MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán một mặt hàng cho Mỹ, Trung Quốc... Việt Nam thu về hơn 12 tỷ USD

Mặt hàng này của nước ta được nhiều thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU ưa chuộng.

Bán một mặt hàng cho Mỹ, Trung Quốc... Việt Nam thu về hơn 12 tỷ USD- Ảnh 1.

Đó là gỗ và sản phẩm gỗ. Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam thu về 7,8 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, xuất khẩu gỗ nguyên liệu đạt 3,5 tỷ USD và lâm sản ngoài gỗ đạt 777 triệu USD, lần lượt tăng 13% và 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của nước ta trong 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 12,15 tỷ USD, tăng tới 17,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 9 tháng qua, ngoại trừ thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản có dấu hiệu giảm nhẹ, những thị trường chính của gỗ và các sản phẩm gỗ của nước ta như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu vẫn duy trì đà tăng tốt.

Theo đó, xuất khẩu gỗ nội thất sang thị trường Mỹ đạt 5,9 tỷ USD, chiếm tới 54,4%, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tương tự, các thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc, châu Âu lần lượt đạt kim ngạch là 1,3 tỷ USD và 630 triệu USD, đều tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 3 tháng cuối năm, ngành gỗ Việt Nam sẽ ra sao?

Bán một mặt hàng cho Mỹ, Trung Quốc... Việt Nam thu về hơn 12 tỷ USD- Ảnh 2.

Mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam trong năm 2024 là đạt kim ngạch 15,2 tỷ USD. Ảnh minh họa

Nhận định về 3 tháng cuối năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng sẽ rất khó khăn. Bởi vì cơn bão số 3 vừa qua khiến 170.000 ha rừng trồng tại các tỉnh thành phía Bắc bị thiệt hại. Hơn nữa, nhiều cơ sở sản xuất chế biến và xuất khẩu gỗ, lâm sản cũng bị hư hỏng nặng, nên cần phải đầu tư sửa chữa, khôi phục.

Mặt khác, một số thị trường xuất khẩu chính đồ gỗ của Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn. Nguyên nhân là do chính sách bảo hộ sản phẩm hàng hoá, thực hiện chặt chẽ quy định về giải trình gỗ bất hợp pháp, quy định về không gây mất rừng và suy thoái rừng của EU (EUDR)...

Về giải pháp của ngành gỗ Việt Nam, trong thời gian tới, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các doanh nghiệp cần phải tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên 5 trụ cột chính, bao gồm: Kỹ thuật và công nghệ sản xuất; sản xuất giảm phát thải; quản trị (chuyển đổi số); xúc tiến thương mại và xây dựng tiêu chuẩn giám sát nội bộ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành gỗ cần chú trọng tăng cường năng lực phòng vệ thương mại, bởi vì tần suất xuất hiện các vụ khởi kiện và điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế có thể ngày càng nhiều hơn.

Mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam trong năm 2024 là 15,2 tỷ USD. Các chuyên gia cho rằng, để đạt được mục tiêu này, ngành gỗ của nước ta sẽ gặp không ít trở ngại và đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực vượt qua.

Trên thực tế, trong những năm qua, các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản của nước ta đã chủ động trong việc sản xuất cũng như tìm kiếm các thị trường xuất khẩu. Cụ thể, nhiều chuỗi hội chợ tìm kiếm thị trường được tổ chức tại các địa phương như TP HCM, Bình Định, Bình Dương đã thu hút đông đảo khách hàng quan tâm đến các sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Theo thông tin từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành gỗ của Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu đến 170 quốc gia trên thế giới, đồng thời thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, cũng như nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như Trung Đông, Ấn Độ... Do đó, ngành gỗ Việt Nam có vị thế thuận lợi để tận dụng nhu cầu mạnh mẽ từ cả thị trường trong nước và quốc tế.

Bài tham khảo nguồn: Mard, Customs, VIFORES

Theo Minh Hằng

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên