Bác sĩ Vũ Hán chia sẻ về 38 ngày "đi dạo điện Diêm Vương": Corona chỉ bắt nạt được người yếu mà sợ người mạnh
Bác sĩ Dư Xương Bình cho biết, trong thời gian điều trị bệnh, có 5 ngày không thể ngồi dậy nhưng nhờ tinh thần lạc quan, ông đã chiến thắng chủng mới virus corona.
- 26-02-2020Bí ẩn chưa có lời giải về "Bệnh nhân số 0" - người đầu tiên nhiễm virus corona chủng mới và khiến cả thế giới phải chao đảo
- 25-02-2020Nhật ký nữ bác sĩ: Không phải trực đêm do bệnh thận, nhưng vì Vũ Hán mà sẵn sàng cùng đồng nghiệp chiến đấu với virus corona
- 24-02-2020Người Việt chính thức bước vào cuộc đua chế vắc xin Corona và tương lai sáng sủa của ngành vắc xin Việt Nam
Tự tin là liều thuốc tốt nhất
Tờ Tài Tân (Trung Quốc) ngày 24/2 đưa tin, bác sĩ Vũ Hán Dư Xương Bình - được mệnh danh là "người từng đi dạo điện Diêm Vương", sau hai lần xét nghiệm axit nucleic cho kết quả âm tính, đã có thể xuất viện.
Được biết, khi tình trạng bệnh diễn biến xấu, trong 5 ngày liên tiếp ông đã không thể ngồi dậy. Sau khi tình hình được cải thiện, ông đã đăng bài và video chia sẻ trên mạng xã hội và bất ngờ trở nên nổi tiếng.
"Trước mắt, sự tự tin là liều thuốc tốt nhất", bác sĩ Dư Xương Bình nói. "Về nguyên tắc, hiện tại không có thuốc đặc trị chống virus corona mới. Sức khỏe, tinh thần, ăn ngon ngủ kỹ và nghỉ ngơi là phương pháp điều trị tốt nhất".
Ngày 23/2 là ngày nằm viện thứ 38 của bác sĩ Dư Xương Bình. Là bác sĩ Khoa Hô hấp và Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân thuộc Đại học Vũ Hán và là thành viên của nhóm chuyên gia phòng chống dịch bệnh viêm phổi do virus corona mới (Covid-19), ông đã "đi dạo một chuyến tới điện Diêm Vương" trong hơn một tháng vừa qua.
Sáng hôm đó, ông và vợ mình đi xét nghiệm axit nucleic và mất cả ngày để chờ đợi, đến tối họ nhận được kết quả, cả hai đều âm tính. Đây là lần xét nghiệm axit nucleic thứ hai của ông.
Trước đó, ngày 18/2, hai vợ chồng ông đã làm xét nghiệm lần thứ nhất, cả hai người đều âm tính. Ngày 21/2, vợ ông xét nghiệm lần thứ hai, kết quả dương tính với chủng virus mới.
Nếu muốn xuất viện thì cả hai lần xét nghiệm virus đều phải là âm tính. Bác sĩ Dư Xương Bình quyết định lùi lại 2 ngày xuất viện. Tối ngày 23/2, chia sẻ với Tài Tân về kết quả xét nghiệm, ông đã cố tình gửi thêm ba hình mặt cười rất tươi. Ông nói: "Tôi đã có kết quả âm tính hai lần liên tiếp, có thể xuất viện rồi. Nhưng vợ tôi phải kiểm tra lại vào ngày hôm sau nữa, nên tôi đợi bà ấy thêm hai ngày".
Làm thế nào để phát ngôn trên các phương tiện truyền thông xã hội, bác sĩ Dư Xương Bình không hề có kinh nghiệm trước đó. Tuy nhiên, sau khi đăng ba video miêu tả lại quá trình điều trị của chính mình, ông đã trở thành "người nổi tiếng trên mạng xã hội".
Ngoài việc kể về quả trình "chiến đấu với dịch bệnh", video của ông còn liên quan đến những kiến thức về cách dùng thuốc, sử dụng hormone trong điều trị bệnh Covid-19, ông cũng đăng các chủ đề liên quan đến tình hình vật tư và nhân viên điều trị tại Vũ Hán.
Nói về ý định ban đầu khi quay video, ông nói, hy vọng mọi người có những kiến thức cơ bản về căn bệnh này, "không nên quá sợ hãi". "Vào thời điểm đó, sự phát triển của dịch bệnh Covid-19 đã lan ra rất rộng và dữ dội, rất nhiều người dân, bao gồm các nhân viên y tế còn thiếu hiểu biết về phương diện này". Ông cho rằng, đối với dịch bệnh "cần phải đề cao sự chú ý và bảo vệ sức khỏe nhưng không nên quá hoảng sợ".
"Hoảng sợ cái gì chứ? Ông trời sập xuống thì sẽ có người cao to chống đỡ; bệnh dịch đến, nhân viên y tế chúng tôi sẽ xung phong ở phía trước, không có gì đáng sợ cả, mọi việc sẽ tốt lên thôi, đại đa số mọi người sẽ không sao, cứ tin tưởng vào chúng tôi, sẽ chiến thắng thôi", bác sĩ Dư Xương Bình nói trong video.
Năm ngày không thể dậy được
"Tôi cũng không biết ai đã lây bệnh cho tôi. Tôi đã tiếp xúc rất nhiều bệnh nhân. Thời gian đầu có một cuộc hội chẩn tại Khoa cấp cứu, một ngày có tới 3 trường hợp đều là bệnh này. Khi đó vẫn chưa có chẩn đoán. Việc chẩn đoán rất khó, cần lãnh đạo của bệnh viện ký tên. Nhưng là một bác sĩ lâm sàng, tôi nhận thấy đây là viêm phổi do virus, hầu hết là virus corona. Còn có một lần hội chẩn về bệnh dịch, bệnh nhân làm việc trong chợ hải sản Hoa Nam. Bạn nói là ai lây nhiễm đây? Tôi xung phong ở tuyến đầu, đều phải tiếp xúc với những bệnh nhân như vậy, sớm muộn gì sẽ có một ngày bị lây nhiễm. Dù sao thì tôi cũng bị nhiễm bệnh rồi", bác sĩ Vũ Hán cho biết.
Ngày 14/1, cơ thể ông xuất hiện những triệu chứng đầu tiên. "Khi đó tôi bị sốt, ngày sốt, đêm không sốt, 38,5 độ C, còn mọi thứ khác bình thường. Không sổ mũi, không ho, khi ăn thì bị nấc. Tôi nghĩ hay mình bị viêm dạ dày? Mà cũng không giống, vì không bị tiêu chảy. Có vấn đề ở đâu nhỉ? Ngày 14-15/1, tôi không đi làm, tôi nói phải nghỉ ngơi. Ngày 15/1 có chuyên gia đến khám, tôi nhất định phải đi, sau khi đến tôi không kiên trì được lâu, nên đã dừng khám sớm".
Ngày 17/1, bác sĩ Dư Xương Bình chụp CT, phát hiện hai lá phổi có vấn đề. "Tại sao tôi đi kiểm tra? Bởi thứ Sáu ngày 17/1, khoa chúng tôi sẽ có một bữa ăn tất niên. Tôi nghĩ, chẳng may tôi đi mà lây nhiễm cho mấy chục người thì sao, nên tôi nhất định phải đi kiểm tra. Khi đó tôi đã gọi điện cho các bạn học, đồng nghiệp của tôi, chúng tôi xuất phát lúc 5h15 phút, tôi nói bây giờ là 5h, lập tức chụp CT cho tôi. Khi làm xong, phát hiện hai lá phổi có vấn đề. Viêm phổi do virus! Tôi nghĩ thôi vậy, không đi nữa. Tôi còn có một đồng nghiệp khác, cũng thấy sức khỏe yếu, đã chụp CT cùng với tôi, cũng bị viêm phổi. Hai chúng tôi đã nhập viện như vậy đó".
Vài ngày sau khi nhập viện, bác sĩ Dư Xương Bình tiếp tục sốt nhưng không thở gấp, cũng không tức ngực. Ngày 20/1, ông cảm thấy càng ngày càng khó chịu, chụp CT lần hai, phát hiện bệnh phổi của mình ngày càng nặng. "Điều này tôi đã liệu tới, viêm phổi do virus đều là như vậy. Tôi hy vọng nó tiến triểm chậm một chút, còn bệnh tình nặng thêm là trong dự liệu của tôi".
Sau đó, bệnh tình của ông xấu đi nhanh chóng. Ông nhớ lại: "Tôi có 5 ngày không dậy được, không ngồi được. Tức ngực, thở gấp, khó thở, cần thở oxy. Mỗi ngày bệnh càng nặng hơn. Đã 5 ngày tôi không dậy nổi! Chưa hề có việc như vậy từ trước tới nay".
