Bác sĩ hướng dẫn cách ăn măng cụt để không bị nổi mụn
Nhiều người sau khi ăn măng cụt gặp tình trạng nổi mụn, liệu đâu là lý do?
- 22-05-2023Chuyên gia giải đáp thông tin 'mủ măng cụt + đường mía' tạo ra chất độc, không nên ăn măng cụt trộn gỏi
- 18-05-2023Gỏi gà măng cụt, trà hoa giấy gây bão mạng: Chuyên gia dinh dưỡng nói gì?
- 17-05-2023Việc nhẹ lương cao ngất ở Việt Nam: Gọt măng cụt kiếm nửa triệu đồng mỗi ngày
Cứ đến tháng 5, tháng 6 hàng năm, măng cụt lại vào mùa chín rộ và đây cũng là thời điểm loại quả này thơm ngon nhất trong năm.
Măng cụt không chỉ ngon mà còn rất có lợi cho sức khỏe. Măng cụt rất giàu vitamin C. Đây là một chất chống oxy hóa, giúp chống lại các tác nhân truyền nhiễm giống như cúm và loại bỏ các gốc tự do gây viêm nhiễm có hại. Do đó, tiêu thụ trái cây giàu vitamin C như măng cụt rất hữu ích để cải thiện sức đề kháng.
Măng cụt cũng chứa nhiều dưỡng chất như vitamin A, E cùng kháng thể Xanthones rất có lợi cho người muốn giảm cân, ổn định đường huyết, ngăn ngừa ung thư...
Không những thế, măng cụt còn là loại quả "lý tưởng" dành cho bà bầu. Bởi lượng folate có trong chúng rất cần thiết trong thời kỳ mang thai và bảo vệ các hiệu ứng ống thần kinh.
Tuy vậy, nhiều người sau khi ăn măng cụt lại gặp tình trạng nổi mụn. Vì sao lại dẫn đến tình trạng này và đâu là cách ăn măng cụt để không gây hại cho da? Hãy cùng lắng nghe giải đáp của bác sĩ da liễu.
Vì sao ăn măng cụt dễ gây nổi mụn?
BSCKII Da liễu Nguyễn Phương Thảo (làm việc tại TPHCM) cho biết: Măng cụt cũng giống như các loại trái cây nhiệt đới khác, đều mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, chúng có chứa hàm lượng đường khá cao. Vì thế có thể gây nóng cho cơ thể nếu như ăn quá nhiều.
"Sau khi ăn, lượng đường của măng cụt sẽ đi vào máu. Chuyển hóa thành năng lượng, sinh ra nhiệt. Đó là lý do vì sao nhiều người ăn măng cụt xong có cảm giác bức bối, nóng trong người.
Cũng chính vì hấp thu nhiều đường, mà có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, đặc biệt là tụ cầu. Từ đó, gây ra mụn nhọt, phát ban, lở loét… và một số tác dụng phụ không mong muốn khác khi ăn măng cụt với số lượng nhiều và tần suất thường xuyên", BS Nguyễn Phương Thảo nói.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng măng cụt cũng có thể đem đến những lợi ích cho làn da. Măng cụt có đặc tính kháng khuẩn tự nhiên, có lợi trong việc điều trị các vấn đề phổ biến trên da. Hơn nữa, măng cụt chứa nhiều chất chống oxy hóa như catechin. Điều này giúp chị em chống lại các gốc tự do và trẻ lâu hơn. Đặc biệt, loại quả này giàu vitamin C cùng các loại vitamin khác, đây là yếu tố để da luôn căng mọng, hồng hào trong mùa hè.
Cách ăn măng cụt để da không bị nổi mụn
BSCKII Da liễu Nguyễn Phương Thảo khuyên mọi người chỉ nên ăn 2-3 quả/ngày. Mỗi tuần cũng chỉ nên ăn măng cụt 2-3 lần. Như vậy có thể giảm được nguy cơ nổi mụn trên da, đồng thời hỗ trợ nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh.
Đặc biệt, nếu cơ địa dễ nổi mụn thì khi ăn măng cụt chị em cần phải uống nhiều nước. Bởi nước có thể hạ nhiệt cho cơ thể, đồng thời làm sạch da. Mỗi ngày mọi người nên uống 2-2,5 lít nước/ngày.
Khi ăn măng cụt chị em chú ý nên kết hợp cùng các loại tính hàn khác như dưa hấu, dưa chuột, dừa tươi... để điều hòa cơ thể.
Ngoài măng cụt, chị em có thể kết hợp đan xen cùng với một số loại quả giúp làm đẹp da như đu đủ, cam ,chanh, bơ, lựu, chuối, táo, dâu tây, kiwi, nho...
Phụ nữ Việt Nam