Bác sĩ trầm cảm nói về những bạn trẻ thấy “cô độc” dù có nhiều người xung quanh: “Cùng một vấn đề, dễ với mình nhưng lại khó với người khác”
Hiện nay, số lượng bệnh nhân đến khám tại khoa Tâm lý lâm sàng, BV Lê Văn Thịnh ngày một tăng lên. Trong số đó, người trẻ chiếm số lượng lớn, nhiều bạn trẻ thậm chí còn tìm đến cái chết khi gặp áp lực cuộc sống, trầm cảm kéo dài.
- 26-03-2023Tranh cãi chuyện bằng ĐH có giúp bạn đổi đời? Thực tế phũ phàng chỉ ra xem nhẹ sự học thì cuộc đời cũng chẳng coi trọng bạn
- 25-03-202320 tuổi đi bán bảo hiểm, 28 tuổi thành trùm bất động sản đầu tư chưa một lần lỗ: Chàng trai kiếm 1 triệu USD/năm là chuyện nhỏ
- 24-03-2023Ai cũng nói bằng cấp không quan trọng, 23 tuổi đi xin việc tôi bị loại ngay vòng đầu vì không tốt nghiệp ĐH: Chỉ thua một tấm bằng cuộc sống khó hơn vạn dặm
Người trẻ ngày càng lo sợ, gặp áp lực cuộc sống
Nguyễn Văn T. (30 tuổi) tìm đến khoa Tâm lý lâm sàng, BV Lê Văn Thịnh (TP. Thủ Đức) sau hơn 1 tháng liên tục mất ngủ, stress vì công việc kéo dài. Theo chia sẻ, thời gian gần đây, T. loay hoay không biết bản thân có phù hợp với công việc hiện tại hay không, nhiều buổi sáng thức dậy, T. không muốn bước chân ra khỏi nhà để đi làm, đôi lúc sợ hãi tiếng chuông điện thoại, tin nhắn từ các group công việc.
Theo Thạc sĩ tâm lý Trần Quang Trọng, khoa Tâm lý lâm sàng, BV Lê Văn Thịnh cho biết không chỉ riêng bản thân T. mà rất nhiều bạn trẻ hiện nay gặp nhiều áp lực trong cuộc sống. Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2023, số lượng bệnh nhân đến khám tại khoa Tâm lý lâm sàng đã tăng lên nhiều so với trước đây. Tại phòng khám tâm lý, bệnh nhân dưới 35 tuổi chiếm số lượng nhiều hơn, hầu hết các bạn trẻ gặp phải rối loạn lo âu, rối loạn thích ứng, stress và trầm cảm kéo dài.
"Ở các bạn trẻ dưới 35 tuổi gặp phải nhiều vấn đề về gia đình, công việc, cảm thấy mệt mỏi, lo âu kéo dài, áp lực về tâm lý nhưng thiếu cách giải quyết những lo âu đó, nếu kéo dài sẽ dẫn đến trầm cảm rồi tự tử.
Tại khoa Tâm lý lâm sàng, thời gian gần đây có tiếp nhận nhiều trường hợp người trẻ tự tử chuyển từ khoa Cấp cứu lên sau khi đã cứu sống bệnh nhân.
Khi tiếp xúc, hầu hết các bệnh nhân đều rất nhạy cảm với việc tự tử. Cho nên giai đoạn này, không nên đưa lời khuyên nào dành cho bệnh nhân mà phải nâng đỡ, cùng bệnh nhân vượt qua khủng hoảng hiện tại để có những hướng tiếp cận, điều trị về sau", Thạc sĩ tâm lý Trần Quang Trọng nói.
Trong số các bệnh nhân từng tìm đến cái chết khi không chịu nổi áp lực cuộc sống, Minh (23 tuổi, đã đổi tên) là trường hợp đặc biệt khi tìm đến cái chết tận 2 lần.
"Bạn ấy gặp áp lực về mặt gia đình cũng như giới tính của bản thân rất nặng nên không có hướng giải quyết. Bạn ấy nhìn cuộc sống bế tắc khi gia đình không hiểu bạn ấy, ngay cả bản thân bạn ấy cũng không hiểu được chính mình. Không chỉ 1 lần mà 2 lần bạn ấy tìm đến cái chết.
Lần thứ 2 chuyển vào khoa Cấp cứu của BV Lê Văn Thịnh, sau khi cứu sống bạn ấy, quá trình làm việc các bác sĩ, chuyên viên tâm lý đã giúp bạn ấy từ từ hiểu được bản thân của mình. Đồng thời truyền niềm tin giúp bạn ấy tin vào cuộc sống, sau 3 tháng điều trị thì bạn ấy có thể trở lại sinh hoạt với gia đình, có niềm tin và vui vẻ hơn so với trước đây", Thạc sĩ tâm lý Trần Quang Trọng chia sẻ.
Nhiều bạn trẻ thấy "cô độc" dù có nhiều người xung quanh
Thạc sĩ tâm lý Trần Quang Trọng cho rằng dù sống trong môi trường có đầy đủ gia đình, bạn bè, người thân nhưng rất nhiều bạn trẻ lại có cảm giác "cô độc". Nhiều bạn cảm thấy không một ai hiểu được mình, chỉ thấy mỗi bản thân đang phải đối diện với cả thế giới nên rơi vào khủng hoảng, trầm cảm, hoang tưởng rồi tìm cách tự tử.
Tùy vào trường hợp, tình trạng lo âu ở người trẻ sẽ kéo dài trong vòng 6 tháng, nếu tình trạng này không được giải quyết thì sau đó sẽ dẫn đến rối loạn lo âu, rơi vào trầm cảm.
"Dấu hiệu nhận biết dễ nhất là người đó thay đổi về tính khí, ít nói chuyện, khí sắc trầm xuống, có hành vi khác ngày thường, hay tìm một nơi để ở một mình, rối loạn giấc ngủ, ăn uống hoặc thay đổi cả sở thích. Về điều này chỉ cần quan sát là có thể thấy được, việc làm lúc này là quan tâm, nâng đỡ để giúp họ vượt qua.
Sự quan tâm, hỏi thăm, trò chuyện rất cần thiết nhưng tránh đưa những phán xét chủ quan của mình vào. Hãy lắng nghe, động viên, khích lệ họ, phải đặt vị trí của mình vào họ để giúp họ vượt qua. Có thể cùng một vấn đề, nó dễ với mình nhưng lại khó với người khác, mình càng đưa ý kiến chủ quan vào thì người ta càng né tránh mình", Thạc sĩ tâm lý Trần Quang Trọng nói.
Theo chuyên viên tâm lý, hiện nay có nhiều bạn trẻ gặp vấn đề về tâm lý dần dần ngại chia sẻ với mọi người bởi trước đó, họ nói ra mà không ai lắng nghe, hiểu cho họ. Lâu dần, họ trở nên khép kín, muốn một mình đối diện với vấn đề của bản thân, nhưng nếu không tìm được cách thoát ra sẽ gây stress, trầm cảm kéo dài.
"Nhiều người trong chúng ta thường đưa quan điểm của mình vào vấn đề của người khác, việc đó khiến cho người muốn nói họ không thể tiếp tục câu chuyện.
Vậy nên cần phải có người lắng nghe, trong tâm lý gọi là lắng nghe vô điều kiện. Cần phải tôn trọng người khác trước khi mình nói cho người khác nghe một điều gì đó", Thạc sĩ tâm lý Trần Quang Trọng nhấn mạnh.
Ở một khía cạnh khác, nhiều bạn trẻ hiện nay rơi vào tình trạng bị ám ảnh bởi tiếng chuông điện thoại, tin nhắn liên tục ở các group công việc khiến rơi vào tình trạng rối loạn lo âu và ám ảnh sợ.
Để giải quyết tình trạng này, bản thân người trẻ cần phải sắp xếp lại thời gian làm việc, phân bổ hợp lý giữa làm việc và nghỉ ngơi.
"Các bạn trẻ cần trang bị lại một số kỹ năng về sắp xếp công việc, luyện tập thể dục thể thao cũng là một cách giúp cải thiện sức khỏe, giảm bớt âu lo.
Đối với những bạn sống xa quê, xa gia đình, khi gặp phải vấn đề stress cần có một người bạn hỗ trợ, lắng nghe để có thể giải quyết được những vướng mắc hiện tại. Không nên giữ lại vấn đề của mình để tự giải quyết dù không tìm được phương hướng, cần phải mở lòng ra để chia sẻ với người khác", Thạc sĩ tâm lý Trần Quang Trọng nói.
Thể thao & Văn hóa