Bác sĩ BV Việt Đức cảnh báo căn bệnh hơn 23% người trung niên ở Việt Nam đều mắc, không điều trị sớm có thể sinh thêm trầm cảm
Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, thoái hóa khớp có thể trở thành "cơn ác mộng" tuổi già của bệnh nhân.
- 11-09-2020Bệnh lý viêm ruột thừa sợ nhất hai từ “quá muộn”: Bác sĩ BV Việt Đức lưu ý những phản xạ cần có khi đau bụng để bảo toàn tính mạng
- 11-09-2020WHO cảnh báo 4 loại thực phẩm nhiều người yêu thích nhưng thường xuyên sử dụng sẽ khiến ung thư luôn cận kề: Số 1 là thứ từ trẻ tới già đều mê!
- 09-09-2020Lo âu không phải yếu đuối, tức giận không phải mạnh mẽ: Chỉ khi hiểu được bản chất của cảm xúc, bạn mới kiểm soát được chính mình
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 20% dân số thế giới mắc bệnh thoái hóa khớp. Tại Việt Nam, hơn 23% số người trên độ tuổi 40 gặp phải căn bệnh này.
Gần đây, PGS. TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình, Trưởng khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, BV Hữu nghị Việt Đức - đã có buổi tư vấn trực tuyến về thoái hóa khớp, giúp người bệnh sớm phát hiện và điều trị căn bệnh này.
Theo PGS. TS Khánh, thoái hóa khớp là sự thoái hóa của sụn khớp, đặc trưng bởi các tổn thương không hồi phục của sụn khớp. Thoái hóa khớp trước đây thường xảy ra phổ biến ở người già, nhưng nay đang có xu hướng dần trẻ hóa. Người bệnh không chỉ cảm thấy đau nhức, khó đi lại mà còn gặp nhiều phiền toái khác trong cuộc sống.
PGS. TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình, Trưởng khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, BV Hữu nghị Việt Đức
Các dấu hiệu nhận biết thoái hóa khớp
1. Đau, nhức
Đây là triệu chứng thường gặp nhất, gây đau đớn và khó chịu nhất cho người bệnh, khiến họ buộc phải đi khám Cơn đau do thoái hóa khớp gây ra có tính chất cơ học: càng đi lại nhiều thì càng đau đớn. Tình trạng này chỉ giảm bớt khi người bệnh được nghỉ ngơi lâu dài.
Nếu khớp tiếp tục tổn thương nặng, mức độ đau sẽ tăng dần lên, khiến cho người bệnh khó đi lại. Thậm chí, ngồi yên một chỗ cũng có thể khiến họ đau đớn.
2. Cứng khớp khi không vận động
Theo thời gian, các khớp không còn hoạt động với biên độ bình thường. Người bệnh dần dần phải hạn chế hoạt động gập, duỗi (đối với khớp gối, khớp khuỷu), các động tác xoay (khớp vai, khớp háng).
3. Lạo xạo trong khớp
Khi vận động, người bệnh thấy có những tiếng kêu lục cục, lạo xạo hay răng rắc phát ra từ khớp. Khớp chỉ hoạt động bình thường trở lại sau khi vận động một khoảng thời gian.
4. Phì đại xương
Khi tự sờ vào khớp, người bệnh sẽ thấy xuất hiện các khối nội u, nội cục. Đó chính là khối phì đại xương ở quanh khớp.
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp
Theo PGS. TS Khánh, có 2 nhóm nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp: nguyên nhân nguyên phát và nguyên nhân thứ phát
Nhóm nguyên nhân nguyên phát (không tìm thấy rõ nguyên nhân) chiếm khoảng 4-5%, thường gặp ở các bệnh nhân trên 40 tuổi. Trong đó, lượng bệnh nhân trên 60 tuổi là phổ biến nhất.
Ở nhóm nguyên nhân thứ phát, bệnh lý thoái hóa khớp bắt đầu tiến triển sau khi bệnh nhân gặp phải các tình trạng này:
- Sau chấn thương: gãy xương, trật khớp, tổn thương sụn chêm,...
- Bệnh xương sụn: hoại tử xương, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp nhỏ ở bàn ngón tay,...
- Bệnh khớp vi thể, chuyển hóa: gout, canxi hóa sụn khớp, men gan cao…
- Bệnh lý nội tiết: đái tháo đường, cường giáp, lupus ban đỏ
- Yếu tố di truyền
- Chấn thương mãn tính: Người bệnh làm công việc lao động nặng, phải dùng nhiều đến cổ bàn tay, khớp vai, khớp khuỷu nhiều…
Các giai đoạn của thoái hóa khớp và phương pháp điều trị
PGS. TS Khánh, thoái hóa khớp có thể chia thành 4 giai đoạn, dựa trên tổn thương trên phim X-quang.
- Giai đoạn 1: Chưa có biểu hiện tổn thương trên phim X-quang. Sụn khớp chưa mòn, trục chi còn tốt, người bệnh vẫn đi lại được dù đau.
Ở giai đoạn này, người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau, chống viêm tức thời. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng các thuốc này trong thời gian dài để tránh các tác dụng phụ.
Ngoài ra, người bệnh có thể uống các loại thuốc bổ khớp, giúp tăng cường chức năng khớp. Những loại thuốc này đều phải uống lâu dài và có tác dụng chậm.
- Giai đoạn 2: Xuất hiện các gai xương, tuy nhiên khe khớp chưa biến dạng
- Giai đoạn 3: Có biểu hiện hẹp khe khớp rõ
Trong hai giai đoạn này, người bệnh có thể phối hợp giữa việc dùng thuốc (tiêm thuốc nội khớp corticoid, tiêm thuốc tiêm bôi trơn acid hyaluronic) và áp dụng các biện pháp kỹ thuật ít xâm lấn (tiêm huyết tương giàu tiểu cầu, sử dụng tế bào gốc,...) hoặc phẫu thuật nội soi.
- Giai đoạn 4: Hẹp khớp nặng, kèm theo các gai xương và chồi xương. Sụn đã mòn quá mức, các tổn thương không thể hồi phục và các phương pháp nội khoa cũng không còn tác dụng. Lúc này, người bệnh sẽ phải tiến hành phẫu thuật, chủ yếu là thay khớp nhân tạo.
Các lưu ý về bệnh thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp không phải là bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, hậu quả mà nó để lại có thể khiến người bệnh gặp nhiều phiền phức trong sinh hoạt thường ngày như đau nhức, đi lại khó khăn, hạn chế quan hệ xã hội…
PGS. TS Khánh cho biết, nhiều bệnh nhân bị mất ngủ triền miên vì đau khớp kéo dài, dùng thuốc không đỡ. Tình trạng này nếu diễn ra lâu và không được điều trị sớm có thể dẫn đến suy nhược thần kinh, thậm chí là trầm cảm.
Ngoài ra, một số bệnh nhân thoái hóa khớp hay có thói quen tự ý dùng thuốc Đông y để điều trị. Tuy nhiên, PGS. TS Khánh khuyến cáo mọi người nên nhờ bác sĩ tư vấn về mức độ của bệnh, khả năng đáp điều trị trước khi dùng bất kỳ loại thuốc gì. Thông thường, thuốc Tây y sẽ có tác dụng nhanh, tức thì, còn các loại thuốc Đông y sẽ phải sử dụng lâu dài. Đặc biệt, việc dùng các loại thuốc không rõ nguồn gấp còn có thể làm bệnh trầm trọng thêm, gây nguy hiểm đến tính mạng.