Bài toán nâng tầm đội bay Việt Nam
Để duy trì và mở rộng sân chơi trong và ngoài nước đạt quy mô ngang tầm khu vực, việc mở rộng đội tàu bay thương mại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 được nhiều chuyên gia nhận định là nhiệm vụ tất yếu, mang tính chiến lược của các hãng hàng không.
- 30-11-2016Khai thác cảng hàng không Quảng Ninh từ cuối năm 2017
- 23-09-2016Đề xuất phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay
- 31-08-2016Nâng công suất nhà ga Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất
Chưa hết tiềm năng
Theo Dự thảo Chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không và đội tàu bay dân dụng Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 của Cục Hàng không Việt Nam, quy mô đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đến năm 2020 sẽ vào khoảng 230 chiếc.
Con số này cao hơn quy mô hiện tại gần 100 tàu bay nhưng lại thấp hơn tiềm năng phát triển của các hãng hàng không trong nước.
Cụ thể, theo số liệu tổng hợp của Cục Hàng không Việt Nam, đến năm 2020, Vietnam Airlines (bao gồm cả Vasco) đã lên kế hoạch mua sắm, đầu tư đội tàu bay với 114 chiếc, trong đó có loại máy bay thân rộng (Boeing 777, Boeing 787, Airbus 330, Airbus 350) là 32 chiếc, tăng 24 chiếc; Jetstar Pacific sẽ xây dựng đội tàu bay gồm 30 chiếc chủ yếu là A320/A321, tăng 12 chiếc so với thời điểm tháng 9/2016.
Còn Vietjet dự kiến sẽ có 100 chiếc A320/A321 vào năm 2020, tăng 55 chiếc so với thời điểm đầu quý III/2016.
Trong khi đó, theo số liệu mới nhất từ CAPA Fleet Database, Việt Nam hiện đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á về số lượng máy bay đang khai thác và đơn đặt hàng máy bay đã vươn lên hạng thứ 3, sau Malaysia và Indonesia.
Nếu tính theo hãng hàng không, thứ hạng xếp theo số lượng máy bay đang khai thác lần lượt là Vietnam Airlines đứng thứ 4, Vietjet đứng thứ 18.
Như vậy trong 10 năm tới, nếu số lượng máy bay của Việt Nam tăng từ con số 142 chiếc như hiện nay lên gần 440 chiếc, đề xuất quy hoạch quy mô đội bay của Việt Nam vẫn chưa bằng một nửa so với 2 quốc gia dẫn đầu.
Giải bài toán phát triển đội tàu bay
Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam hạ tầng hiện nay chưa thể đáp ứng kịp tốc độ phát triển.
Bên cạnh đó, giai đoạn đến năm 2020, nhu cầu của các hãng hàng không Việt Nam về vị trí đậu tàu bay qua đêm tại các sân bay căn cứ là 242 vị trí, vượt 22 vị trí, riêng tại 2 cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất thì cung vượt quá lớn (53 vị trí).
“Quan trọng nhất là chỗ đỗ tàu bay qua đêm, Nhà nước không quy định đội tàu bay của các hãng chỉ được phát triển ở một con số nhất định. Nhà nước chỉ đáp ứng được chỗ đỗ tàu bay ở một mức nhất định tại 2 đầu Hà Nội và TPHCM. Các hãng căn cứ vào đây để lên kế hoạch phát triển đội tàu bay của mình, còn nếu hãng tăng đội tàu bay rồi đỗ ở Cần Thơ, Phú Quốc… thì thoải mái”, ông Thanh cho biết thêm.
Hoàn toàn chia sẻ áp lực hạ tầng đối với cơ quan quản lý nhưng đại diện một hãng hàng không cho rằng, việc phát triển quy mô đội tàu bay cần phải theo nhu cầu của thị trường, đòi hỏi của người dân và việc cải tạo, mở rộng sân bay là khả thi nếu mạnh dạn, khẩn trương xã hội hóa đầu tư. Chẳng hạn, tại sân bay Tân Sơn Nhất, hiện đã có sẵn quỹ đất để phát triển thêm 30 – 40 vị trí đỗ máy bay, mở rộng và xây mới thêm nhà ga để nâng công suất từ 25 triệu khách/năm lên tới 50 triệu khách/năm.
Liên quan tới câu chuyện này, chuyên gia Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng “Số lượng máy bay mua sắm bao nhiêu, vào thời điểm nào sử dụng hay kinh doanh tại Việt Nam hay các nước khác là bài toán kinh doanh của doanh nghiệp tính toán dựa trên nhu cầu thị trường, khả năng cạnh tranh và chỉ báo cáo cho nhà quản lý theo nguyên tắc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bài toán hạ tầng quá tải không quá khó, Chính phủ hoàn toàn có thể giải quyết thông qua việc đẩy mạnh xã hội hoá cho tư nhân tham gia vào phát triển hạ tầng hàng không”.
Phần lớn các chuyên gia hàng không cho rằng tốc độ tăng trưởng đội tầu bay của các hãng hàng không trong nước là phù hợp với thực tế nhu cầu và năng lực khai thác của hệ thống hạ tầng hàng không bởi Việt Nam được đánh giá sẽ là một trong 20 thị trường hàng không nội địa lớn nhất thế giới đồng thời cũng là thị trường tiềm năng hàng đầu khu vực.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, thị trường hàng không tăng trưởng trung bình 15%, đặc biệt trong 2 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng được đánh giá là “đột phá”, với 22,2% vào năm 2015 và 31,2% trong 9 tháng năm 2016.
Ngoài ra, trước mỗi hợp đồng mua máy bay, mỗi hãng hàng không đều phải có chiến lược nhất định và xây dựng dựa trên kết quả phân tích nhu cầu thị trường trong nước/khu vực, mạng đường bay, năng lực khai thác của hãng cũng như điều kiện của các cảng hàng không. Việc xây dựng kế hoạch đội tàu bay phải gắn liền với đánh giá năng lực khai thác của các cảng hàng không, kế hoạch phát triển kết cầu hạ tầng cảng hàng không sân bay cũng như các kế hoạch nâng cấp mở rộng năng lực của các cảng hàng không để có sự điều chỉnh phù hợp nhất.
Các hãng thường lựa chọn các dòng tàu bay hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu, chi phí khai thác thấp và phải cân đối giữa việc thuê mua và sở hữu tàu bay đồng thời kết hợp giữa thuê ướt để bổ sung tàu bay trong giai đoạn cao điểm và đem tàu bay đi cho thuê khai thác bên ngoài vào mùa thấp điểm là giải pháp tối ưu để vừa cung ứng đủ nhu cầu của khách hàng vừa tận dụng mọi nguồn lực trong xã hội.
Lao động