Bài học gì cho Việt Nam khi Mỹ, Australia, Singapore... lần lượt từ bỏ zero-Covid, coi đây là bệnh đặc hữu như cúm?
Khi đại dịch Covid-19 vừa xuất hiện hơn một năm trước, nhiều quốc gia đã đặt mục tiêu "diệt sạch" virus, hay còn gọi là zero-Covid. Zero-Covid là phương pháp loại bỏ hoàn toàn các ca nhiễm F0 trong cộng đồng. Nhưng phần lớn các nước trên thế giới hiện nay tin rằng, sẽ không thể lặp lại chiến lược từng được sử dụng vào thời kỳ đầu đại dịch.
- 14-09-2021Lương lao động sơ cấp nghề Việt Nam cao hơn hẳn so với lao động trung cấp hay cao đẳng: Chuyên môn có phản ánh đúng thu nhập?
- 14-09-2021The Economist: Khi chi phí vận tải không giảm, tàu hết chỗ nằm chờ, doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng ra sao?
- 17-07-2021Tìm cách 'sống chung' với dịch COVID-19
'Sớm hay muộn, Trung Quốc cũng phải thay đổi chiến lược zero-Covid'
Áp dụng zero-Covid đồng nghĩa với việc phải liên tục xét nghiệm trên quy mô lớn, kiểm soát chặt biên giới, không thể mở cửa du lịch và phải giãn cách xã hội cho đến khi toàn cộng đồng sạch bóng Covid-19.
Song ở thời điểm hiện tại, điều này có còn khả thi?
Trung Quốc là một ví dụ điển hình trong việc theo đuổi zero-Covid đến cùng. Chỉ mới chưa đầy 1 tháng trước, quốc gia tỷ dân này chính thức tuyên bố đã thành công khống chế đại dịch Covid-19 một lần nữa, khi số ca nhiễm cộng đồng mới trong lần bùng phát này xuống con số 0.
Nhưng đến hôm nay (14/9), giới chức y tế Trung Quốc cho biết số ca nhiễm trong cộng đồng mới ở tỉnh Phúc Kiến đã tăng hơn gấp 2 lần. Như vậy, Trung Quốc lại bước sang một đợt bùng phát dịch mới.
Ảnh: AFP
Theo dự báo của Bloomberg, về ngắn hạn, Trung Quốc sẽ chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt ít nhất trong năm tới, bởi họ không muốn làm trật bánh "cỗ xe" Thế vận hội mùa Đông. Hơn nữa, Trung Quốc còn có thể phải trả giá về kinh tế, thậm chí là chính trị trong việc duy trì chính sách zero-Covid vô thời hạn, đặc biệt là khi virus SARS-CoV-2 ngày càng có khả năng "lách" vaccine tốt hơn và tạo ra các biến thể mới nguy hiểm hơn.
Giáo sư dịch tễ học Chen Zhengming tại Đại học Oxford (Anh) dự báo, sớm hay muộn, Trung Quốc cũng phải thay đổi chiến lược ngăn chặn dịch Covid-19. Bởi thực tế, ngoài "chi phí thử nghiệm", các nhà kinh tế lo ngại chiến lược zero-Covid có thể có những tác động mạnh hơn đến nền kinh tế trong những năm tới.
Các chuyên gia lo ngại việc đóng cửa nền kinh tế là cách tiếp cận tạm thời và không bền vững: "Zero-Covid có thể ảnh hưởng tới vai trò của Trung Quốc trong mô hình toàn cầu hóa kinh tế", Liu Zelandao, Giáo sư kinh tế tại Đại học Nam Kinh phân tích.
Ở một khía cạnh nào đó, Trung Quốc có hệ thống kinh tế quốc dân hoàn chỉnh và hệ thống lưu thông nội bộ mạnh mẽ, nên ngay cả khi ít tiếp xúc với phần còn lại của thế giới, nước này vẫn có thể tự vận hành ít nhất là trong ngắn hạn.
Song, nhà kinh tế nổi tiếng Yu Yongding, cựu cố vấn Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cho biết, cách tiếp cận không khoan nhượng vẫn phù hợp, nhưng đất nước sẽ phải đối mặt với "rất nhiều khó khăn" và tác động lên nền kinh tế sẽ là "rất lớn". Ông Yu Yongding khẳng định chắc chắn, trao đổi kinh tế quốc tế sẽ có một số tác động bất lợi. Đây là một cái giá phải trả.
Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Singapore... dần từ bỏ zero-Covid
Tất nhiên, Trung Quốc không phải là nước duy nhất chọn zero-Covid. Australia, New Zealand cũng đã từng quyết định theo đuổi chiến lược tương tự và không ít nền kinh tế khác còn đang lưỡng lự trước lựa chọn khó khăn này.
Nhưng với biến thể Delta, cuộc chiến chống Covid-19 của thế giới đã bước sang giai đoạn mới. Nhiều nước đã chuyển sang tìm cách sống chung an toàn với dịch bệnh, người dân cũng được khuyến khích thay đổi nhận thức về đại dịch, nếu bị nhiễm thì tìm cách không để bệnh diễn biến nặng hoặc tử vong vì Covid-19.
Ảnh: Saeed Khan/AFP/Getty Images
Điển hình như Australia, quốc gia đã duy trì thành công mục tiêu zero-Covid trong một thời gian dài. Thủ tướng Scott Morrison mới đây thừa nhận điều đó khó xảy ra và nhấn mạnh số ca mắc không phải là tất cả trong tình hình dịch bệnh. Do đó kế hoạch quốc gia này sẽ chuyển trọng tâm từ số ca lây nhiễm mới sang các vấn đề về nhập viện, các ca bệnh nặng.
Theo đó, giới chuyên gia đều đồng tình, sự xuất hiện của biến thể Delta chính là yếu tố "thay đổi cuộc chơi", và zero-Covid sẽ không xảy ra kể cả khi đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, hay áp lệnh phong tỏa lâu dài.
Tổng Y sĩ Hoa Kỳ Vivek Murthy thừa nhận Covid-19 sẽ khó có thể biến mất hoàn toàn. Do vậy, điều quan trọng bây giờ là phải làm rõ rằng chống dịch thành công không phải là không ghi nhận ca bệnh nào, mà là ghi nhận rất ít người nhập viện và rất ít người tử vong.
Singapore từ cuối tháng 6 đã chuyển sang chiến lược sống chung với Covid-19, thông báo chính sách đi lại miễn cách ly với Hong Kong (Trung Quốc), Ma Cao (Trung Quốc), Đức và Brunei. Thủ tướng Lý Hiển Long nhận định không còn khả năng đưa số ca nhiễm về 0 nữa, ngay cả khi phong tỏa một thời gian dài. "Vì vậy, phải chuẩn bị cho viễn cảnh Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu như cúm, hay thủy đậu".
Người dân Hàn Quốc cũng liên tục kêu gọi Chính phủ nước này sớm áp dụng chiến lược "sống chung với Covid-19", tập trung ngăn chặn số ca nhập viện và nguy kịch, nới lỏng các biện pháp điều trị để giúp người dân trở lại cuộc sống bình thường mới. Các cơ quan y tế của Hàn Quốc thông báo đang lên kế hoạch xem xét lại chiến lược phòng dịch Covid-19 mới vào cuối tháng 9.
Hay như ở Malaysia, Bộ trưởng Thương mại quốc tế và công nghiệp Mohamed Azmin Ali ngày 7/9 cũng thông tin, từ cuối tháng 10, quốc gia này sẽ coi Covid-19 là một bệnh đặc hữu, giống như sốt xuất huyết hay sốt rét.
Với Việt Nam thì sao?
Tháng trước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu "thần tốc" lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trong thời gian TP HCM siết chặt giãn cách. Ngay sau đó, thành phố áp dụng làm xét nghiệm nhanh mẫu đơn trong vòng 3 ngày toàn bộ người dân "vùng cam" và "vùng đỏ".
Tới đây, theo ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP HCM, thành phố sẽ đi vào giai đoạn thử nghiệm từ 16/9 - 30/9. Cụ thể, cho phép các shipper được chạy liên quận nhưng phải đảm bảo về an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19. TP HCM cũng sẽ có quy định đảm bảo an toàn phòng chống dịch, thí điểm vùng an toàn ở 3 quận huyện gồm Q.7, Củ Chi, Cần Giờ.
Ảnh: REUTERS/Kham
Hay như tai Hà Nội cũng đang trong đợt cao điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 diện rộng người dân. Theo Sở Y tế Hà Nội, đến 12h ngày 11/9, toàn thành phố đã lấy được 876.427 mẫu.
Theo như chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính trước đó, phải nhận thức rõ tính chất phức tạp, khó lường của đại dịch. "Việt Nam đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, chúng ta sẽ chủ động sống chung an toàn với dịch bệnh, nhanh chóng thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng".
Như vậy, việc sống chung với virus ra sao sẽ phụ thuộc vào chiến lược sắp tới. Ví dụ như nếu là phong toả, các nước hiện đang lựa chọn phân loại doanh nghiệp theo đặc thù, thay vì đóng băng toàn bộ hoạt động kinh tế.
Thực tế, không thể so sánh zero-Covid hay sống chung với đại dịch, biện pháp hay chính sách chống dịch nào tốn ít chi phí hơn. Đối với mô hình zero-Covid của Trung Quốc, câu hỏi đặt ra là liệu các nước khác có sẵn sàng, hoặc có khả năng làm theo những bước đi tương tự hay không?
Mối quan hệ giữa dịch Covid-19 và phát triển kinh tế đang thay đổi, tác động rất lớn đến các nhà hoạch định chính sách. Hầu hết các nước trên thế giới hiện nay tin rằng, sẽ không thể lặp lại chiến lược từng được sử dụng vào thời kỳ đầu đại dịch, bao gồm hạn chế khả năng di chuyển nhằm ngăn chặn sự lây lan, đồng thời tung gói kích cầu nhằm kích thích tăng trưởng.
Và cũng vô cùng khó có thể áp đặt một mô hình của một quốc gia nào lên quốc gia nào. Đến nay, vẫn chưa quốc gia nào tuyên bố chiến thắng hoàn toàn Covid-19, cũng chưa có mô hình nào được kết luận thực sự chiếm ưu thế hơn, trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.