Bác sĩ ở tuyến đầu chống Covid-19 tại BV Nhiệt đới Trung ương: Đôi giày chạy bộ trong ba lô và tinh thần thép để gạt "chạnh lòng" chống virus
Trải qua một cái Tết thấp thỏm lo lắng, rồi đến những ngày cấm trại trong bệnh viện, đối diện với cái chết chúng tôi cũng không sợ hãi. Nhưng vài nỗi buồn nho nhỏ trong hành trình là chiến sĩ tuyến đầu đôi khi làm chúng tôi chạnh lòng.
- 03-04-2020Quản lý IT của ngân hàng Singapore nhiễm Covid-19 kể về chuỗi ngày dài vô tận trong phòng ICU: Các bác sĩ buộc phải "trói" tôi lại, đau đớn, tồi tệ và đáng sợ nhất cuộc đời
- 03-04-2020Quyên góp tiền để mua đồ ăn cho y bác sĩ ở Mỹ, 1 mũi tên trúng 2 đích: Vừa cổ vũ "tiền tuyến" chống dịch Covid-19, vừa giải cứu các nhà hàng "hậu phương"
- 02-04-2020Nam bệnh nhân người Pháp nhiễm Covid-19 trong ngày khỏi bệnh: "Tôi cảm kích tấm lòng của các bác sĩ Việt Nam"
Dưới đây là chia sẻ của Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Minh Điền, trưởng phòng Quản lý chất lượng và Công nghệ thông tin, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, một trong những “chiến sĩ” tuyến đầu chống dịch Covid-19
Tôi đã cấm trại ở bệnh viện 24/24, cho đến nay là hơn 3 tuần rồi. Nói cho chính xác, chúng tôi đã bắt đầu tham gia chống dịch từ ngày 26 Tết, khi có chùm ca bệnh đầu tiên là 6 công nhân đi học tập ở Vũ Hán trở về. Từ khi Trung Quốc công bố có bệnh viêm phổi cấp do virus lạ chủng corona, chúng tôi đã biết, với đặc thù địa lý, chúng tôi cần chuẩn bị cho tình hình nguy cơ bệnh xâm nhập.
Và đúng thế thật. 26 Tết, 2 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên có biểu hiện sốt được nhập viện Nhiệt đới Trung ương, rồi 27 Tết có 2 bệnh nhân ở thành phố Hồ Chí Minh, 28 Tết là ca ở Thanh Hóa.
Xác định bệnh viện mình là tiền tuyến chống dịch của cả nước, sẵn sàng tiếp nhận những ca nghi ngờ, lúc đó dù chưa cấm trại bệnh viện như bây giờ, nhưng chúng tôi đã xây dựng các kịch bản khẩn cấp để thu dung điều trị cho các bệnh nhân. Đồng thời việc kiện toàn các đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ cho tuyến dưới, tập huấn cho anh em chẩn đoán điều trị các bệnh về corona virus trước đây như SARS, MCoV cũng được gấp rút chuẩn bị…
Ngày 29 Tết, đơn vị tiếp nhận các ca bệnh nghi ngờ đã phải cấm trại ở bệnh viện 100% quân số, ăn Tết tại viện. Một số người trong ban chỉ đạo chống dịch như tôi vẫn được về nhà ăn Tết với gia đình, nhưng trong tâm trạng sẵn sàng được gọi trở lại làm nhiệm vụ bất cứ lúc nào. Tôi đã trải qua một cái Tết chóng vánh 4 ngày rồi lập tức trở lại công việc.
Ở làn sóng đầu tiên, có 30 ca được sàng lọc ở viện tôi, và có 7 ca dương tính. Từ đó đến giờ, chúng tôi cứ bị cuốn theo công việc thôi. Sau làn sóng thứ nhất, 16 bệnh nhân trên cả nước khỏi bệnh, chúng tôi được xả hơi được gần 2 tuần, được về nhà với gia đình. Trong thời gian đó, bệnh viện hoạt động lại bình thường, rải rác những ca nghi ngờ nhưng may quá đều âm tính.
Đến khi có ca thứ 17 xuất hiện, chúng tôi bắt đầu một cuộc chiến mới cam go hơn. Trước làn sóng người nước ngoài và du học sinh trở về trong tình hình dịch bệnh ở thế giới đang tăng nhanh, giới chuyên môn chúng tôi nhận định kiểu gì cũng có ca nhiễm xâm nhập. Rất nhanh sau đó, khoảng 1 - 2 tuần, khi số ca nhiễm lên đến 50, toàn bộ ban lãnh đạo và nhân viên đã cấm trại, trực chiến ở bệnh viện.
Nhiều người nghĩ việc điều trị Covid-19 rất căng thẳng, đặc biệt là ở tuyến đầu như Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Cũng đúng, nhưng thật ra, thách thức lớn nhất với chúng tôi không phải vấn đề chuyên môn mà là tâm lý xã hội.
Một số bệnh nhân mắc Covid-19 bị xã hội kỳ thị, bị coi như tội đồ của đất nước. Nhưng đó thực ra chỉ là việc không may. Không phải ai nhiễm virus cũng có biểu hiện lâm sàng ngay, nên chuyện người ta có nhu cầu sinh hoạt, giao tiếp như bình thường cũng rất dễ hiểu. Sự "tấn công" khi đó mạnh đến mức, một số bệnh nhân hoảng loạn tâm lý, chúng tôi phải rất vất vả để vừa chữa bệnh, vừa điều trị tâm lý, trấn an tinh thần cho họ.
Làm tâm lý cho bệnh nhân là một chuyện, bản thân chúng tôi, những y bác sĩ ở “tiền tuyến” chống dịch phải làm công tác tư tưởng rất nhiều để những người thân yêu yên tâm. Bởi khi dịch bệnh đang diễn biến khó lường như thế, nghe đến chuyện gia đình có bác sĩ hay nhân viên ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương người ta thấy “gợn gợn” cũng là điều có thể hiểu được. Chúng tôi cũng xác định, người nhà mình có thể cũng bị cộng đồng giữ khoảng cách do sợ hãi.
Và đúng như thế thật, như hai con của tôi, các cháu hoàn toàn khỏe mạnh, đang chơi với bạn bè hàng xóm rất tình cảm, bỗng dưng các phụ huynh khác lạnh nhạt, không cho con mình chơi cùng con họ nữa. Cũng may hai em bé nhà tôi còn ngây thơ. Trẻ con hàng xóm không chơi cùng thì các cháu về nhà chơi với bố mẹ hoặc làm bạn với TV, iPad thôi. Vợ tôi cũng quen rồi, suốt mười mấy năm hôn nhân, bạn ấy đã hiểu, chấp nhận và hoàn toàn chia sẻ với tôi, đặc biệt trong thời điểm nhạy cảm này.
Cũng trong viện tôi, có người dù không thuộc bộ phận chăm sóc trực tiếp người nhiễm bệnh, nếu tính theo diện tiếp xúc thì là F4, F5 gì đó, nhưng khi bố mất, người ở quê nhất định không cho về chịu tang, đành ở Hà Nội mà vái vọng. Một gia đình khác, vợ làm ở cơ quan tôi, chồng làm đơn vị khác. Vợ gửi con về quê ăn Tết rồi vội vàng lên chiến đấu. Từ sau Tết là mỗi người một nơi, chỉ nhìn nhau chớp nhoáng qua màn hình điện thoại. Anh chồng nhớ con quá, định về quê đón thì làng xã ầm ầm phản đối.
Bác sĩ, nhân viên y tế làm truyền nhiễm gặp chuyện đó nhiều lắm. Đang mùa dịch căng thẳng thế này lại càng lắm hơn. Chúng tôi không sợ vất vả, không sợ bệnh tật, không sợ cấm trại lâu dài, đối diện với virus cũng không chùn bước, nhưng đứng trước sự nghi ngại với bệnh nhân và người thân yêu của mình, chúng tôi rất dễ bị tổn thương.
Thực ra, đặt cương vị những người chưa hiểu biết, chắc ai cũng ứng xử như thế. Đó là tâm lý bảo toàn mà ai cũng có. Khi quyết định làm nghề, xác định đã nhận nhiệm vụ, chúng tôi đều hiểu, cần bảo vệ và cứu chữa người bệnh đến cùng. Còn những nỗi buồn, áp lực tâm lý với gia đình, sau nhiều năm chúng tôi cũng dần quen, và học cách nhận phần thiệt thòi về mình.
Một trong những thông tin đau lòng trong những ngày này, đó là việc 1 đồng đội của chúng tôi và 2 điều dưỡng ở Bạch Mai không may nhiễm virus trong quá trình tác nghiệp. Tôi không tin có một nhân viên y tế nào lại sơ hở hoặc lơ là trong việc bảo vệ bản thân mình. Cố gắng kiểm soát nhiễm khuẩn một cách tối đa để hạn chế thấp nhất nguy cơ nhiễm bệnh đã trở thành bản năng của chúng tôi.
Thực ra, dù có trang phục bảo hộ, nắm chắc các nguyên tắc phòng ngừa, đó không phải là lá chắn thần kỳ để bảo vệ chúng tôi 100% khi vào vùng dịch. Trong môi trường điều trị trực tiếp cho những bệnh nhân dương tính với Covid-19, việc phân loại tiếp xúc chỉ là tương đối. Chúng tôi không dám chắc mình là F1, F2 hay F số mấy, không đảm bảo 100% việc mình thực sự an toàn, dù hết sức cẩn trọng trong việc phòng hộ.
Đặc biệt những đơn vị như khoa Cấp cứu, các bạn ấy thường xuyên phải chăm sóc các bệnh nhân nặng và làm các thủ thuật như đặt ống nội khí quản, nó tạo ra những hạt nhỏ aerosol phát tán trong không khí, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Việc bác sĩ, nhân viên y tế tiếp xúc hàng tháng trời với các bệnh nhân dương tính mà chỉ có 1 - 2 trường hợp nhiễm cũng là điều dễ hiểu.
Đến như những nước có nền y học tiên tiến như Trung Quốc, Ý, Mỹ, Tây Ban Nha… các bạn có thể thấy, vẫn có hàng nghìn nhân viên y tế nhiễm bệnh. Chúng tôi đã luôn tính đến tình huống xấu nhất, đã xác định vào trận chiến có thể bị thương, thậm chí hy sinh. Nhưng trận chiến nào chẳng có thương vong, và chúng tôi phải chấp nhận tỷ lệ rủi ro đó.
Chúng tôi cũng hiểu nỗi lo của mọi người trước thông tin này. Các nhân viên y tế là chiến sĩ tuyến đầu chống dịch, mất một chiến sĩ nào là giảm sức mạnh đi ngần ấy. Nhưng không phải ai nhiễm cũng dẫn đến kết cục là bệnh nặng hoặc tử vong.
Bác sĩ cũng như người dân, bị nhiễm bệnh mà phát hiện và xử lý kịp thời thì sẽ điều trị sớm, hồi phục nhanh. Cũng giống như ra chiến trường mà bị thương bởi hòn tên mũi đạn, nghỉ ngơi một chút, xử trí xong thì quay lại chiến đấu bình thường. Vì thế, nghe tin đồng đội nhiễm Covid-19, chúng tôi xót xa, cẩn trọng hơn và xốc lại quy trình làm việc của mình chứ không coi đó là một điều quá tồi tệ.
Hiện tại, ở viện tôi, để tiết kiệm nhân lực và hạn chế đối đa người tiếp xúc với bệnh nhân, đảm bảo ai cũng có thời gian nghỉ ngơi, theo dõi sức khỏe, chúng tôi chia ca theo các kíp, tùy khu vực nặng nhẹ mà làm việc xoay vòng. Kíp phụ trách khu vực nặng làm việc 12 tiếng, kíp làm khu vực nhẹ hơn làm 24 tiếng rồi nghỉ thay ca. Như tôi làm ở đơn vị sàng lọc, cách ly, cứ sau 24h làm việc liên tục sẽ được nghỉ 2 ngày.
3 tuần rồi tôi và các đồng đội không về nhà. Mọi sinh hoạt của chúng tôi tập trung trong bệnh viện, từ làm việc cho đến ăn ngủ, tập luyện. Cấm trại, thực ra cũng không có gì “kinh khủng” như nhiều người hình dung. Chúng tôi tự cách ly cộng đồng, thường trực trong bệnh viện để làm việc tốt hơn.
Có những đơn vị y tế khác đã tính đến chuyện thuê khách sạn cho nhân viên y tế nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe. Còn bệnh viện tôi thì bố trí khu nghỉ riêng ngay tại khuôn viên bệnh viện. Chuyện ăn uống cũng không có gì bất tiện. Được sự quan tâm của Chính phủ và ngành y tế, chúng tôi ở đây được cung cấp thực phẩm dồi dào, đảm bảo dinh dưỡng.
Ngoài giờ làm việc, chăm sóc bệnh nhân, tôi để ý thấy mọi người không quên việc tập luyện thể thao nâng cao sức khỏe. Là bác sĩ tuyến đầu chăm sóc cho các bệnh nhân của Covid-19, chúng tôi tự hiểu phải giữ cho mình khỏe khoắn trước. Mỗi người một cách, có người tập yoga trong phòng, có người ra sân nhảy dây, chạy bộ, chống đẩy, squat… miễn là thấy thoải mái, thuận tiện nhất.
Riêng tôi, tôi chọn chạy bộ. Trong hành trang tôi mang theo từ nhà lên viện hôm cấm trại có giày thể thao, và tôi tranh thủ chạy xung quanh khuôn viên bệnh viện, hít thở không khí trong lành. Do đặc thù nghề nghiệp vẫn phải làm việc chuyên môn, hội chẩn, họp hành… các y bác sĩ vẫn tiếp xúc gần nhau nhưng khi không cần thiết hoặc lúc tập luyện, chúng tôi giữ khoảng cách tương đối với nhau.
Chúng tôi cũng giữ cho tinh thần mình tráng kiện không kém thể chất. Bạn lo rằng chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng tâm lý tiêu cực từ các bệnh nhân, hoặc bị xao nhãng khi người nhà mình bị “hắt hủi”, nhưng thực ra thì không hề. Làm nghề này nhiều năm, hầu hết chúng tôi có tinh thần thép, không chỉ để trị liệu cho bệnh nhân, mà còn giữ sự lạc quan cho chính mình. Nghe vậy, biết vậy thì chạnh lòng chút thôi, chứ cũng chẳng buồn lâu.
3 tuần xa con, xa vợ, nói không nhớ thì là nói dối rồi. Cũng may với sự hỗ trợ công nghệ thông tin, ngày nào bố con cũng được nhìn thấy nhau, trao đổi với nhau rồi, có điều ôm ấp, yêu chiều vuốt ve thì không được. Hai em bé của tôi có cách bày tỏ tình cảm khác nhau. Anh lớn học lớp 5, yêu bố nhưng không thích thể hiện ra mặt, thường nói về chuyện học hành. Còn cô công chúa út, mỗi lần bố gọi là chạy ra ngay, nhưng được dăm câu, con nhớ quá là lại rơm rớm nước mắt rồi tắt điện thoại luôn.
Nghề của tôi hay đi công tác tỉnh, đi học nước ngoài, nên các con cũng quen với việc bố thường xuyên vắng nhà rồi. Hôm nào đi trực là tôi sẽ đi vắng hai ngày. Sáng sớm đi làm khi con chưa ngủ dậy đến tận tối muộn hôm sau nữa mới về. Cũng có khi vừa trực xong, tôi đi công tác luôn nên các con cũng không bỡ ngỡ lắm. Đợt đi chống dịch này, các bạn ấy cũng coi như bố đang đi công tác.
Có một chút vấn đề nhỏ là ở nhà, mẹ đảm nhiệm các môn văn hóa, còn bố hay dạy các bạn học toán. Thời gian này, bố cấm trại ở viện, cũng không có thời gian nhiều để trao đổi bài vở thì các bạn tự tìm cách, lúc học online, tìm kiếm thông tin trên mạng, lúc mang bài sang hỏi hàng xóm, cũng xoay được hết. Tôi cũng may là có vợ làm giáo viên, chăm sóc dạy dỗ con rất tốt. Bạn ấy cũng hiểu và thông cảm với nghề nghiệp của mình nữa.
Điều trăn trở lớn nhất của tôi hiện tại, đó là mong mỗi người dân hãy là người thực sự thông thái, không quá hoang mang về dịch cũng không tiếp tay cho những kẻ lợi dụng dịch lan truyền tin giả, tin độc hại. Mỗi người hãy hy sinh một chút niềm vui thường nhật của mình mà tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch: Ở yên trong nhà, thực hành vệ sinh cá nhân, ăn uống đủ chất, tập thể dục…
Quan trọng hơn cả là hãy tin tưởng vào đội ngũ phòng chống dịch chúng tôi. Chúng ta đang làm rất tốt, dốc hết sức để khống chế Covid-19, không để lây lan ra cộng đồng. Các bạn đồng lòng thì toàn dân sẽ an toàn, chúng tôi sẽ đỡ vất vả hơn và sớm được về với gia đình. Mong là đại dịch sớm qua đi và tất cả chúng ta sẽ quay lại cuộc sống bình thường.
Trí thức trẻ
Sự kiện: Đại dịch COVID-19
Xem tất cả >>- Nữ sinh 19 tuổi tốt nghiệp 9 khoá học trực tuyến của Ivy League trong thời gian giãn cách xã hội, gây quỹ quyên góp hơn 230 triệu chống dịch
- Nỗi lòng nữ lao công làm việc trong khu cách ly theo dõi bệnh nhân tái dương tính: Nhớ con lắm, nhưng chưa về nhà được
- Infographic: 4 khuyến nghị về phòng, chống dịch Covid-19 tại lớp học mà các bậc phụ huynh và học sinh cần biết
- Nhịp sống Hạ Lôi ngày cuối cùng cách ly: "Chúng tôi mong đến ngày hết dịch để đi làm chứ nằm ở nhà thì chết"
- Đánh dấu khoảng cách xếp hàng lấy đồ ăn, chia lớp... các trường triển khai hàng loạt biện pháp bảo đảm phòng chống dịch khi học sinh quay trở lại trường học vào ngày mai