Bầm dập theo cá tra
Cá tra rớt giá và hiện tượng doanh nghiệp vỡ nợ khiến người nuôi lao đao diễn ra trong thời gian qua là hậu quả của sự thiếu liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và ngân hàng
- 17-07-2019Người Thái Lan đột nhiên 'khoái' ăn cá tra Việt Nam
- 16-07-2019Xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam: Khó nhưng phải làm
- 12-07-2019Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL giảm thấp nhất trong 10 năm qua
Giá cá tra liên tục tuột dốc từ nhiều ngày qua và đang ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Giá thu mua cá tra của các nhà máy chỉ còn khoảng 19.000-20.000 đồng/kg, người nuôi thua lỗ từ 3.000-5.000 đồng/kg.
Từ đỉnh cao xuống đáy nợ nần
Việc nông dân mở rộng diện tích nuôi trong khi 2 thị trường chủ lực Trung Quốc và Mỹ giảm tiêu thụ liên tục từ đầu năm 2019, cùng các tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và rào cản kỹ thuật ở một số nước đã gây ra tình trạng trên. Vấn đề này từng được cảnh báo nhưng rốt cuộc vẫn cứ xảy ra khiến người nuôi lao đao, bầm dập theo con cá tra.
Lịch sử hình thành và phát triển của nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL đã tạo ra kỳ tích. Con cá tra ĐBSCL đã "bơi" ra gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm hơn 90% thị phần cá tra xuất khẩu toàn cầu, đưa Việt Nam đứng đầu thế giới. Ngành kinh tế này có lúc đóng góp khoảng 2% GDP quốc gia, tạo việc làm cho hàng chục triệu công nhân, người nuôi và lao động phụ trợ. Nhưng đằng sau ánh hào quang "vượt vũ môn" của loài "đế ngư" là cảnh lâm nợ, khốn đốn của nhiều người nuôi và doanh nghiệp (DN) chế biến cá tra. Vì sao lại như vậy?
Bên cạnh nguyên nhân khách quan từ thay đổi chính sách nhập khẩu của các nước khiến con cá tra phải chật vật tìm đầu ra, phải kể đến những nguyên nhân khách quan do chính chúng ta gây ra. Đó là nhiều DN thủy sản có năng lực tài chính yếu, sử dụng chủ yếu vốn vay ngắn hạn nên gặp lúc lãi suất tăng, lợi nhuận làm ra không đủ trả lãi dẫn đến thua lỗ kéo dài. Nhiều DN thủy sản vừa phất lên, bỗng chốc "lâm bệnh nặng". Một số chủ DN khởi sự từ mua bán chuyển sang nghề nuôi, chế biến nên không có chuyên môn sâu và không am hiểu đầy đủ luật pháp của các nước nhập khẩu. Chỉ cần một đơn hàng chậm thanh toán hoặc bị hủy thì DN điêu đứng.
Những yếu kém, thiếu bền vững của chuỗi giá trị cá tra đã được nhận diện mấy năm qua. Nhiều giải pháp cũng đã được triển khai; từ tăng cường quản lý nhà nước, quy hoạch vùng nuôi, nhà máy chế biến đến tiếp cận cho vay theo chuỗi, thành lập Hiệp hội Cá tra... Tuy nhiên, các giải pháp dường như chưa đủ sức để vực dậy, phát triển bền vững nghề nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra.
Cá tra rớt giá và hiện tượng DN vỡ nợ khiến người nuôi lao đao diễn ra trong thời gian qua là hậu quả của sự thiếu liên kết giữa 3 bên: nông dân - DN - ngân hàng.
Giá cá tra giảm mạnh khiến người nuôi lỗ từ 3.000-5.000 đồng/kg. Ảnh: NGỌC TRINH
Nông dân vẫn đứng ngoài
Chính sách cho vay theo mô hình liên kết chuỗi giá trị cá tra được các ngân hàng áp dụng những năm qua là một chủ trương đúng nhưng thực sự chưa phát huy hiệu quả. Thực tế là vẫn đang có tình trạng mạnh ai nấy làm, DN xuất khẩu làm ăn chụp giựt, tư thương ép giá, rủi ro cao cho nông dân. Thêm vào đó là "bồ nhà chơi xấu nhau trên sân khách" đã tạo cho nhà nhập khẩu quyền xác lập "giá trần". Tại nhiều thời điểm, giá cá tra xuất khẩu liên tục hạ gây bất lợi không chỉ cho DN, người nuôi mà còn làm suy yếu ngành cá tra. Đó chính là lý giải tại sao chúng ta nắm giữ độc quyền cung ứng cá tra cho cả thế giới tiêu dùng nhưng lại không có quyền làm giá. Năng lực tài chính, quản trị và liên kết DN và "mầm bệnh" lây lan theo chuỗi vừa là "huyệt đạo" vừa là "dịch bệnh" của ngành đã làm yếu đi chuỗi liên kết.
Trong khi đó, đối với ngân hàng cho vay theo chuỗi cá tra, mặc dù tiếp cận đúng nhưng chỉ mới giải quyết ở khâu "cung ứng" tín dụng dựa trên các phương thức hợp đồng mà trách nhiệm thường quy về bên yếu thế là người nuôi, phần đông là nông dân hoặc DN siêu nhỏ. Xảy ra nợ nần, các bên yếu thế này "lãnh đủ". Mặt khác, cách tiếp cận của ngân hàng cũng chỉ "sờ" đến công đoạn nuôi, chế biến và xuất khẩu. Công đoạn quan trọng nhất của con cá tra lại đang ở một phân ngành khác. Thực tế hiện nay, 80%-90% giá thành cá tra là chi phí thức ăn nhưng khoảng 80% DN nước ngoài đang nắm giữ quyền cung cấp thức ăn thủy sản, quyết định giá nguyên liệu. Ngoài ra, khoảng 70%-80% nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản như bắp, cám gạo và các nguyên, phụ liệu khác cũng được nhập khẩu.
Sản xuất cá tra, từ "đầu vào" đến "đầu ra", người nuôi - với tư cách "nhà sản xuất" - nhưng không có quyền quyết định đối với sản phẩm của mình làm ra. Do đó, khi cá tra được giá, người nuôi chỉ lãi 10%-20%, còn lại 80%-90% thuộc phân ngành thức ăn. Thua lỗ thì người nuôi mất trắng.
Giải bài toán liên kết chuỗi cá tra chắc chắn cần tầm chiến lược hơn nhiều so với việc xử lý nợ nần của DN thủy sản và người nuôi vốn như cái vòng luẩn quẩn từ nhiều năm nay.
Cần giải pháp cấp bách để "giải cứu"
Trước tình hình giá cá tra giảm sâu tác động tiêu cực đến nông dân, Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng giải pháp cấp bách là các địa phương nhanh chóng thống kê diện tích nuôi; sản lượng cá, nhất là cá tới lứa và quá lứa thu hoạch để có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ. Các bộ, ngành chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp... đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là tìm cách khôi phục lại 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ càng sớm càng tốt. Đồng thời có chính sách tín dụng hỗ trợ DN tăng cường mua cá trong dân nhằm hạn chế tình trạng cá quá lứa, giảm thiểu thiệt hại...
Người lao động