19-08-2020 - 12:03 PM | Sống

Bác sĩ BV Bạch Mai ví loãng xương giống như "kẻ trộm âm thầm", tiến triển không triệu chứng, đến khi bệnh nhân phát hiện thì xương đã rất yếu. Vì thế việc xác định các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa và điều trị sớm là rất cần thiết.

Loãng xương là một bệnh lý của xương do sự suy giảm khối lượng chất khoáng trong xương và tổn thương vi cấu trúc của tổ chức xương, làm cho xương trở nên yếu và dễ gãy. Loãng xương có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào, song hay gặp nhất ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh và nam giới lớn tuổi.

Căn bệnh loãng ngày càng phổ biến hơn và đang có xu hướng trẻ hóa. Tuy vậy, khá nhiều người vẫn đang hiểu sai, chăm sóc "nhầm cách" đối với những bệnh nhân mắc bệnh loãng xương. Trên trang cá nhân, bác sĩ, PGS TS Nguyễn Thị Kim Liên, Phó giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng, bệnh viện Bạch Mai đã có bài viết cung cấp cho cộng đồng cách nhìn chính xác về căn bệnh này.

Ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh loãng xương

Theo bác sĩ Kim Liên, bệnh loãng xương tức là chất lượng xương suy giảm, khiến xương bị xốp, giảm khả năng chịu đựng, chống đỡ và trở nên dễ bị tổn thường (gãy) khi có tác động từ bên ngoài mà vốn dĩ nó có thể chống đỡ, ngay cả những chấn thương nhẹ.

Người ta thường nói, loãng xương là căn bệnh của tuổi tác, nhưng thực tế loãng xương không chỉ gặp ở người già, nó có thể xuất hiện ngay ở những người trẻ tuổi.

Bác sĩ BV Bạch Mai cảnh báo về căn bệnh giống kẻ trộm sức khỏe thầm lặng: Tiến triển âm thầm , không triệu chứng, người càng lười vận động càng có nguy cơ cao - Ảnh 1.

Bác sĩ Kim Liên chỉ ra những nhóm đối tượng có thể mắc loãng xương bao gồm:

- Người cao tuổi.

- Phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh do suy giảm của hormone Estrogen – một trong những hormone quan trọng giúp cơ thể phụ nữ tổng hợp calci cho cơ thể.

- Ở trẻ em có tiền sử còi xương thì có có khả năng mắc loãng xương cao khi trưởng thành.

- Ở những người có tiền sử mắc một số bệnh (cường giáp, cường vỏ tuyến thượng thận,…), sử dụng dài ngày các thuốc (corticoid, thuốc đái tháo đường – insulin…).

- Ở những người trưởng thành có thói quen sống ít hoạt động thể lực, ít hoạt động ngoài trời, bất động lâu ngày do bệnh tật hoặc nghề nghiệp. Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, thói quen sinh hoạt, lối sống của người Việt Nam cũng làm ảnh hưởng tới nguy cơ loãng xương. Tỷ lệ người làm các công việc tĩnh tại, phải ngồi một chỗ, ít vận động, ít ra ngoài trời chẳng hạn như công việc văn phòng ngày càng nhiều, cũng như thói quen lười vận động, tập luyện của nhiều người dân nói chung cũng góp phần làm cho tốc độ mất xương gia tăng.

Căn bệnh tiến triển âm thầm

Bác sĩ Kim Liên cảnh báo một điều đáng sợ rằng, loãng xương là một căn bệnh tiến triển âm thầm, không triệu chứng. Đến khi bệnh nhân cảm nhận được các triệu chứng thì tỉ lệ xương bị loãng đã chiếm tới 30%. Lúc này bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như đau xương, đau lưng, gù cong vẹo cột sống, đau ngực, khó thở, chậm tiêu, và đặc biệt là rất dễ bị gãy xương ở những chấn thương rất nhẹ.

Tất cả những biểu hiện trên có thể được hạn chế nếu được can thiệp sớm bằng các biện pháp phục hồi phù hợp, sẽ khiến giảm được tốc độ tiến triển của bệnh. Bởi vậy, các biện pháp phục hồi chức năng đóng một vai trò quan trọng trong hạn chế tốc độ tiến triển ở bệnh nhân loãng xương, giúp phòng ngừa biến chứng gãy xương, kiểm soát đau nếu gãy xương xảy ra, cải thiện chức năng và giảm khiếm khuyết.

Các bài tập phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân loãng xương

Bác sĩ BV Bạch Mai cảnh báo về căn bệnh giống kẻ trộm sức khỏe thầm lặng: Tiến triển âm thầm , không triệu chứng, người càng lười vận động càng có nguy cơ cao - Ảnh 2.

- Vận động sớm ngay sau khi giảm đau, bệnh nhân nên tập thở sâu.

- Tập tỳ đè, chịu trọng lượng sớm lên các khớp (khi thể trạng cho phép): Các hoạt động ở tư thế chịu trọng lượng là rất quan trọng để duy trì khối lượng xương

- Các bài tập vận động thể chất cường độ nhẹ như đi bộ và đạp xe, trong khi thực hiện bài tập phải đảm bảo bệnh nhân duy trì tư thế cột sống thẳng và đúng.

- Bơi lội mặc dù không tỳ đè trọng lượng nhưng cũng giúp cho cải thiện mật độ khoáng xương BMD do có tác dụng làm căng nở lồng ngực, duỗi cột sống và tập luyện cho tim phổi.

Ở bệnh nhân loãng xương, nguy cơ bị gãy xương rất là cao, vậy nên để hạn chế tình trạng gãy xương, bác sĩ khuyên bệnh nhân nên:

- Thay đổi môi trường nhà ở và môi trường xung quanh để làm giảm nguy cơ ngã của bệnh nhân (thanh ngang, thanh vịn, tay nắm…ở cầu thang, nhà tắm).

- Sử dụng ghế tắm, vòi hoa sen, các dụng cụ tắm rửa thích nghi…

- Không sử dụng thảm quá trượt tại lối ra vào nhà để tạo sự an toàn cho người bệnh.

Loãng xương tuy là một căn bệnh thầm lặng nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa. Việc xác định các yếu tố có nguy cơ gây loãng xương để điều trị phòng ngừa và bổ sung thực phẩm đầy đủ giúp cải thiện hiệu quả phòng chống loãng xương.

Theo PGS TS Nguyễn Thị Kim Liên, Phó giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng, bệnh viện Bạch Mai

Thiên An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên