MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán lẻ hàng tiêu dùng: "Miếng bánh" ngon nhưng không dành cho tất cả

Thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo tăng trưởng trên 10%/năm trong các năm tới nhờ vào sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu, dân số trẻ và thay đổi trong hành vi tiêu dùng.

Doanh nghiệp nội thống trị phân khúc cửa hàng nhỏ

Trong ngành bán lẻ, các tập đoàn bán lẻ ngoại như AEON, Lotte, Central Group (BigC) và BJC (Metro) đang chiếm ưu thế trong phân khúc siêu thị và đại siêu thị.

Các nhà bán lẻ nội địa vẫn thống trị phân khúc cửa hàng vừa và nhỏ, vốn là phân khúc phổ biến hơn tại Việt Nam nhờ vào mật độ dân số cao và cơ sở hạ tầng giao thông chưa phát triển.

Tại phân khúc này, ngoài ngành hàng điện tử đã gần bão hòa, thị trường cho các mặt hàng khác vẫn phân mảnh và hầu như nằm trong tay kênh bán lẻ truyền thống.

Trong 11 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 4.482 tỷ đồng (195 tỷ USD), tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, doanh thu bán lẻ đạt 3.400 tỷ đồng (158 tỷ USD, tăng 12,7%) chủ yếu nhờ tăng trưởng tốt nhu cầu đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đã lấy lại đà tăng trưởng sau giai đoạn giảm tốc của năm 2018, dẫn dắt bởi sự gia tăng sản lượng tiêu dùng.

Trong đó, khu vực nông thôn tiếp tục đạt được mức tăng trưởng cao hơn so với khu vực thành thị. Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm 2019 khu vực nông thôn ghi nhận mức tăng trưởng 9,3% về giá trị, trong khi tại 4 thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ) tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), những yếu tố thuận lợi về nhân khẩu học và thu nhập tầng lớp trung lưu ngày càng tăng sẽ là bệ đỡ thúc đẩy thị trường FMCG duy trì đà tăng trưởng trong dài hạn.

Trong số các ngành hàng FMCG, ngành hàng chăm sóc cá nhân vươn lên dẫn đầu mức tăng trưởng tại 4 thành phố lớn trong năm 2019. Bên cạnh đó, ngành hàng sữa và các sản phẩm liên quan đã ghi nhận những chuyển biến tích cực hơn so với cùng kỳ.

Tại khu vực nông thôn, sữa và các sản phẩm từ sữa đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, theo sau là ngành hàng chăm sóc cá nhân.

Ngành hàng đồ uống ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số tại khu vực nông thôn nhưng chưa có dấu hiệu phục hồi tại 4 thành phố lớn.


Những biến chuyển từ ngành hàng FMCG là dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm hơn tới sức khỏe, sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các dòng sản phẩm chăm sóc bản thân và thức uống dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe.

Tại khu vực thành thị, thương mại điện tử đạt mức tăng trưởng 53% trong năm 2018, trong khi siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi đạt tốc độ tăng trưởng 22%,  là 2 kênh bán lẻ có tăng trưởng doanh thu cao nhất trong khi các cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống đang trong đà suy giảm.

Theo khảo sát của A.T Kearney năm 2017, tầng lớp trung lưu và giàu có đang phát triển nhanh cũng như cơ cấu dân số trẻ và tỷ lệ đô thị hóa ngày càng tăng khiến Việt Nam trở thành một trong những thị trường bán lẻ thu hút nhất trên thế giới, xếp thứ 6 trong bảng xếp hạng của A.T Kearney 2017.

Điều này mở ra cơ hội lớn cho các chuỗi bán lẻ hiện đại, vốn cung cấp các sản phẩm chất lượng cao với dịch vụ khách hàng tốt hơn các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ và chợ truyền thống.

Có thể nhận thấy sự chuyển dịch rõ rệt sang kênh bán lẻ hiện đại trong xu hướng mua sắm. Hơn nữa, sự thâm nhập của internet tốc độ cao và điện thoại thông minh trong giới trẻ cho phép nhà bán lẻ tiếp cận khách hàng qua nhiều kênh hơn, mở đường cho sự phát triển của bán hàng đa kênh trong tương lai – là mô hình có thể tận dụng mạng lưới cửa hàng vật lý rộng khắp.

Thị trường lớn và vẫn phân mảnh

Thị trường bán lẻ Việt Nam ước tính có trị giá 160 tỷ USD vào năm 2019 vẫn đang bị chi phối bởi kênh bán lẻ truyền thống. Từ đó, các doanh nghiệp bán lẻ lớn với năng lực quản lý chuỗi và khả năng tài chính vượt trội đang dần mở rộng sang các lĩnh vực mới để thiết lập sự thống trị của mình.

Đơn cử là CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) với thực phẩm và hàng tiêu dùng, CTCP Bán lẻ FPT (FRT) với dược phẩm và CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) với trang sức thời trang.

Không giống như mô hình siêu thị/đại siêu thị do các “ông lớn” nước ngoài (Central Group, Lotte, AEON) thâu tóm, mô hình cửa hàng riêng lẻ vẫn hạn chế các tập đoàn ngoại qua quy định “Kiểm tra nhu cầu kinh tế” (ENT).

Do đó, các nhà bán lẻ Việt Nam như Thế giới di động, PNJ, FPT Retail và Vinmart sẽ chưa vấp phải cạnh tranh đáng kể từ các tập đoàn bán lẻ ngoại cho đến năm 2024, khi ENT được dỡ bỏ (5 năm từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực).

Quy định “Kiểm tra nhu cầu kinh tế” (ENT) đã và đang hạn chế khả năng mở từ cửa hàng bán lẻ thứ hai trở đi của doanh nghiệp nước ngoài. ENT không áp dụng cho các cửa hàng bán lẻ dưới 500 m2, nằm trong các trung tâm thương mại và không được phân loại là minimart hoặc cửa hàng tiện lợi.

Tuy nhiên, VDSC cho rằng ngành bán lẻ vẫn có những rủi ro nhất định khi sức mua giảm do tăng trưởng tín dụng chậm lại hoặc suy thoái kinh tế. Gánh nặng lãi suất tăng làm tăng chi phí tài chính của các nhà bán lẻ, vốn phụ thuộc nhiều vào nợ ngắn hạn để tài trợ vốn lưu động.

Bên cạnh đó là áp lực cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu ngoại do những lo lắng về chất lượng sản phẩm trong nước cùng thói quen ưa thích sử dụng sản phẩm nhập khẩu và các nhãn hiệu tên tuổi nước ngoài của người tiêu dùng.

Theo Hiền Anh

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên