Bác sĩ BV Bạch Mai không để con gái về Việt Nam: Nhớ da diết nhưng phòng dịch tốt nhất bây giờ là ngồi yên một chỗ!
Trước làn sóng ồ ạt của du học sinh trở về Việt Nam, vị bác sĩ này đã can đảm khuyên con gái ở lại đất nước mà mình đang du học.
- 28-03-2020Chiến thắng Covid-19 sau 10 ngày, người đàn ông viết lời nhắn trên ô cửa kính cách ly khiến bác sĩ rưng rưng xúc động, dân mạng đồng loạt "thả tim"
- 28-03-2020Vì Covid-19, bạn tôi mất đi cơ nghiệp 10 năm chỉ sau một bài phát biểu dài 15 phút nhưng cách anh ấy vực dậy tinh thần sau đó mới đáng nể phục
Giữa lúc các quốc gia châu Âu, châu Mỹ đang ngày càng gia tăng thêm những ca nhiễm Covid-19 mới theo cấp số nhân, và nhiều người trong số đó đã bị đại dịch quái ác này cướp đi mạng sống thì nỗi sợ dường như đang bao trùm lên toàn thế giới. Chưa lúc nào làn sóng kiều bào, du học sinh tìm cách trở về Việt Nam lại nhiều như mấy ngày qua. Các chuyến bay được hãng hàng không tăng cường với mong muốn đưa càng nhiều người trở về quê hương càng tốt, trước khi lệnh cấm nhập cảnh, tiếp nhận các chuyến bay được ban hành.
Trong khi nhiều du học sinh may mắn thoát khỏi những ổ dịch từ nước ngoài để về đến Việt Nam và đang cách ly, số khác lại đang lo lắng, mong mỏi chờ trực những thông tin từ đại sứ quán để có hy vọng quay về, thì cũng có những người lựa chọn ở lại. Lê Thu Hà, một du học sinh lớp 11, trường Hudson College, Toronto, Canada đã đưa ra quyết định như thế sau khi nghe lời khuyên của gia đình. Ở đầu cầu Việt Nam, tuy không được nhìn con trở về, nhưng với chú Lê Sỹ Hùng, bác sĩ bệnh viện Bạch Mai, bố của Hà thì đó lại là điều đúng đắn nhất ở thời điểm hiện tại.
Gia đình bác sĩ Hùng chia tay con gái Thu Hà trước khi em lên đường sang Canada du học
Về Việt Nam là gây thêm áp lực công tác phòng chống dịch
Là một bác sĩ, chú Hùng đặc biệt quan tâm tới từng tin tức và đường đi của virus corona. Khi nghe những diễn biến về dịch Covid-19 trở nên phức tạp hơn bao giờ hết ở Anh, Mỹ, Pháp, Ý… chú cũng bắt đầu lo lắng và tự hỏi con gái bên nước bạn liệu có ổn không? Và rồi, tình hình thực sự căng thẳng khi các trường học ở các nước đồng loạt đóng cửa, trong đó có Canada, nơi con gái chú đang theo học. Những ông bố bà mẹ khác có con du học ở trời Tây mà chú biết đều nóng lòng gọi điện để con họ thu xếp tìm cách bay về. Những người họ hàng của chú cũng đã gợi ý cho chú nên làm theo như thế. Thế rồi ở nửa bên kia bán cầu, con gái đang đối mặt với hiểm nguy, thì ở đây, chú cũng đang chống chọi với sự nguy hiểm khi Bạch Mai trở thành ổ dịch mới. Nhưng giữa những đắn đo, chú đã quyết định liên lạc và khuyên Thu Hà nên ở lại. Đó là lựa chọn khi chứng kiến những thực cảnh trước mắt, dòng người ùa về thật đông, cảnh chầu trực tại sân bay, thiếu chỗ cách ly khi về đến.
Chú chia sẻ: "Sau một thời gian suy nghĩ, bố mẹ quyết định gọi điện thoại cho con và khuyên con nên ở lại. Và theo bố, về Việt Nam là gây áp lực cho công tác phòng chống dịch, vì sao ư? Cách chống dịch hiệu quả nhất bây giờ là, mọi người hãy ở yên tại chỗ. Và việc con về nước trong lúc này, có thể sẽ bị lây nhiễm ngay trên đường về, và thậm chí con cũng có thể mang theo mầm bệnh về cho quê hương, ngoài ra con còn có thể phải đi cách ly một thời gian, sẽ thêm phần áp lực cho đất nước, vốn đã và đang gồng mình gánh chịu."
Chú cho biết nếu về trong tình cảnh này, con gái sẽ phải tới 3 sân bay gồm sân bay tại Canada, sân bay quá cảnh và Nội Bài. Hơn lúc nào hết, sân bay đang trở thành một điểm nóng và nguy cơ lây nhiễm cũng trở nên cao hơn. Chưa kể con cũng sẽ bị lây nhiễm trên các chuyến bay mà mình sẽ lên bởi các hành khách khác.
Nhiều hãng hàng không đã liên tục thông báo hoặc cho biết có nguy cơ hủy chuyến bất cứ lúc nào. Các sân bay trung chuyển cũng ngừng đón nhận chuyến bay làm chú không thể yên tâm, vì con có nguy cơ bị bỏ rơi giữa chừng, kẹt lại các địa điểm mà không có nơi nương tựa.
Mỗi buổi chiều quây quần đầm ấm bên mâm cơm gia đình, chính là lúc bố mẹ chạnh lòng nhất và nhớ con da diết
Sau cái lắc đầu cho chuyện trở về, hai vợ chồng chú Hùng lại có những lo lắng khác. Vì hẳn nhiên, dù có lựa chọn nào thì người làm cha làm mẹ cũng đều canh cánh những điều phải nghĩ phải lo. Lần này chú lo lắng hơn cả vì đây là lần đầu sau 7 tháng du học, Thu Hà gặp phải những trục trặc không lường trước được. Trong những dòng tâm sự gửi con gái, chú viết: "Con biết không, đây là thời điểm khó khăn nhất đối với bố mẹ, không phải về kinh tế mà là tinh thần, khi đứa con gái bé bỏng của mình đang ở một nơi xa xôi, dù cho bên cạnh con vẫn còn có bạn bè, có gia đình ông bà chủ nơi con trọ học. Đất nước Canada là một quốc gia nổi tiếng về an sinh xã hội và y tế, nhưng cha ông ta thường nói "sẩy nhà ra thất nghiệp". Mỗi buổi chiều đi làm về, bố mẹ và em con quây quần đầm ấm bên mâm cơm gia đình, chính là lúc bố mẹ chạnh lòng nhất và nhớ con da diết."
Chú Hùng cho rằng, đây chính là thời điểm thử thách bản lĩnh của con gái bé bỏng, vì Hà sẽ phải vượt qua sự sợ hãi không chỉ với dịch bệnh Covid-19 đáng sợ, mà còn với sự cô đơn nơi đất khách hay những xáo trộn về xã hội mà Canada đang diễn ra. Nhưng tất cả sẽ tôi luyện nên sự trưởng thành mà con đang từng ngày học hỏi, vì ông bố kiên cường kia cũng đã từng trải qua những ngày tháng vất vả, xa gia đình và thường xuyên đối mặt với cuộc sống một mình để học tập và làm việc.
Nhưng thật may, Thu Hà là một cô bé mạnh mẽ hơn nhiều so với tuổi 17 của em. Vì trước những gì đang diễn ra, em vẫn giữ được tư tưởng bình tĩnh, không hoảng loạn và có một tinh thần lạc quan. Điều này cần thiết hơn bao giờ hết vì đó chính là vũ khí để giúp em vượt qua được giai đoạn khó khăn này tại Toronto, nơi không có cha mẹ, không có gia đình.
Chú Hùng chia sẻ: "Hiện con đang ở nhà Host, tôi đã viết thư cho họ, và họ cũng động viên cho con ở lại, chờ qua cơn dịch rồi tính." Được biết, host mà Hà ở chung là người bản địa và cực kỳ tốt bụng. Em cũng làm theo những hướng dẫn phòng, chống bệnh từ các phương tiện báo đài và được bố mẹ căn dặn rất kỹ. Từ lúc được nghỉ học, Hà hạn chế ra đường và chỉ ở nhà, ngoài các công việc sinh hoạt hằng ngày, em cũng dành thời gian để học online hay tập thể dục để khuây khỏa.
Rồi một ngày, con sẽ về trong vòng tay bố mẹ và Tổ quốc Việt Nam thân yêu
Những ngày qua, chú Hùng cùng vợ liên tục cập nhật thông tin diễn biến dịch không chỉ ở Việt Nam mà còn đặc biệt quan tâm tới tình hình tại Canada. Ngoài tin tức từ báo chí, chú còn hỏi han những bạn bè, người thân bên ấy để nắm rõ những gì đang xảy ra nơi con gái mình sinh sống. Hằng ngày chú vẫn nhắn tin, gọi điện cho con gái để dặn dò con nhiều điều và để trấn an tinh thần của em.
Chú chia sẻ với niềm lạc quan hơn: "Canada là quốc gia có nền an sinh xã hội và y tế tốt, nên hãy yên tâm tin tưởng họ. Tôi có vài người bạn là bác sĩ bên đó cũng khuyên tôi bình tĩnh và cho con ở lại, khi có khó khăn gì có thể cậy họ."
Đến thời điểm này, chú cho rằng quyết định để Thu Hà ở lại của vợ chồng chú đã trở nên đúng đắn. Vì biết đâu khi con trở về, ngoài những lo lắng về việc có thể con sẽ nhiễm bệnh, thì chẳng biết khi nào con mới được quay lại đó mà tiếp tục học tập. Chú thấy mọi thứ giờ đây diễn ra với Thu Hà đều rất an toàn và tin tưởng vào con gái cũng như những gì mà chú đã lựa chọn.
Bác sĩ Hùng đang tham gia hoạt động hiến máu của bệnh viện Bạch Mai
Hiện tại, cả hai vợ chồng chú Hùng đều là những bác sĩ đang công tác tại bệnh viện Bạch Mai, nơi đang là điểm nóng của dịch, do tuần qua đội ngũ y tế đã phát hiện 2 trường hợp dương tính với Covid-19 là nhân viên tại đây. Với nhiệm vụ của một bác sĩ đang chung tay đẩy lùi dịch, chú Hùng vẫn hằng ngày thực hiện các công việc được giao, nhưng tuyệt nhiên chú ít để con gái phải lo lắng vì những thông tin này, nên dù trong hoàn cảnh ấy chú vẫn động viên con gái, luôn cho thấy ba mẹ vẫn rất ổn và chờ ngày cơn bão này sẽ qua đi, rồi sẽ được nhìn thấy Thu Hà trên đất Việt khi không còn dịch. Chú nói cuộc sống của một bác sĩ mùa dịch vẫn bình thường, vì chú cho rằng nghề này là thế, có lúc này lúc kia. Chú đã quen với cảm giác áp lực thực sự của công việc mà nhiều năm qua chú đã gắn bó.
Với tâm huyết của người làm nghề y chú dặn dò những ai cùng chung lựa chọn ở lại nước sở tại như con gái: "Hãy làm tốt những lời khuyên của cơ quan y tế và chính quyền sở tại nhằm góp phần chống dịch. Dùng thời gian rỗi làm thêm một số việc có ích: học Ngoại ngữ, tập vẽ, làm thơ....luyện tập thể dục, ăn ngủ điều độ, giữ gìn sức khỏe. Yên tâm chờ đợi dịch qua lại tiếp tục học tập."
Riêng với ai đã về Việt Nam và đang chịu cách ly, chú nói: "Hãy cảm nhận tình yêu quê hương đất nước qua trải nghiệm vừa qua", lời dặn dò sau khi chứng kiến sự vất vả không chỉ của đội ngũ ngành y, mà còn là của các anh bộ đội, tình nguyện viên, các cấp lãnh đạo đang ra sức chống dịch.
Còn với Thu Hà, chú gửi gắm những lời chân thành và xúc động: "Chúc con" chân cứng đá mềm" và một ngày tới khi con được nghỉ hè, con sẽ về trong vòng tay bố mẹ và Tổ quốc Việt nam thân yêu."
Tổ quốc
Sự kiện: Đại dịch COVID-19
Xem tất cả >>- Nữ sinh 19 tuổi tốt nghiệp 9 khoá học trực tuyến của Ivy League trong thời gian giãn cách xã hội, gây quỹ quyên góp hơn 230 triệu chống dịch
- Nỗi lòng nữ lao công làm việc trong khu cách ly theo dõi bệnh nhân tái dương tính: Nhớ con lắm, nhưng chưa về nhà được
- Infographic: 4 khuyến nghị về phòng, chống dịch Covid-19 tại lớp học mà các bậc phụ huynh và học sinh cần biết
- Nhịp sống Hạ Lôi ngày cuối cùng cách ly: "Chúng tôi mong đến ngày hết dịch để đi làm chứ nằm ở nhà thì chết"
- Đánh dấu khoảng cách xếp hàng lấy đồ ăn, chia lớp... các trường triển khai hàng loạt biện pháp bảo đảm phòng chống dịch khi học sinh quay trở lại trường học vào ngày mai