Bài toán gia tăng giá trị cho hạt điều Việt Nam
Bên cạnh việc gia tăng sản lượng điều trong nước để giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, ngành điều Việt Nam cũng đang nỗ lực nâng cao giá trị cho hạt điều, cùng với đó là cam kết 100% sản phẩm đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- 08-11-2016Giá hạt điều tăng cao
- 26-07-2016Thị trường hạt điều khởi sắc
- 26-05-2016Từ đầu năm đến nay, Việt Nam bán hạt điều thu nhiều ngoại tệ hơn dầu thô
Rủi ro từ nguyên liệu nhập khẩu
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 tháng năm 2016, các doanh nghiệp sản xuất điều trong nước đã nhập khẩu 913.000 tấn điều thô, trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và 39% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, phần lớn điều được nhập khẩu từ châu Phi. Dự báo cả năm nay, nhập khẩu điều nguyên liệu của Việt Nam có thể lên tới 1 triệu tấn (nếu cả nhập tiểu ngạch từ Campuchia), chiếm 65% lượng điều chế biến trong nước. Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu khiến cho việc kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn.
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Giám đốc Công ty VinaControl - đơn vị giám định hầu hết lượng hàng điều thô nhập khẩu vào Việt Nam, đánh giá chất lượng hạt điều nhập khẩu từ châu Phi nói chung không ổn định, hàng hoá khi về đến Việt Nam thường bị ẩm, mốc, mọc mầm... nên tỷ lệ hàng hư hỏng cao. Nhà cung cấp thường đổ lỗi do tình hình thời tiết xấu, mưa nhiều, độ ẩm không khí cao, tuy nhiên, theo ông Nhựt, nguyên nhân chính là công tác thu hoạch, xử lý, bảo quản điều thô không được tốt.
Tình trạng giao hàng thiếu khối lượng, lẫn tạp chất, bao bì rách nát vẫn còn, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của các nhà xuất khẩu hạt điều thô từ châu Phi, đồng thời làm thiệt hại kinh tế đối với các nhà nhập khẩu. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), nhiều người bán không thực hiện hợp đồng đầy đủ, không giao hàng cho doanh nghiệp Việt Nam hoặc giao hàng nhưng đòi trợ giá, có khi hàng về đến cảng, bộ chứng từ về đến ngân hàng nhưng họ lại sửa vận đơn tàu, giao hàng cho người khác giá cao hơn.
Cũng theo ông Nhựt, độ ẩm là yếu tố quyết định trong việc bảo quản và lưu trữ hạt điều thô, ảnh hưởng trực tiếp đến màu sắc, mùi vị của nhân điều sau khi chế biến. Kiểm soát tốt ẩm độ sẽ nâng cao giá trị thương phẩm của nhân điều, hàm lượng dinh dưỡng ít bị biến đổi. Tỷ lệ nhân nám, nhân vàng giảm thiểu, nhân điều sau khi chế biến có màu sắc tự nhiên, mùi vị đặc trưng của sản phẩm, góp phần đáng kể vào chuỗi sản xuất điều sạch, an toàn của ngành điều Việt Nam.
Ngược lại, hạt điều có độ ẩm cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc phát triển, là mối nguy sinh ra độc tố Aflatoxin trong nhân điều gây mất an toàn cho người tiêu dùng. Do đó, đối với các loại hàng ẩm mốc nặng, mọc mầm, thối nhũn tuyệt đối không được đưa vào chế biến điều an toàn thực phẩm mà phải có hướng xử lý khác hoặc đem đi tiêu hủy. Điều này gây ra tổn thất kinh tế rất lớn. Ngoài tổn thất về khối lượng (từ 2 đến 4% thậm chí loại bỏ lô hàng), người nhập khẩu còn chịu tổn thất về chất lượng, giảm giá trị hàng hoá khoảng 0,6 USD/LB (1 pound tương đương 0,45kg) đối với nhân điều xuất khẩu sau khi chế biến.
Lúc này, kế hoạch sản xuất, xuất khẩu của DN chế biến điều Việt Nam bị ảnh hưởng, dẫn tới việc vi phạm hợp đồng giao hàng cho đối tác. Từ đó tác động xấu tới uy tín và thương hiệu chung của điều Việt Nam.
Cam kết sản xuất sạch
Trước tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, trong khi chất lượng lại bấp bênh, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, ngành điều Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển 4 chương trình.
Thứ nhất, các DN sản xuất kinh doanh điều sẽ đồng hành cùng nhà nông với đề án “ghép cải tạo – thâm canh điều”. Theo đó, mục tiêu là đến năm 2020 sản lượng điều thu hoạch của Việt Nam sẽ đạt 600.000 tấn hạt điều thô, tăng đáng kể so với năm 2016.
Thứ hai là, chương trình “sản xuất sạch hơn” với mục tiêu cung ứng ra thị trường các dòng sản phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Vinacas đang vận động các DN tái cấu trúc lại DN, nâng cấp nhà máy theo hướng đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO – HACCP – BRC – FSSC 22000 – SA 8000… Vinacas cũng vận động các DN liên kết với các chủ trang trại, câu lạc bộ, hợp tác xã trồng điều sạch, điều hữu cơ…
Theo đó, Vinacas cam kết, ngay từ năm 2016, 100% sản phẩm của các thành viên Vinacas đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mới đây, Vinacas cùng với Câu lạc bộ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hạt điều cũng đã đưa ra tuyên bố chất lượng với tiêu chí "5 không" và "3 có". Trong đó, tiêu chí 5 không là: không sử dụng hương liệu trong chế biến; không có sản phẩm biến đổi gen; không nấm mốc; không nhiễm khuẩn, sâu mọt và không sử dụng lao động cưỡng bức. Còn 3 có là: sản phẩm có màu sắc tự nhiên; có mùi vị đặc trưng và có giá trị dinh dưỡng cao.
Chương trình trọng tâm thứ 3 được Vinacas triển khai là gia tăng giá trị kinh tế của cây điều thông qua các đề án ngành. Trong đó, đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng hóa các dòng sản phẩm. Cùng với đó, Vinacas cũng đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước với mục tiêu đến năm 2020 sản lượng tiêu dùng trong nước vào khoảng 30.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2015 là 15.000 tấn.
Ngoài ra, Vinacas cũng thực hiện xây dựng thương hiệu điều Việt Nam và khuyến khích các DN tham gia chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia. Theo đó, Vinacas đã phối hợp với nhiều cơ quan đơn vị thực hiện nghiên cứu và quảng bá giá trị dinh dưỡng của hạt điều Bình Phước, Đồng Nai… Kết quả, lượng điều tiêu dùng trong nước năm 2015 đã tăng trên 100% so với năm 2014.
Cuối cùng, Vinacas cũng đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại và xuất khẩu. 10 năm qua, Việt Nam luôn giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều. “Chúng tôi tự hào vì ngày nay thế giới nói tới hạt điều là nghĩ đến Việt Nam. Nhưng trong tương lai, chúng tôi sẽ phấn đấu để mọi người nói tới điều sạch, nghĩ đến Việt Nam” – ông Thanh khẳng định.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 tháng năm 2016 số lượng nhân điều xuất khẩu của Việt Nam đạt 291.000 tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu 2,33 tỷ USD, tăng gần 6% về lượng và tăng trên 3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Dự báo cả năm 2016, xuất khẩu điều của Việt Nam sẽ đạt 2,7 tỷ USD, trong đó nhân điều 2,5 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay. Với kết quả này, năm 2016 Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì thị phần trên 50% tổng giá trị thương mại nhân điều toàn cầu (khoảng 5,5 tỷ USD).
Năm 2016 cũng là năm thứ 11 liên tiếp ngành điều Việt Nam giữ vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều.
Báo hải quan