MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán lẻ trực tuyến vẫn “bất phân thắng bại”

Những tên tuổi rời bỏ cuộc chơi trên thị trường thương mại điện tử (TMĐT) như Adayroi, Lotte.vn… không thể hiện sức hút ở lĩnh vực này kém đi.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết giá trị thị trường TMĐT của Việt Nam hiện vào khoảng 8 tỉ USD, đứng thứ 3 Đông Nam Á, sau Indonesia với 100 tỉ USD và Thái Lan 43 tỉ USD. Đáng chú ý, mức tăng trưởng của thị trường TMĐT Việt Nam năm 2019 cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

Kẻ ở người đi

"TMĐT vẫn là một thị trường hết sức tiềm năng và có mức tăng trưởng tốt. Thị trường vẫn chưa định vị ai là người chiến thắng cuối cùng, vì thế cơ hội chia đều cho tất cả mọi người chơi". Đó là những nhận định hết sức lạc quan của Tổng Giám đốc Viettel Post Trần Trung Hưng khi trao đổi với chúng tôi vào thời điểm sàn TMĐT Vỏ Sò của đơn vị này trình làng.

Tuy vậy, thị trường những tháng cuối năm 2019 đã không còn nhắc tên "tân binh" Vỏ Sò như là một sàn TMĐT có thể cạnh tranh được với các nền tảng "lão làng" khác. Thậm chí, ngay khi Vỏ Sò vừa ra mắt với mục tiêu tận dụng tối đa lợi thế đi sau để "bứt phá nhanh nhất, ấn tượng nhất" - theo lời của Tổng Giám đốc Trần Trung Hưng, cũng đã có không ít ý kiến e ngại. Bởi, thực tế Vỏ Sò không những không "bứt phá" được mà còn ngày càng mờ nhạt.

Thị trường cuối năm 2019 còn chứng kiến những cuộc rút lui của những tên tuổi khá đình đám, như Adayroi hay Lotte.vn, từ đó gây ra những xáo trộn và hoài nghi không hề nhẹ. Trước đó, đầu năm 2019, Thế giới di động quyết định "khai tử" trang TMĐT Vuivui.com. Ít lâu sau, Central Group cũng tuyên bố tạm dừng hoạt động trang Robins.vn để điều chỉnh mô hình.

"Bộ tứ Shopee, Lazada, Tiki, Sendo tuy không chịu tác động lớn bởi việc một số sàn khác rời bỏ thị trường nhưng những cuộc chia tay cũng cho thấy mỗi sàn hoạt động tại Việt Nam cần nghiêm túc nhìn nhận lại thị trường, xu thế cũng như xác định mục tiêu phù hợp. Bởi lẽ, không có cuộc rút lui nào lại không có lý do và bài học" - một chuyên gia TMĐT đúc kết.

Giới chuyên gia còn dẫn kinh nghiệm từ thế giới cho thấy đặc điểm của TMĐT là sau một thời gian ban đầu phát triển sôi động với hàng loạt "tay chơi" đua nhau gia nhập thị trường, tất yếu sẽ đến giai đoạn thanh lọc khi đã định hình được người dùng. Theo đó, những cái tên trụ lại được sẽ là những cái tên mạnh nhất, có tiềm lực lớn nhất.

Bán lẻ trực tuyến vẫn “bất phân thắng bại” - Ảnh 1.

Thị trường bán lẻ trực tuyến năm 2019 chứng kiến sự rút lui của nhiều sàn thương mại điện tử lớn. Ảnh Hoàng Triều

Lỗ ngàn tỉ vẫn rót tiền ồ ạt

Cuộc đua "đốt tiền" vẫn chưa dừng lại, dù các chuyên gia cho rằng đó là cách làm không sáng tạo và không phải doanh nghiệp (DN) nào cũng làm được.

Khảo sát của Google và Temasek cho thấy tính từ năm 2015 đến nửa đầu năm 2019, các công ty internet ở Đông Nam Á đã huy động được 37 tỉ USD từ các nhà đầu tư mạo hiểm, cao hơn rất nhiều con số huy động được của năm 2018 là 14,1 tỉ USD. Riêng Lazada trong hơn 2 năm qua đã được Alibaba đổ vào khoảng 4 tỉ USD với tham vọng thống trị thị trường TMĐT Đông Nam Á. Đối thủ Shopee cũng không chịu kém cạnh khi nhận thêm 50 triệu USD từ công ty mẹ Sea (Singapore) hồi tháng 3-2018. Còn Sendo, sau khi huy động được 18 triệu USD từ nhiều công ty Nhật Bản ở thời điểm ra đời năm 2012, đến nay đã được bơm thêm 51 triệu USD từ SBI Holding và 7 nhà đầu tư khác.

Được đầu tư lớn nhưng hiệu quả của các nền tảng TMĐT luôn là một dấu hỏi. Chưa chính thức công bố công khai nhưng nhiều thông tin cho thấy tại Việt Nam, Tiki đang lỗ 1.200 tỉ đồng, Shopee ghi nhận lỗ lũy kế gần 2.700 tỉ đồng, Lazada lỗ lũy kế đến hơn 5.300 tỉ đồng trong 3 năm qua.

Về vị thế trên thị trường, ngôi vương vẫn được các ông lớn giành giật quyết liệt và chưa nền tảng nào tỏ ra thắng hoàn toàn. "Chúng tôi không tin rằng sẽ có người thắng, thua ở thị trường Đông Nam Á trong vòng 1-2 năm tới. Thay vào đó, câu hỏi đặt ra là DN nào có tư duy, chiến lược và mô hình kinh doanh phù hợp để nắm bắt tiềm năng to lớn của khu vực trong 10 năm tới hoặc lâu hơn" - một chuyên gia iPrice bình luận.

Trong khi đó, ông Yoshihiro Ishiwata, Phó Chủ tịch SBI Venture Capital, thì cho rằng khi người dùng đang ngày càng có mức độ gắn kết với mua sắm trực tuyến cao hơn, thị trường TMĐT Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn tập trung thị phần vào 4 DN mạnh nhất để chọn ra chỉ 2-3 cái tên còn lại.

Sáng tạo hay là chết?

Giữa "chảo lửa" của TMĐT khu vực cũng như trong nước, năm 2019 được coi là năm cạnh tranh gay gắt nhất của hai đối thủ "không đội trời chung" là Lazada và Shopee. Tình cờ, hai ngôi chợ điện tử này dường như đều tập trung toàn lực vào giải pháp nâng cao trải nghiệm mua sắm theo hướng vui vẻ, giải trí… cho khách hàng. Hàng loạt chiến dịch khuyến mãi khổng lồ kết hợp với live stream, sinh nhật, đại nhạc hội, lễ hội, trò chơi… được hai "ông lớn" tung ra tại hầu hết các thời điểm trong năm.

Các sàn cũng thừa nhận rằng khi TMĐT dần trở nên phổ biến hơn thì chỉ những sáng tạo tiên phong mới có thể giúp mỗi nền tảng TMĐT chinh phục được người mua hàng vốn cả thèm chóng chán và có ngày càng nhiều sự lựa chọn mới. Theo đó, việc "đốt" tiền để miễn phí gian hàng, miễn phí vận chuyển hay chạy đua giảm giá đã trở thành những cách làm cũ. Thay vào đó, việc nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua tăng cường năng lực kho vận, giao hàng và đánh mạnh vào trải nghiệm mua sắm vui vẻ, "vừa mua sắm vừa giải trí"… đã tỏ ra hiệu quả.

Nhưng, bài học sáng tạo không chỉ được đúc kết ở các sàn TMĐT đã hiện diện nhiều năm mà còn được rút ra từ thành công của một số sàn TMĐT nhỏ lẻ, mới ra đời và có hướng đi riêng. Năm 2019 còn ghi nhận sự ra mắt hoặc tiến bộ của một số sàn TMĐT "mini" với quy mô không lớn nhưng tham vọng đưa đến cho người mua sắm những sản phẩm chính hãng, được kiểm soát chất lượng ngặt nghèo.

Chẳng hạn, Leflair.vn với hình ảnh, giao diện mang phong cách tối giản nhưng hiện đại, bắt mắt đã khá nổi tiếng trong cộng đồng những tín đồ mua hàng online khi chọn kinh doanh hàng hiệu chính hãng cùng cam kết chất lượng 100%. Hay như, muaexpress.com mới hoạt động từ đầu năm 2018 đến nay và chỉ giới thiệu, bán hàng cho vỏn vẹn 7 thương hiệu thời trang, mỹ phẩm là Henry London, Julius, Phú An, Pixie, T-TRA, TheKat, Valence… nhưng đã có một lượng khách hàng ổn định nhờ thông tin sản phẩm chi tiết, rõ ràng.

Đánh giá về thị trường, ông Trần Hải Linh, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ, cho rằng khi đã tồn tại một DN đủ lớn để cố định thị trường thì sẽ có hàng chục ngàn, trăm ngàn DN TMĐT khác theo hướng thị trường ngách. Đó là cơ hội rất tốt cho TMĐT Việt Nam ghi nhận được nhiều DN nội địa hoạt động có lãi hơn.

Bà Vũ Thị Nhật Linh, Giám đốc sàn giao dịch Tiki, cũng khẳng định đây là thời cơ chín muồi để start-up tham gia vào TMĐT, dù với mục đích đối đầu trực tiếp với các ông lớn hay là tham gia cung cấp dịch vụ cộng sinh cho hệ sinh thái TMĐT. "Đây là thời điểm tốt cho các tay chơi mới gia nhập thị trường, tham gia đào vàng để trở thành kỳ lân hoặc tham gia để bán cuốc xẻng cho các ông lớn trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này" - bà Linh nói.

Theo Phương Nhung

Người lao động

Trở lên trên