MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bài học từ bi kịch mua thâu tóm Hãng phim truyện Việt Nam

Chọn nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) là một công ty vận tải đường sông (Vivaso) mà không phải là một đơn vị am hiểu về nghệ thuật thứ 7 là một câu hỏi lớn. Thế nhưng, ai sẽ chịu mua VFS với giá trị lõi là thương hiệu và những tài năng nghệ thuật ở đây cũng không dễ trả lời.

Chia sẻ về nỗi đau của nghệ sĩ khi hoàn tất việc cổ phần hóa VFS và chuyển thành Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển điện ảnh Việt Nam, đạo diễn Quốc Tuấn kể câu chuyện ông chủ mới nói “rất trân trọng điện ảnh, phải khuếch trương điện ảnh” nhưng làm thì ngược lại.

Kho đạo cụ từng sản xuất nhiều bộ phim nổi tiếng bị “dọn dẹp” và “cho đồng nát vào nhặt nhạnh”. Đại diện này kể lại: “|Những chiếc mũ sắt, bi đông mà anh em định nhấc lên thì ông ta lấy chân đá vứt đi. ‘Bây giờ ai làm phim với những cái này. Vứt hết. Bây giờ làm phim chân dài’”. Đạo diễn Quốc Tuấn bổ sung thêm một chi tiết khác: “Khi biên kịch, đạo diễn, quay phim lên gặp, ông ta nói rằng ‘Tôi chẳng biết gì về điện ảnh’. Chúng tôi bật ngửa nhìn nhau và không biết nói gì hơn”.

Với một hãng phim có bề dày lịch sử 60 năm như VFS, vì sao lại lựa chọn đối tác chiến lược mua 65% vốn là một công ty vận tải đường thủy, không hiểu gì về nghệ thuật thứ 7, để vực dậy? Câu trả lời được những lãnh đạo có thẩm quyền đưa ra: quy trình được tiến hành công khai và Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) là đơn vị quan tâm lớn nhất và mua lại.

Vivaso mua lại vì họ thực sự quan tâm đến điện ảnh, muốn mở rộng ngành nghề kinh doanh và phục hưng VFS hay chỉ quan tâm đến 4 lô đất có giá trị lớn mà đơn vị họ thâu tóm đang nắm quyền sử dụng?

Nếu căn cứ vào 7 cam kết khi thực hiện mua cổ phần thì có vẻ họ quan tâm đến điện ảnh. Bởi một trong 7 cam kết là “90% doanh thu phải từ sản xuất phim” và các cam kết khác là:đầu tư cơ sở sản xuất phim; tuân thủ phương án sử dụng đất đã được duyệt; sử dụng toàn bộ số lao động hiện có; sử dụng tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu cho việc sản xuất phim…”. Chưa hết, ông chủ mới đến từ Vivaso (chủ thực sự là Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường) còn đồng ý với điều kiện: “Nếu nhà đầu tư không làm đúng cam kết, sẽ xử lý theo chế tài”.

Còn thực tế thì sau gần 3 tháng trở thành chủ mới của VFS, phản ứng của các nghệ sĩ và những động thái về việc dẹp bớt các phòng quay phim và biên kịch để cho thuê bán phở và chân gà nướng là một tín hiệu rõ ràng.

Bài học từ câu chuyện thâu tóm Hãng phim truyện Việt Nam


Đồ họa: Hương Xuân.

Đồ họa: Hương Xuân.

Tiến sĩ Quách Mạnh Hào, một chuyên gia nổi tiếng về chứng khoán (hiện giảng dạy tại Anh) bình luận trên trang cá nhân: “Hãng phim truyện Việt Nam là một ví dụ tốt về định giá trong các thương vụ thâm tóm”. Theo ông Hào, định giá phụ thuộc vào cách nhìn chủ quan của người thực hiện.

Ở đây, bên mua (Vivaso) đã nhìn vào giá trị tài sản hiện hữu là đất để tính toán trong khi bên bị mua (cụ thể là các nghệ sĩ của VFS) cho rằng giá trị vô hình là tài năng của các nghệ sĩ, thương hiệu của hãng phim là quan trọng. Ông Hào cũng cho rằng: “Lịch sử và tên tuổi của Hãng Phim truyện Việt Nam là không thể bàn cãi. Nếu một hãng phim tư nhân cần một “lịch sử”, họ đang có cơ hội lớn”.

Theo ông Hào, một nguyên tắc cơ bản trong định giá là tài sản chỉ có giá cao nhất đối với người cần nó. Nếu VFS trước khi bán được cấu trúc thành 2 công ty con (ví dụ Công ty quản lý đất và Công ty phim truyện), họ đã có thể bán 2 công ty cho 2 người mua có chuyên môn và mục đích khác nhau. Với các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa có những lợi thế hữu hình tương tự, nhất thiết cần phải cấu trúc trước khi thực hiện.

Chuyên gia về chứng khoán này nhận định: “Bài học rút ra là đừng bao giờ bán nhiều thứ cho người chỉ cần một thứ vì họ sẽ trả những thứ còn lại với giá tượng trưng”.

Trong khi đó, với người mua là Vivaso, nếu mục đích của họ là nhắm tới 4 khu đất vàng mà VFS đang sở hữu thì điều đó cũng đang gặp những rào cản cực lớn. Với việc các nghệ sĩ phản ứng dữ dội, sự vào cuộc của nhiều lãnh đạo quản lý Nhà nước cấp cao, thanh tra tiến trình cổ phần hóa VFS, kế hoạch đi chệch khỏi mục tiêu sản xuất phim và chỉ quan tâm tới đất sẽ gặp phải ngõ cụt.

Bài sau: Ai sẽ mua những giá trị vô hình của Hãng phim truyện Việt Nam?

Vương Diệu Quân - H.Ly

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên