MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bạn mất 3 năm để học cách nói nhưng mất cả cuộc đời để học cách im lặng

04-08-2019 - 22:21 PM | Sống

Im lặng không đơn giản là không nói gì. Im lặng là một nghệ thuật mà bạn phải mất rất nhiều thời gian mới có thể thấu được. Ta học cách im lặng để lắng nghe - một yếu tố quan trọng trong cuộc sống.

“Khi bạn nói, bạn chỉ nói ra những gì bạn đã biết. Nhưng khi bạn nghe, bạn có thể học được nhiều điều” (Dalai Lama)

Những gì mình biết tất nhiên mình phải nói hết ra, đây cũng là thói quen tất yếu của mỗi chúng ta, là bản năng của con người. Nhưng việc nói chỉ xuất phát từ một phía của vấn đề, làm gì có ai tự tin khẳng định rằng tôi biết tất cả, thế nhưng vì hiếu thắng, chúng ta vẫn nói bất chấp, luôn cho rằng mình là người đúng nhất, đôi lúc còn cảm thấy khó chịu khi mình không nói ra được hết quan điểm của mình.

Khi chúng ta trưởng thành hơn là khi chúng ta trở nên trầm tư hơn, kiệm lời hơn, không phải vì bất mãn với cuộc đời hay gì mà vì chúng ta đủ sâu sắc để hiểu rằng đã đến lúc mình cần im lặng để lắng nghe. Đừng để đến khi đã có tuổi rồi mới nhận ra chân lý ấy, bạn hãy học cách lắng nghe từ ngay bây giờ. 

Im lặng không phải là không nói chuyện, thờ ơ với những lời người khác nói mà là cho người khác có cơ hội bày tỏ quan điểm của họ. Mỗi chúng ta đều có những thiếu sót nhất định trong tư duy, giao tiếp với nhiều người cũng là cách tốt để ta trau dồi những kiến thức còn thiếu. Để có được hiệu quả tốt nhất, bạn cũng phải học cách giao tiếp đúng mực. Dù là im lặng quá hay nói quá nhiều cũng đều không tốt. 

Bạn mất 3 năm để học cách nói nhưng mất cả cuộc đời để học cách im lặng - Ảnh 1.

“Tôi thường hối tiếc vì những gì mình nói, chứ không bao giờ vì sự im lặng của mình”(Publilius Syrus)

Lời nói đã phát ra thì sẽ chẳng bao giờ lấy lại được. Nếu bạn cứ giữ thói quen nói ra tất cả không suy nghĩ gì, chỉ cần mình được nói ra quan điểm của mình và bất chấp đến cùng, sẽ có những lúc bạn nói ra những điều không phải thậm chí gây tổn thương đến người đối diện. Bạn cần học cách kiểm soát chính mình bởi đôi khi lời nói thực ra chẳng có ý gì nhưng nếu không nói thì vẫn tốt hơn, nếu không nói ra thì người khác sẽ không thể hiểu lầm ý của bạn từ đó sẽ không gây ra những mâu thuẫn không đáng có. 

Nếu như bạn chỉ nói mà không biết lắng nghe, người đối diện sẽ không muốn nói chuyện với bạn lần tiếp theo. Chẳng ai muốn điều đó xảy ra và để như vậy bạn phải thay đổi. Cách nói chuyện cũng có thể ảnh hưởng đến việc bạn nói nhiều, có thể chỉ có một vấn đề nhưng bạn lại nói quá lan man dài dòng. Đôi lúc chính bạn cũng chẳng nhận ra điều đó đâu. Nhưng hơn hết, hãy học cách nói chuyện ngắn gọn lại, tập trung vào ý chính, đây cũng là một thói quen tốt hoàn toàn có lợi cho bạn. 

Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ rằng im lặng sẽ làm nhiều người cảm thấy ngột ngạt, ai trong chúng ta cũng từng cảm thấy khó xử khi chẳng có gì để nói, dẫn đến việc cố gắng nói ra những điều lan man thậm chí vô nghĩa. Tất cả còn tùy thuộc vào việc bạn đang ở trong hoàn cành nào. Nếu như người bạn của bạn đang gặp rắc rối và cần được chia sẻ, hãy để cho họ những khoảng lặng để họ trút ra những gì sâu thẳm trong lòng. Chẳng ai biết được liệu những gì bạn nói ra có giúp cho người bạn kia trở nên tốt hơn không. 

Đôi khi người ta tìm đến bạn không phải để nói chuyện với bạn, mà là họ cần được chia sẻ, được lắng nghe. Sự lắng nghe của bạn có thể có hiệu quả hơn là câu nói “Không sao đâu đừng buồn”. Bạn biết không, câu nói đó là câu nói vô nghĩa nhất trên đời nhưng nó vẫn luôn được lôi ra để an ủi ai đó, chi bằng cứ lắng nghe một cách chân thành, đặt mình vào câu chuyện của họ rồi đưa ra những lời khuyên để họ tham khảo. 

Lắng nghe giúp bạn học được nhiều điều nhưng không có nghĩa là bạn chỉ im lặng mà không nói gì, tất nhiên rồi. Chỉ là bạn nên chọn lọc, suy nghĩ kĩ trước khi nói và tiếp nhận những quan điểm người khác đưa ra. Bạn có thể học được nhiều bài học từ việc giao tiếp với bất kể ai, nó giúp vốn sống của bạn trở nên giàu có hơn mà đấy là tài sản đáng quý nhất của chúng ta.

“Tạo hóa cho chúng ta một cái lưỡi để nói nhưng lại cho ta đến hai cái tai để nghe” tức là ta cần phải nghe gấp hai lần nói. Hãy để lời nói của bạn trở nên giá trị hơn nhờ sự cân nhắc kĩ càng và tiếp thu những ý kiến của người khác.

Theo Phương Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên