MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Băn khoăn lương hưu, trợ cấp một lần

Nên giữ chân người lao động bằng sự ưu việt và lợi ích của BHXH, không phải bằng cách giữ lại 50% số tiền ít ỏi của họ.

Ngày 27-5, tiếp tục kỳ họp thứ 7, Quốc hội (QH) dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật BHXH sửa đổi.

Tránh gây xáo trộn xã hội

Một trong những nội dung quan trọng được nhiều đại biểu (ĐB) QH quan tâm là quy định về điều kiện hưởng BHXH một lần, theo điều 74 và điều 107 của dự thảo Luật BHXH sửa đổi.

Dự thảo luật này đưa ra 2 phương án về rút BHXH một lần: Phương án 1, người lao động (NLĐ) sau 12 tháng nghỉ việc, đóng BHXH chưa đủ 20 năm, có nhu cầu được rút BHXH một lần. Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Tham gia thảo luận nội dung này, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP HCM) cho rằng bà không chọn phương án 2 vì nên giữ chân NLĐ bằng sự ưu việt và lợi ích của BHXH, không phải bằng cách giữ lại 50% số tiền ít ỏi của họ. Bà Hồng Hạnh cũng băn khoăn với phương án 1, vì những người đóng BHXH sau ngày luật này có hiệu lực sẽ không còn được lựa chọn hưởng BHXH một lần. Theo ĐB Hồng Hạnh, nếu chưa có phương án tối ưu thì nên giữ nguyên như quy định hiện hành để tránh gây xáo trộn xã hội.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị cân nhắc tích hợp áp dụng 2 phương án đã trình. Đối với NLĐ có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì áp dụng phương án 1. Còn đối với người tham gia BHXH sau khi luật có hiệu lực thì áp dụng phương án 2. ĐB Việt Nga cũng đề nghị làm rõ 50% tổng thời gian đóng là giai đoạn nào.

ĐB Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh luật chỉ nên ban hành khi bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, quyền lợi của NLĐ trên cơ sở nguyên tắc đóng - hưởng. ĐB Khánh Thu kiến nghị QH xem xét thông qua dự án luật này tại kỳ họp sau (kỳ họp thứ 8) để có thêm thời gian đánh giá sự ổn định cũng như tác động thực tế của các chính sách cải cách tiền lương đối với chính sách BHXH cũng như các dự án luật liên quan.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Trần Thị Hoa Ry cũng đồng tình cho rằng một khi chưa có đánh giá đầy đủ tác động của việc thay đổi chính sách thì chưa nên thông qua luật này trong kỳ họp thứ 7. Theo ĐB Hoa Ry, chính sách BHXH là chính sách an sinh xã hội dựa trên nền tảng chính sách tiền lương, do đó khi cải cách tiền lương chưa triển khai thì chưa thể thông qua luật này. Nếu vội vàng thông qua, có thể luật mới ban hành đã phải sửa đổi ngay, ảnh hưởng hàng triệu lao động.

Khẳng định Luật BHXH là đạo luật có ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng triệu lao động, ĐB Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đề nghị cần lùi thời điểm xem xét, thông qua Luật BHXH sang kỳ họp thứ 8, nhằm đánh giá đầy đủ tác động chính sách tiền lương mới đối với các quy định luật BHXH và lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động là đông đảo NLĐ. "Chúng ta không thể quyết định chính sách liên quan đến quyền lợi của NLĐ dựa trên tiền của NLĐ và người sử dụng lao động đóng góp trực tiếp mà bản thân họ lại không được tham gia ý kiến" - bà Ma Thị Thúy nêu quan điểm.

Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho rằng luật chỉ nên ban hành khi bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, quyền lợi của người lao động trên cơ sở nguyên tắc đóng - hưởngẢnh: LÂM HIỂN

Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho rằng luật chỉ nên ban hành khi bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, quyền lợi của người lao động trên cơ sở nguyên tắc đóng - hưởngẢnh: LÂM HIỂN

Băn khoăn tính lương hưu

Nhiều ĐBQH cũng quan tâm đến việc điều chỉnh tiền lương đóng BHXH để tính lương hưu cũng như các chế độ BHXH khác khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

ĐB Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) cho biết do cách tính mức lương hưu hằng tháng dựa trên thời gian đóng góp vào mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH, nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm hiện nay xuống 15 năm quy định tại điều 68 của dự thảo luật sẽ khiến mức lương hưu thấp. Bên cạnh đó, dự thảo luật đã không còn quy định về mức lương hưu hằng tháng thấp nhất như quy định tại khoản 5 điều 56 của Luật BHXH hiện hành. Đây là điều mà nhiều NLĐ đang rất băn khoăn và lo ngại có thể dẫn đến xu hướng nghèo hóa của một bộ phận người dân trong tương lai.

Với phân tích trên, ĐB Vương Thị Hương đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ, hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp để các đối tượng này có thể bảo đảm cuộc sống.

Về quy định người dân được hưởng trợ cấp xã hội khi từ đủ 75 tuổi trở lên, không hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng (hiện nay là 80 tuổi), ĐB Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng quy định này cao so với độ tuổi trung bình của nước ta hiện nay. Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, độ tuổi trung bình của dân số Việt Nam là 73,7 tuổi, năm 2022 là 73,6 tuổi, ĐB Hữu Thông đề nghị hạ độ tuổi cho phù hợp với thực trạng độ tuổi trung bình của dân số Việt Nam hiện nay, để chính sách này thực sự mang lại ý nghĩa trong thực tiễn.

Trong khi đó, ĐB Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) đề xuất mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội cho các đối tượng đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đều được hưởng chính sách này, thay vì dành cho người sống tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Về mở rộng thêm một số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, trong đó có chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, ĐB Trần Kim Yến (đoàn TP HCM) nhấn mạnh đây là nhóm đối tượng có thể tự chủ về thu nhập thông qua hoạt động sản xuất - kinh doanh và chủ động trong việc tìm kiếm các giải pháp về tài chính để bảo đảm cho cuộc sống gia đình. Vì vậy, không nên chuyển nhóm đối tượng này sang BHXH bắt buộc mà vẫn giữ nhóm đối tượng này thuộc đối tượng BHXH tự nguyện.

ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cũng cho biết qua khảo sát phạm vi hẹp của cá nhân, có 70% người được hỏi trả lời là không muốn, không có nhu cầu tham gia BHXH bắt buộc, 30% trả lời là việc tham gia này không nên bắt buộc mà phải là tự nguyện. 

Dự kiến hôm nay (28-5), QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi), dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bảo vệ tối đa quyền lợi cho lao động nữ

Điều 53 dự thảo luật quy định trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa là 2 ngày/lần khám thai.

Phát biểu về nội dung này, ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho biết trên thực tế, lao động nữ mang thai được chỉ định khám thai định kỳ để bảo đảm sức khỏe trong suốt quá trình mang thai. Tùy theo sức khỏe của thai phụ, sự phát triển của thai nhi, bác sĩ chuyên khoa sẽ có chỉ định 30 ngày một lần hoặc ngắn hơn. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành và dự thảo luật, lao động nữ chỉ được nghỉ việc đi khám thai tối đa 5 lần. Để bảo đảm điều kiện chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ đang mang thai, ĐB Yến Nhi kiến nghị xem xét cho lao động nữ có thể lựa chọn nghỉ tối đa 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày; hoặc nghỉ 9-10 lần trong thai kỳ.

Đồng tình với quan điểm của ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi, ĐB Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, dẫn quy định Tổ chức Y tế thế giới cho biết một chu kỳ khám thai gồm 5 lần. Tuy nhiên, dự luật nên chia ra 2 trường hợp: thai bình thường và thai bệnh lý. Với thai bình thường, ông đề xuất số lần nghỉ là 5 nhưng có thể cho lao động nữ lựa chọn nghỉ liên tiếp hoặc cách ngày, do họ thường phải chờ kết quả xét nghiệm để khám tiếp. Với trường hợp bệnh lý, ông đề nghị dự luật cho phép bác sĩ quyết định để thai phụ được nghỉ bao nhiêu lần, ngày để phù hợp với tình trạng bệnh.

Về quy định lao động nam được nghỉ khi vợ sinh con, ĐB Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) đề nghị nghiên cứu tăng số ngày nghỉ lên tối thiểu là 10 ngày (thay vì tối đa 10 ngày như dự thảo) với trường hợp thông thường và số ngày nghỉ cao hơn đối với những trường hợp sinh đôi trở lên. Quy định như vậy nhằm tạo điều kiện cho người cha hỗ trợ người mẹ trong quá trình chăm sóc con nhỏ.


Theo Văn Duẩn - Huy Thanh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên