Ban hành quy định quản lý tài sản ảo: Lập luận lạ?
Dù tiền ảo như bitcoin không được Ngân hàng Nhà nước công nhận nhưng Bộ Tư pháp vẫn ban hành quy định về quản lý tài sản ảo.
- 07-11-2016Dòng tiền thờ ơ với trái phiếu Chính phủ bảo lãnh kỳ hạn dài
- 27-10-2016Chính sách tiền lương, bảo hiểm, thương mại có hiệu lực từ tháng 11/2016
- 23-10-2016Tiền ảo - "đứa con" vô thừa nhận
Theo thông tin trên thesaigontimes, Bộ Tư pháp đã hoàn tất lộ trình ban đầu về việc lấy ý kiến để ban hành các quy định về quản lý tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử.
Theo đó việc Bộ Tư pháp ban hành các nghị định này nhằm cụ thể hóa các quy định về quản lý tài sản trong Bộ luật Dân sự 2015 trong các lĩnh vực nêu trên.
Dự kiến, dự thảo Nghị định về tiền ảo dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 12/2017, dự thảo Nghị định về tài sản ảo sẽ hoàn tất vào tháng 3/2018.
Dù tiền ảo như bitcoin không được Ngân hàng Nhà nước công nhận nhưng Chính phủ vẫn yêu cầu Bộ Tư pháp ban hành quy định về quản lý tài sản ảo.
Theo Bộ Tư pháp, dù bitcoin hay các loại tiền ảo khác không được Việt Nam và nhiều quốc gia công nhận nhưng giá trị vốn hóa thị trường toàn cầu của bitcoin là hơn 10 tỷ USD Mỹ, kéo theo đó là những tranh chấp dân sự, thương mại, tội phạm… nên không thể nằm ngoài vùng quản lý, giám sát.
Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), không được phát hành bởi chính phủ hay một tổ chức tài chính, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hàng.
Bitcoin bắt đầu được giao dịch trên sàn Mt.Gox vào tháng 6/2010, đến năm 2013, Bitcoin được sử dụng trên cả phương diện thanh toán, giao dịch hàng hóa và tài sản đầu tư.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sự xuất hiện của Bitcoin đã gây ra nhiều tác hại, rủi ro cho người sử dụng.
Thứ nhất, các giao dịch bằng Bitcoin có tính ẩn danh cao nên Bitcoin có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp.
Thứ hai, Bitcoin là tiền ảo được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số nên nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch là rất lớn.
Thứ ba, do giá trị đồng Bitcoin biến động mạnh và phức tạp trong thời gian ngắn nên hoạt động đầu tư vào Bitcoin ẩn chứa nhiều nguy cơ về bong bóng, tiềm ẩn gây thiệt hại cho người đầu tư.
Thứ tư, Bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi cơ quan quản lý nhà nước nào, do đó, người sở hữu Bitcoin sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi.
NHNN khẳng định, theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
“Việc sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng”, NHNN khuyến cáo.
Đất việt