Bản án nghiêm khắc nhất cho các cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB
Sau khi nêu quan điểm "cần loại bỏ bị cáo Trương Mỹ Lan ra khỏi đời sống xã hội", đại diện Viện Kiểm sát cũng cho rằng cần "cách ly vĩnh viễn ra khỏi xã hội" loạt cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB.
- 18-03-2024Bộ trưởng Tài chính nói về việc kiểm toán Ngân hàng SCB
- 13-03-2024"Thưởng" cho nhân viên, lãnh đạo SCB tiền tỉ, bị cáo Trương Mỹ Lan nói gì?
- 12-03-2024Trương Mỹ Lan: Thế chấp khách sạn vay 15.000 tỷ, muốn chuyển 1.000 tỷ sang SCB
14h chiều nay (19/3), phiên tòa sơ thẩm của TAND TPHCM, xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát , Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan, đại diện Viện Kiểm sát tiếp tục nêu quan điểm giải quyết phần dân sự và đề nghị mức án đối với 86 bị cáo.
Đề nghị "cách ly vĩnh viễn ra khỏi xã hội" 2 cựu Chủ tịch, 1 cựu Tổng giám đốc SCB
Tại phần luận tội sáng nay, sau khi đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) "mức án nghiêm khắc nhất" là "loại bỏ ra khỏi xã hội", Viện Kiểm sát chuyển sang nêu quan điểm về các bị cáo nguyên là lãnh đạo SCB.
Theo Viện Kiểm sát, trong vụ án này, các bị cáo thuộc SCB là những người đã giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của SCB.
Trong đó, theo Viện Kiểm sát, bị cáo Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) đã trốn truy nã và bị xét xử vắng mặt. Trong thời gian giữ chức vụ chủ tịch HĐQT đã giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của SCB, gây thiệt hại đặc biệt lớn. Từ ngày 28/6/2012 đến ngày 19/10/2017, bị cáo Thành ký hợp thức hóa hồ sơ 174 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền 42.770 tỷ đồng.
Từ ngày 9/2/2018 đến ngày 6/12/2020, ông Thành đã ký hợp thức hồ sơ 305 khoản vay, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền 189.000 tỷ đồng và gây thiệt hại 99.700 tỷ đồng.
Cựu Chủ tịch HĐQT Bùi Anh Dũng, theo Viện Kiểm sát, từ ngày 10/4/2013 đến ngày 4/12/2020, ông Dũng đã ký hợp thức hồ sơ 404 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB 187.600 tỷ đồng; từ ngày 9/12/2020 đến ngày 22/9/2022, bị cáo Bùi Anh Dũng đã ký hợp thức hồ sơ 207 khoản vay, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 104.200 tỷ đồng và gây thiệt hại số tiền 26.300 tỷ đồng.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB), theo Viện Kiểm sát, đã giúp sức tích cực để bà Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB. Từ ngày 18/11/2013 đến ngày 11/12/2017, ông Văn đã ký hợp thức hồ sơ cho 290 khoản vay, gây thiệt hại 60.500 tỷ đồng. Từ ngày 9/2/2018 đến ngày 25/7/2020, bị cáo Văn đã ký hợp thức hồ sơ 348 khoản vay, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 192.000 tỷ đồng và gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh 101.200 tỷ đồng.
Cựu thành viên HĐQT SCB, bị cáo Tạ Chiêu Trung từ ngày 27/6/2014 đến ngày 19/10/2017 đã ký hợp thức hồ sơ của 97 khoản vay, gây thiệt hại 37.400 tỷ đồng và từ ngày 9/2/2018 đến ngày 29/3/2018, đã ký hợp thức hồ sơ 9 khoản vay, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 4.400 tỷ đồng và gây thiệt hại số tiền 4.773 tỷ đồng.
Ngoài ra, các bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc SCB), Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó Tổng giám đốc SCB), theo Viện Kiểm sát thì cũng có hành vi sai phạm, giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan, gây thiệt hại cho SCB.
Ngoại trừ bị cáo Đinh Văn Thành đang trốn truy nã, Viện Kiểm sát ghi nhận các bị cáo Dũng, Văn, Trung, Dung và Hoàng đã thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội của mình, ăn năn hối cãi, hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ vụ án, tác động người thân khắc phục hậu quả. Các bị cáo này cũng thực hiện hành vi phạm tội từ 2 lần trở lên và gây hậu quả đặc biệt lớn, là những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Từ những nhận định trên, Viện Kiểm sát cho rằng cần ‘cách ly vĩnh viễn ra khỏi xã hội’ đối với các bị cáo Dũng, Thành, Trung, Văn, Hoàng và Dung.
Tiền phong