"Tôi sẽ chết ư?", trong 5 ngày không thể dậy nổi, bác sĩ Dư Xương Bình đã nghĩ đến điều này. Ông tự đánh giá rằng: "Tôi suy nghĩ rằng, tôi có 30% khả năng tử vong. Nếu bệnh tình của tôi nặng thêm trong 2 ngày này, tôi sẽ không sống nổi. Nhưng nếu sau hai ba ngày mà ổn định lại, thì sẽ rất có hy vọng. Thậm chí, sẽ có chuyển biến tốt. Vì vậy tôi có 70% hy vọng sống sót. Tôi rất hiểu căn bệnh này, dù gì tôi cũng là chuyên gia, có phải không?".
Niềm tin sống sót đã giúp ông vượt qua được 5 ngày khó khăn nhất. "Niềm tin gì ư? Bởi tôi có sức khỏe tốt, hệ miễn dịch tốt có thể chống lại được virus. Còn một điều khác, tuy tôi khó thở, nhưng tôi ăn được, uống được, ngủ được. Khi hết sốt, tôi có thể ăn. Nếu ăn không được, thì tôi thở, rồi từ từ ăn. Ăn là việc vô cùng quan trọng! Tôi ăn được, ngủ được nên tôi luôn cho rằng hy vọng sống sót của tôi rất lớn", ông nói.
Ngày 23/1, bác sĩ Dư kiểm tra lại CT, sử dụng túi oxy và được đẩy bằng xe lăn. Ông cho rằng đêm hôm trước là khó khăn nhất. "Tôi tính toán sẵn trong đầu rằng, ngày 23/1 là một cuộc chiến giằng co. Nếu tôi vượt qua được ngày này, ngày mai sẽ dần có chuyển biến tốt lên".
Ông cho rằng, những ngày sau sẽ "càng ngày càng tốt hơn". Khi bác sĩ phụ trách điều trị đến kiểm tra phòng, ông nói rằng tình trạng bản thân "ngày càng tốt hơn". Vị bác sĩ kia hỏi: "Nhìn ông thở gấp, khó thở, tốt như thế nào?". Ông liền đáp: "Tình trạng của bản thân tôi vốn nghiệm trọng rồi, như vậy đã là có chuyển biến tốt rồi, tốt lắm rồi".
Trong một video được đăng sau đó, khi nhớ lại quãng thời gian này, ông chia sẻ: "Câu chuyện của tôi có vui không? Có thú vị không? Bị bệnh nặng đến nỗi suýt chết, nhưng tôi đã quay trở lại. Có phải là một việc rất tốt hay không?".
Mối quan hệ sinh ly tử biệt
Vợ của bác sĩ Dư Xương Bình vì chăm sóc cho ông mà cũng bị lây nhiễm bệnh Covid-19.
Vào ngày thứ 3 nhập viện, ông cảm thấy mình có thể chết. "Tôi nghĩ, nếu vượt qua được những ngày nguy hiểm này, có thể sẽ sống sót, nhưng nếu không có ai chăm sóc, có thể tôi sẽ chết". Do thiếu nhân viên trong bệnh viện, ông đã xin cho vợ tới đưa thức ăn vào ban ngày. Ông cho rằng vợ mình "có nguy cơ bị lây nhiễm khoảng 80%. Nhưng có thể kiểm soát được, dù bị lây nhiễm cũng chỉ bị nhẹ, dễ điều trị".
"Sau đó cô ấy bị ho, tôi biết rằng cô ấy đã bị lây nhiễm rồi. Tôi nói, em nên đi chụp CT, cô ấy không đi. Tôi hỏi tại sao? Cô ấy nói, em bị nhẹ, bây giờ anh đang bị rất nặng, khi nào anh đỡ hơn em sẽ đi kiểm tra. Khi ấy, cô ấy bị khá nhẹ, không sốt, chỉ bị ho nhẹ". Ngày 24/1, bệnh tình của ông có chuyển biến tốt, vợ ông đi chụp CT, phát hiện hai bên phổi có vấn đề.
