Bãi thải nhà máy phân bón DAP - Vinachem tiềm ẩn sự cố môi trường
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan và nhà máy đặt gần trung tâm thành phố, bãi thải GYP với chiều cao 30m, có tính axit sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn về sạt lở, sự cố môi trường.
- 15-09-2016Đạm Ninh Bình lỗ lớn, Vinachem đề xuất chuyển 2.700 tỷ nợ vay thành vốn góp
- 12-08-2016Ngân hàng nào đang ‘ngồi trên lửa’ với những dự án nghìn tỷ của Vinachem?
- 01-08-2016QBS: Quý 2 lỗ 22 tỷ đồng do khoản đầu tư vào DAP - Vinachem
Chiều 6/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã triệu tập cuộc họp khẩn với các lãnh đạo các tập đoàn lớn, yêu cầu báo cáo thực tế hiện trạng tại các dự án điện, than, xi măng, khoáng sản.
Liên quan đến công tác bảo vệ môi trường của một số nhà máy được dư luận xã hội quan tâm, báo cáo tại cuộc họp cho biết, đối với bã thải GYP tại Nhà máy sản xuất phân bón Diamon phốt phát (DAP) thuộc CTCP DAP - Vinachem cho thấy, bã thải GYP được thải ở dạng thải khô có độ ẩm 25-28%, được vận chuyển bằng băng tải kín ra bãi chứa tạm thời.
Tổng diện tích bãi GYP quy hoạch theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là 41,39ha, chia làm 2 khu vực: tạm thời (13ha), lâu dài (28,39ha). Hiện lượng bã thải GYP đang chứa tại bãi tạm thời xấp xỉ 2,3 triệu tấn, chiều cao bãi là 30m (thấp hơn chiều cao theo thiết kế 10m). Công ty DAP đã xây dựng bãi chứa lâu dài giai đoạn 1 với diện tích là 5,4 ha, hiện đang chuyển bã thạch cao từ bãi chứa tạm thời sang bãi chứa lâu dài.
Đối với nước rỉ từ bãi thải tạm thời, pH là 2,1 (cao hơn ngưỡng chất thải nguy hại tại QCVN 07/2009/BTNMT), công ty thu gom, bơm tuần hoàn về nhà máy để tận thu P2O5, không xả thải ra môi trường.
Báo cáo cho biết, mặc dù công tác lưu giữ bã thải GYP đang được thực hiện theo cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tuy nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan và nhà máy đặt gần trung tâm thành phố thì bãi thải GYP với chiều cao 30m, có tính axit sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn về sạt lở, sự cố môi trường.
Nhà máy sản xuất phân bón DAP được xây dựng trên diện tích 72ha thuộc Khu kinh tế Đình Vũ với tổng mức đầu tư hơn 172 triệu USD. Nhà máy bao gồm 4 nhà máy nhỏ: Nhà máy sản xuất Diamon phốt phát (DAP) công suất 330.000 tấn/năm, Nhà máy sản xuất Acid Sulfuric (H2SO4) công suất 414.000 tấn/năm, Nhà máy sản xuất acid phốt phoric công suất 167.700 tấn/năm và Nhà máy điện, lò hơi công suất 35 tấn/h, dùng than cám 5.
Trong quá trình sản xuất phân bón, nhà máy thải ra 2 chất thải rắn là bã thải (gypsum) từ nhà máy sản xuất axit phốtphoric (từ nguyên liệu quặng Apatit tuyển) và tro, xỉ từ nhà máy nhiệt điện.
BizLIVE