MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bác sĩ chuyên khoa thận: “Muốn có 2 quả thận khỏe, đừng bao giờ làm 9 điều này”

19-09-2024 - 09:15 AM | Sống

Thận khỏe hay không phụ thuộc rất nhiều vào các thói quen trong cuộc sống hàng ngày.

Thận thực hiện nhiều chức năng quan trọng của cơ thể trong đó có lọc máu để loại bỏ chất thải, điều hòa huyết áp, sản xuất hồng cầu. Tuy nhiên, cơ quan này rất dễ bị tổn thương bởi những thói quen sống chưa hợp lý.

Theo PGS.TS Niloofar Nobakht, bác sĩ chuyên khoa thận của Trường Y khoa UCLA David Geffen (Mỹ), những tổn thương về thận nếu không được phát hiện sớm thường khó có thể phục hồi, dần dần gây suy giảm chức năng thận và dẫn tới suy thận mạn tính. Thế nhưng, "nhiều người bị suy thận nhưng không hề biết mình mắc căn bệnh này", TS Amber Paratore Sanchez, bác sĩ chuyên khoa thận tại UC San Diego Health (Mỹ) cho hay.

Theo 2 vị bác sĩ chuyên khoa thận, điều may mắn là chúng ta vẫn có những cách để ngăn ngừa các vấn đề về thận và giữ cho 2 quả thận luôn khỏe mạnh. Dưới đây là 9 điều mà 2 vị chuyên gia này nhắn nhủ mọi người không nên làm để bảo vệ thận.

1. Tự ý dùng thuốc và thực phẩm chức năng 

"Có một số loại thuốc và thực phẩm chức năng không kê đơn có thể gây mất chức năng thận cấp tính hoặc mạn tính nếu bạn sử dụng không đúng cách", TS Sanchez cho hay. Ví dụ như việc sử dụng quá liều thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và một số loại vitamin.

TS Sanchez khuyến cáo, mọi người nên dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Đối với các thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm bổ sung, cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng.

2. Chủ quan với tiểu đường, huyết áp cao và mỡ máu cao

PGS Nobakht cho biết, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới suy thận mạn tính là việc không kiểm soát được các bệnh tiểu đường, huyết áp cao và mỡ máu cao. Cả 2 vị chuyên gia về thận nhấn mạnh, nếu bạn đã được chẩn đoán mắc 1 trong 3 vấn đề này, điều quan trọng là cần kiểm soát thật tốt tình trạng đó và đi khám định kỳ để ngăn ngừa và phát hiện sớm các tổn thương nếu có ở thận.

3. Ăn quá nhiều muối, đường và thịt đỏ

Một số thực phẩm mà bạn ăn và uống có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao và mỡ máu cao. PGS Nobakht khuyến khích mọi người nên giảm ăn muối và đường. Việc tiêu thụ quá nhiều muối có thể làm tăng huyết áp, trong khi đó tiêu thụ quá nhiều đường có thể ảnh hưởng tới lượng đường trong máu.

Bên cạnh muối và đường, TS Sanchez cho rằng mọi người cũng nên hạn chế ăn quá nhiều thịt đỏ bởi loại thịt này có thể làm tăng mức cholesterol "xấu" (LDL).

4. Bỏ bê việc tập thể dục

Theo PGS Nobakht, tập thể dục có thể giúp hạ huyết áp và giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn. Điều này sẽ giúp bảo vệ, duy trì chức năng thận khỏe mạnh.

5. Quên bổ sung đủ nước

Tình trạng mất nước kéo dài có thể dẫn tới những tổn thương về thận. PGS Nobakht lưu ý, mọi người cần bổ sung đủ nước cho cơ thể, đặc biệt đối với những người làm việc ngoài trời, người vừa thực hiện các hoạt động thể chất có bị mất nước qua mồ hôi.

6. Căng thẳng kéo dài

Bác sĩ chuyên khoa thận: “Muốn có 2 quả thận khỏe, đừng bao giờ làm 9 điều này”- Ảnh 1.

Căng thẳng kéo dài hại thận hơn bạn nghĩ (Ảnh minh họa)

PGS Nobakht cho biết: "Khi gặp căng thẳng, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tiết ra hormone kích thích hệ thần kinh giao cảm, từ đó làm gia tăng huyết áp, nhịp tim và lượng đường trong máu".

Đây là một phản ứng hoàn toàn bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, nếu căng thẳng kéo dài có thể gây hại không chỉ cho thận mà còn cho nhiều cơ quan khác của cơ thể.

7. Bỏ bê giấc ngủ

Theo PGS Nobakht, giấc ngủ có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của thận. "Chất lượng và thời lượng của giấc ngủ giúp điều tiết hệ thần kinh và nội tiết, từ đó điều chỉnh huyết áp và lượng đường trong máu", PGS Nobakht cho hay.

Ngoài ra, bạn cũng nên điều trị dứt điểm một số tình trạng về giấc ngủ, ví dụ như chứng ngưng thở khi ngủ, ngáy ngủ. PGS Nobakht giải thích, các tình trạng này có thể dẫn tới tăng huyết áp và gây hại cho thận.

8. Bỏ qua sàng lọc và khám sức khỏe định kỳ

TS Sanchez cho biết: "Nếu bạn biết mình có các yếu tố nguy cơ của bệnh thận, chẳng hạn như tiểu đường, huyết áp cao hoặc gia đình có người mắc bệnh thận mạn tính, hãy nhớ đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc làm các xét nghiệm cần thiết để phát hiện sớm các vấn đề về thận".

9. Hút thuốc lá

TS Sanchez nhấn mạnh không hút thuốc lá là điều quan trọng mà bạn cần làm để bảo vệ thận bởi hút thuốc lá nguyên nhân lớn nhất dẫn tới ung thư biểu mô tế bào thận.

 (theo Huffington Post)

Theo Lam Chi

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên