Bán hàng Livestream: “Tân binh” mới trong làng thương mại, giúp từ DN đến tiểu thương thu về hàng tỷ đồng, giúp “giải cứu” nông sản cam
Từ ngày 11/12/2023 đến tối 15/12/2023, đã có 77 phiên livestream tại chợ Bến Thành được tổ chức, tạo ra 18.200 đơn hàng, mang về doanh thu 4,2 tỷ đồng, tiếp cận 81,6 triệu người.
- 15-12-2023Shopee lập kỷ lục số sản phẩm bán ra qua livestream tăng gấp 28 lần trong ngày 12.12
- 12-12-2023Shopee tăng chuỗi livestream mừng sinh nhật 12.12, doanh nghiệp hưởng lợi
- 25-10-2023Đầu ra cho sản phẩm OCOP từ mô hình mua sắm giải trí qua livestream
Với sự bùng nổ của social marketing, công nghệ, quá trình chuyển đổi số cùng sự dịch chuyển xu hướng tiêu dùng sau đại dịch, mô hình livestreaming (phát trực tiếp)… đang phát triển ở nhiều nước, bao gồm Việt Nam.
Mặt khác, nhiều khảo sát chỉ ra rằng người tiêu dùng đang ở một giai đoạn phát triển mới, ưu tiên trải nghiệm mua sắm tích hợp kết hợp hiệu quả giữa trực tuyến và trực tiếp (livestream). Người trong cuộc cho biết, Livestream là một trong những xu hướng đã nổi lên mạnh mẽ trên thế giới trong giai đoạn gần đây. Sự phát triển lớn mạnh của TikTok còn đem đến nhiều cơ hội cho các KOLs/KOCs cũng như các nhãn hàng trong việc quảng bá hình ảnh của thương hiệu, tạo nên làn sóng mới cho sự cải tiến chiến lược truyền thông trên các nền tảng nội dung số.
Với đặc thù là cơ cấu dân số trẻ, số lượng người dùng điện thoại thông minh cao, Việt Nam năm 2023 chứng kiến sự bùng nổ của “tân binh” làng thương mại Livestream. Nếu đầu năm 2023, mô hình này đưa TikTok nhanh chóng trở thành “thế lực” mạnh trên thương trường thương mại điện tử, sau chưa đầy 1 năm ra mắt đã vượt Sendo, Tiki để lọt Top 3 (báo cáo từ Metric cuối năm 2022). Thì hiện nay, giai đoạn cuối năm, Livestream đã và đang tham gia tích cực vào quá trình thúc đẩy doanh số cho mùa cao điểm, giúp không chỉ các DN mà đặc biệt SME, tiểu thương bán được hàng trong bối cảnh nhu cầu suy yếu do suy thoái kinh tế.
Ghi nhận, từ ngày 11/12/2023 đến tối 15/12/2023, đã có 77 phiên livestream tại chợ Bến Thành được tổ chức, tạo ra 18.200 đơn hàng, mang về doanh thu 4,2 tỷ đồng, tiếp cận 81,6 triệu người.
Trong đó, Hashtag #chobenthanh của chiến dịch đã có 122 video được đăng, tăng trưởng 100 triệu lượt views trong 3 ngày; dự kiến đạt mốc 200 triệu lượt view sau 1 tuần vận hành chiến dịch Hay Hashtag #hochiminhcity từ ngày 11-15/12 đã có 626 video được đăng tải đến từ 491 nhà sáng tạo nội dung hưởng ứng chương trình, tiếp cận gần 189 triệu view, 470 ngàn lượt like và hơn 22 ngàn lượt chia sẻ.
Chương trình do Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM, Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố cùng UBND Quận 1 phối hợp tổ chức nhằm quảng bá, kích cầu tiêu dùng cuối năm, giúp tiểu thương nhanh chóng thích nghi với phương thức bán hàng mới.
Ở khía cạnh khác, trong công cuộc “giải cứu” người dân trồng cam sành ở tỉnh Vĩnh Long khi giá rớt thảm hại, chỉ còn từ 500 – 2.000 đồng/kg, những influencer (người có ảnh hưởng trên nền tảng xã hội) đã thông qua Livestream hỗ trợ với số lượng lớn.
Đơn cử, thông qua tài khoản cá nhân của anh Hồ Khắc Vĩnh (27 tuổi), người có hơn 1 triệu lượt theo dõi trên một số nền tảng mạng xã hội, mỗi ngày dù mở bán lúc 8 giờ nhưng chỉ trong vài tiếng đồng hồ nhóm bạn trẻ của Vĩnh đã bán gần hết số cam trong ngày. Sau gần 1 tuần bán (từ ngày 5/12), nhóm này đã bán được hơn 20 tấn cam của nông dân, "giải cứu" được 2 nhà vườn.
Chia sẻ với báo chí, Khắc Vĩnh cho biết bản thân đang là người sáng tạo nội dung, chuyên thực hiện các clip về ẩm thực, nông sản, nhưng lần này thấy cảnh bà con nông dân trồng cam gặp khó khăn nên muốn chung tay hỗ trợ. Clip đầu tiên về vườn cam của một nông dân ở tỉnh Vĩnh Long, Vĩnh đăng tải lên nền tảng TikTok đã thu hút gần 1 triệu lượt xem cùng hàng trăm bình luận, trên fanpage của Facebook là 400.000 lượt xem. Sau khi đăng tải, nội dung này tạo hiệu ứng tốt, có rất nhiều người nhắn tin, bình luận tìm cách liên hệ Vĩnh để mua cam.
"Clip thứ 2 và 3 tôi đăng tải về vườn và cảnh bán cam ở thành phố cũng đạt gần 1 triệu lượt xem trên TikTok. Nhờ đó mà chúng tôi bán cam rất nhanh. Tôi nghĩ cam sành của bà con là sản phẩm tốt và khi đưa lên mạng xã hội như vậy sẽ giúp được nhiều nông dân hơn. Từ ngày đăng tải, sức lan tỏa đã vượt ngoài mong đợi của tôi. Hiện tại, điểm kế tiếp của chúng tôi ở vườn cam có khối lượng 50 tấn, hy vọng là hỗ trợ người dân thành công", Vĩnh chia sẻ.
Nhiều cá nhân, doanh nghiệp khác cũng tham gia mua cam ủng hộ cho bà con. Đơn cử, đại diện chuỗi siêu thị WinMart cho biết đã thu mua cam sành trực tiếp từ Vĩnh Long, nguồn cam này được ưu tiên trưng bày tại khu vực trung tâm của quầy trái cây tất cả các siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+ trên toàn quốc nhằm thu hút khách hàng mua sắm, thúc đẩy tiêu thụ.
Giá bán lẻ cam sành Vĩnh Long trong hệ thống WinMart/WinMart+ là 12.900 đồng/kg tại miền Nam và 19.900 đồng/kg ở miền Bắc. Tương tự với các siêu thị như GO!, Foodmap bắt tay với Lazada bán cam giá 10.000 đồng/kg…
Đặc biệt, một công ty bán lẻ là FPT Shop khá sáng tạo với chiến lược mua cam giải cứu, sau đó đem về tặng khách hàng tri ân. Theo chia sẻ từ Tập đoàn, ngày 14/12 cán bộ nhân viên FPT Shop đã đến tận nhà vườn ở các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long để mua cam, cùng bà con thu hoạch cam, phân loại và đóng thùng mang về. Công ty sau đó tặng các khách hàng tri ân mùa cuối năm và được nhiều khách hàng đón nhận.
Nhịp sống thị trường