Người vợ đã giấu ông nhiều lần gọi điện thoại cho chị gái, sợ hãi đến phát khóc. Sau khi biết chuyện đó, ông nói: "Khi chăm sóc tôi, không thấy cô ấy khóc, mỗi lần cô ấy đều cười khiến tôi rất cảm động. Sau đó, tôi nói với chị gái cô ấy rằng, khóc là đúng, tôi lạc quan, dễ thương như vậy, nếu chết thì đáng tiếc biết bao?".
Bác sĩ Dư kể từng có lần vợ ông còn trêu chọc ông. "Tôi tức giận và quát lên với cô ấy, em tránh xa anh ra! Cô ấy còn cố tình lại gần tôi hơn. Tôi liền nói, đi ra! Cô ấy cười, nói anh vẫn còn khỏe, vẫn còn quát được em, chứng tỏ anh vẫn ổn".
"Sau đại dịch lần này, chúng tôi không chỉ là vợ chồng, mà còn có mối quan hệ sinh tử, một tình cảm có thể hy sinh cả tính mạng". Vào Lễ Tình nhân 14/2, bác sĩ Dư đã viết trên Weibo: "Từ bệnh nặng đến khi hồi phục, cô ấy luôn chăm sóc tôi. Từ trong sâu thẳm, tôi thực sự rất cảm động".
Ngày 20/2, bác sĩ Dư đăng một đoạn video vợ ông đang nhảy múa trong phòng bệnh và kèm theo dòng chữ: "Hôm nay đã có kết quả kiểm tra CT của phu nhân, hồi phục rất nhanh, có lẽ do tâm trạng rất tốt, nên cô ấy đã nhảy một bài, tôi vội quay lại, bởi thêm một video là thêm một ký ức, bây giờ chỉ còn đợi kết quả axit nucleic chuyển sang âm tính nữa thôi".
Bệnh này chỉ bắt nạt được người yếu mà sợ người mạnh
Tự nhận mình là "người ham ăn", ông liên tục khuyên mọi người nên ăn nhiều. Một hộp cơm trưa được ăn hết chỉ còn lại chút canh rau đã xuất hiện trong một video mà ông đăng. "Tôi đều ăn sạch sẽ hộp cơm của mình, chưa đủ, tôi còn ăn cả bánh mì, socola, sữa, hoa quả nữa. Ăn nhiều mới nhanh chóng bình phục", ông nói.
Khi có người nói sắc mặt của ông tốt hơn trước, ông nói chủ yếu là ở việc ăn nhiều hơn. "Bệnh này chỉ bắt nạt được người yếu mà sợ người mạnh, bạn chăm sóc tốt cho bản thân, ăn đầy đủ dinh dưỡng và khỏe mạnh, nó sẽ phải bó tay thôi". Ngày 19/2, bác sĩ Dư viết trên Weibo rằng: "Tôi nhớ món tào phớ ngọt ở cổng bệnh viện".
"Trong thời gian dịch bệnh, mọi người không nên ăn kiêng, cũng đừng giảm béo, bởi nếu cân nặng thấp hơn mức bình thường, thì khi bạn bị bệnh, sức đề kháng cũng thấp, tỷ lệ sống sót của bạn cũng sẽ thấp, điều đó rất nguy hiểm!". Bác sĩ Dư viết: "Bên cạnh đó, bây giờ mọi người đều ở nhà ăn uống, đến khi gặp mặt nhau, mọi người đều tăng lên 4-5 kg, còn bạn không những không tăng mà còn bị gầy đi, mọi người lại tưởng nhà bạn điều kiện không tốt, hoặc tưởng bạn bị bệnh thì còn phiền toái hơn".
Trong thời gian nằm viện, ông luôn theo dõi sự phát triển của dịch bệnh, cũng thông qua internet để chia sẻ quan điểm của ông về căn bệnh này. "Tinh thần phải thật tốt", bác sĩ Dư đã cổ vũ những bệnh nhân mắc bệnh Covid-19 như vậy.
Ông đã chia sẻ về trường hợp điều trị bệnh của một người bạn học, ngoài việc đưa ra lời khuyên điều trị cho bạn, bác sĩ Dư còn nói với bạn mình rằng: "Bạn cần thay đổi tinh thần, tình trạng của phổi đang được cải thiện, bạn nên vui mừng, lạc quan và có lòng tin, không nên bi quan. Bệnh này đa số sẽ được chữa khỏi, các bác sĩ như chúng ta sẽ có giải pháp". Đối diện với những bệnh nhân bi quan, ông viết trên Weibo rằng: "Đừng để tụt lại phía sau, phải sống sót mới có càng nhiều cơ hội hơn".
Có bệnh nhân tình trạng đã khá hơn nhưng xét nghiệm axit nucleic vẫn dương tính nên rất lo lắng. Bác sĩ Dư giải thích rằng: "Axit nucleic dương tính chỉ có thể chỉ ra rằng trước mắt nó có thể lây nhiễm, còn tình trạng sức khỏe có hồi phục hay không phải xem xét sự hồi phục của tất cả chức năng khác, ví dụ khi chụp CT phát hiện các thương tổn đang bị hấp thụ, cảm giác thèm ăn hơn trước, hô hấp ngày càng dễ dàng, điều này chứng tỏ sức khỏe của bạn đang được cải thiện! Lúc này không được chán nản hay tiêu cực! Không được có tâm trạng bỏ cuộc, phải chiến đấu tới cùng với con virus này".
Có chút ánh nắng thì sẽ trở nên rạng rỡ
Sau khi nổi tiếng một cách tình cờ, bác sĩ Dư từng lưỡng lự về việc có nên tiếp tục chia sẻ trên mạng hay không. Ông nói với phóng viên Tài Tân rằng: "Ban đầu tôi muốn cho mọi người hiểu về tình hình trên phương diện này, sau đó có rất nhiều người chú ý và nó giống như việc tôi đang đi tuyên truyền, nên tôi không muốn làm nữa. Trong thời gian đó, tôi phải trả lời rất nhiều tin nhắn, nhận phỏng vấn cũng rất mệt, bệnh tình của tôi có tệ hơn chút. Nhưng có nhiều người quan tâm đến tôi, nếu tôi bỏ mặc sẽ trở thành người vô tâm. Tôi không muốn là người nổi tiếng, nhưng nếu muốn hỏi quan điểm của tôi về căn bệnh này, thì tôi đồng ý nói".
Ông cũng nêu rõ, có nhiều bác sĩ ở vùng khác tới chi viện cho các bác sĩ ở Vũ Hán, họ không biết nhiều về loại bệnh viêm phổi mới do virus này. Hy vọng những video này có thể giúp họ hiểu được tình hình.
"Chém gió với mọi người!", bác sĩ Dư tự đánh giá bản thân rằng: "Tôi luôn cho rằng, tính cách này của tôi rất phù hợp để làm bác sĩ, bởi tôi nhìn xa trông rộng, suy nghĩ chu đáo, còn thông minh nữa! Quan trọng là sức khỏe tốt, chịu được áp lực công việc, tim mạch tốt, chịu được sinh ly tử biệt! Ngoài sự sống và cái chết ra, tất cả những thứ khác đều là chuyện nhỏ, vì vậy thường ngày tôi sẽ để những người thân, đồng nghiệp, bệnh nhân xung quanh mình thấy tôi luôn vui vẻ, đây cũng là vinh hạnh của tôi".
Trong video, bác sĩ Dư cười nói: "Tôi thực sự rất tự tin, bạn thấy đấy tôi luôn cười, tính cách của tôi vốn là vậy, có chút ánh nắng thì sẽ trở nên rạng rỡ, nụ cười có nghĩa là tự tin, nụ cười đại diện cho sức mạnh, tôi hy vọng sẽ mang lại cho mọi người sự tự tin và sức mạnh".
Trí thức trẻ
Sự kiện: Đại dịch COVID-19
Xem tất cả >>- Nữ sinh 19 tuổi tốt nghiệp 9 khoá học trực tuyến của Ivy League trong thời gian giãn cách xã hội, gây quỹ quyên góp hơn 230 triệu chống dịch
- Nỗi lòng nữ lao công làm việc trong khu cách ly theo dõi bệnh nhân tái dương tính: Nhớ con lắm, nhưng chưa về nhà được
- Infographic: 4 khuyến nghị về phòng, chống dịch Covid-19 tại lớp học mà các bậc phụ huynh và học sinh cần biết
- Nhịp sống Hạ Lôi ngày cuối cùng cách ly: "Chúng tôi mong đến ngày hết dịch để đi làm chứ nằm ở nhà thì chết"
- Đánh dấu khoảng cách xếp hàng lấy đồ ăn, chia lớp... các trường triển khai hàng loạt biện pháp bảo đảm phòng chống dịch khi học sinh quay trở lại trường học vào ngày mai