MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bài toán khó của Trung Quốc: Cân bằng giữa sức khỏe cộng đồng và chấm dứt các khó khăn về kinh tế

10-02-2020 - 12:34 PM | Tài chính quốc tế

Vào thứ hai đầu tuần, ngày 10/2, nhiều công ty trên khắp Trung Quốc vẫn phải đóng cửa vì lo ngại dịch bệnh bất chấp các nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm tái khởi động nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong hoàn cảnh dịch viêm phổi vì chủng mới của virus corona hoành hành.

Quốc vụ viện Trung Quốc đã kêu gọi các ngành công nghiệp lớn - như hàng không - trở lại hoạt động càng sớm càng tốt. Nhiều tỉnh thành đã đề nghị các doanh nghiệp địa phương mở cửa trở lại vào ngày 10/2 sau quyết định kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán thêm 10 ngày.

Nhiều thành phố, gồm Bắc Kinh và Thượng Hải, động viên nhân viên trở lại công sở làm việc, trong khi một số công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Alibaba và Meituan tiếp tục kéo dài kỳ nghỉ đến 16/2 hoặc lâu hơn nữa. Trong thông báo của Alibaba mà Finacial Times được nhìn thấy, công ty này cho biết có thể sẽ kéo dài kế hoạch mở cửa trở lại "ít nhất một tuần".

Foxconn, nhà tuyển dụng lớn nhất Trung Quốc và là nhà thầu của Apple, sẽ không mở cửa trở lại nhà máy sản xuất iPhone ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Jin Boyang, thành viên ủy ban phòng chống dịch của địa phương, cho biết. Foxconn chưa đưa ra thông báo nào về thông tin trên.

Xem thêm các thông tin mới nhất về diễn biến kinh tế trong và ngoài nước dưới tác động của dịch nCoV tại đây

Một số khu vực, bao gồm tỉnh Hắc Long Giang ở vùng Đông Bắc, đã cho phép người lao động ở các thành phố bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh kéo dài thời gian nghỉ thêm 2 tuần.

Con số người thiệt mạng vì chủng mới của virus corona là hơn 900 người tính đến hết ngày 9/2, theo các quan chức y tế Trung Quốc, và vượt qua con số 774 người chết vì dịch SARS 17 năm trước. Số người nhiễm bệnh lên đến 37.612 người, gấp 5 lần số người nhiễm SARS.

Dịch viêm phổi do chủng mới của virus corona đã gây ra làn sóng bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu, làm rối loạn thị trường tài chính và đặt chuỗi cung ứng dịch vụ dưới những áp lực to lớn. Fiat Chrysler cảnh báo hãng này có thể sẽ phải tạm dừng sản xuất ở châu Âu sau khi gặp khó khăn về nguồn cung ở Trung Quốc, khi giá nguyên liệu đồng, dầu và xăng đều có nguy cơ bị ảnh hưởng lâu dài.

Sự bùng phát của dịch bệnh có thể phá hủy kế hoạch tăng tưởng kinh tế ở mức 6% trong năm nay của Bắc Kinh. Có những lời đồn đoán rằng kỳ họp Quốc hội vào tháng 3 tới đây, thời điểm công bố kế hoạch tăng trưởng hàng năm, sẽ bị hoãn lại.

Bài toán khó của Trung Quốc: Cân bằng giữa sức khỏe cộng đồng và chấm dứt các khó khăn về kinh tế - Ảnh 2.

Một nhân viên ở cửa hàng đồ chơi tại Bắc Kinh. Virus corona đã khiến những thành phố lớn nhất của toàn bộ 33 tỉnh thành của Trung Quốc phải đóng cửa. Ảnh: AP

Dịch bệnh cũng có thể cản trở việc Trung Quốc tăng mua hàng hóa và các sản phẩm từ Mỹ trị giá 200 tỷ USD trong vòng 2 năm tới, như đã được thỏa thuận trong giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại mới ký gần đây với Mỹ.

Trong khi dịch SARS năm 2003 có tỷ lệ tử vong cao hơn, ở mức 10% số người nhiễm bệnh, so với 2% của virus corona đến thời điểm hiện tại, thì virus corona lại dễ lây lan và ảnh hưởng sâu rộng hơn đến đời sống và nền kinh tế. Không giống như SARS, virus corona đã khiến những thành phố lớn nhất của toàn bộ 33 tỉnh thành của Trung Quốc phải đóng cửa.

Nhiều công ty, đặc biệt là những công ty lớn với lực lượng lao động đông đảo, sẽ không mở cửa trở lại trong tuần này vì sợ những đợt bùng phát mới xuất hiện.

Ian Lipkin, nhà dịch tễ học thuộc Đại học Columbia và một trong những người "săn virus" hàng đầu thế giới, nói với FT rằng việc cân bằng ưu tiên sức khỏe cộng đồng và chấm dứt các khó khăn về kinh tế luôn là một việc khó khăn trong hoàn cảnh dịch bệnh.

"Sẽ là cuộc bùng nổ (lây nhiễm) khi mọi người trở lại làm việc và chúng ta sẽ lại gặp rắc rối và phải lùi lại một lần nữa", giáo sư Ian Lipkin nói. Ông vừa tới Bắc Kinh và Quảng Châu để cố vấn cho các quan chức Trung Quốc về virus corona. Ông cũng từng là cố vấn cho nước này vào thời điểm dịch SARS bùng phát.

Theo một công nhân tại nhà máy sản xuất lốp xe ở Mẫu Đơn Giang, tỉnh Hắc Long Giang, công ty của anh gần đây đã khôi phục lại sản xuất nhưng bị buộc phải đóng cửa trở lại sau khi 2 nhân viên dương tính với virus corona. Các trường học cũng sẽ không mở cửa trở lại vào ngày 10/2. Gần như toàn tỉnh sẽ kéo dài thời gian mở cửa trường học cho đến ít nhất ngày 16/2.

Một số khu vực trọng yếu, đặc biệt là các khu vực kinh tế đầu tàu ở Thượng Hải, Chiết Giang, Giang Tô và Quảng Đông, đã yêu cầu các các trường đóng cửa đến hết tháng. Nhiều nhà hàng cũng đóng cửa. Yang Linhua, chủ một cửa hàng bán tôm hùm, nói rằng ông dự kiến sẽ đóng cửa hàng đến hết tháng 3. "Không ai có tâm trạng ăn uống nữa cả", ông nói.

Bài toán khó của Trung Quốc: Cân bằng giữa sức khỏe cộng đồng và chấm dứt các khó khăn về kinh tế - Ảnh 4.


Tham khảo Financial Times

Vũ Hà

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên