MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bận như CEO vẫn thi chạy Marathon 100km: Tại sao những gương mặt đình đám làng start-up lại mê các môn thể thao "hành xác"?

30-09-2016 - 10:54 AM | Doanh nghiệp

Thể thao mạo hiểm giúp lãnh đạo các công ty rèn luyện sức khỏe và tính kỷ luật, xây dựng quan hệ cá nhân (networking) và tăng cường khả năng lãnh đạo tổ chức của mình.

Giải chạy địa hình vượt núi Việt Nam (Vietnam Mountain Marathon – VMM) lần thứ 4 vừa diễn ra từ 23 – 25/9/2016 tại Sapa với các cự ly từ 10k đến 100km.

Trong số gần 2000 VĐV đăng ký tham dự có hàng loạt gương mặt đình đám của làng start-up Việt như Lê Hồng Minh & Nguyễn Hoành Tiến (CEO & VP Operations VNG), Đinh Anh Huân (CEO Seedcom), Dương Minh Việt (CEO HelloMam), Trần Hoàng Việt (Forbes 30 Under 30 & PTGĐ XLE Group), Phạm Thúc Trương Lương (PTGĐ Tinh Vân), Đỗ Trần Trung (CEO CellphoneS), v.v…

Vài năm trở lại đây, nhiều người (trong đó có cả nhân viên của họ) vẫn không thể hiểu tại sao các lãnh đạo lúc nào ngập trong công việc lại còn tự “hành xác” bằng cách tham dự những giải chạy tra tấn thể lực như vậy. Tất cả họ đều bỏ qua hạng “ruồi” 10km & 21 km để tập trung vào ba cự ly dài nhất 42km, 70km, và 100km của VMM. Trước đó, vài người trong số họ còn tham gia cả giải đấu triathlon (ba môn phối hợp) tại Ironman Vietnam (bơi 1.9km, đạp xe 90km, & chạy bộ 21km).

Thực ra, xu hướng tham gia thể thao mạo hiểm đã diễn ra từ lâu ở các công ty start-up/ công nghệ lớn.

Một bài viết mới đây của tạp chí Economist với tiêu đề “Sự báo thù của những tên mọt sách” đã đưa ra nhận xét rất thú vị về khuynh hướng thay đổi của start-up, trong đó có start-up công nghệ.

Đã qua rồi cái thời sếp lớn và kỹ sư của các công ty công nghệ tự hào với những chiếc áo thun nhăn nhúm theo kiểu bất cần đời.

Giờ đây, nhiều người trong số họ đã chuyển sang trang phục bó sát để khoe cơ bắp. Tim Cook (CEO Apple) bắt đầu tập chạy từ 5h sáng mỗi ngày. Jack Dorsey (Twitter) tập squats, chống đẩy, & đi bộ. Brian Chesky (đồng sáng lập Airbnb) đã từng có thời là vận động viên thể hình. Cả Jeff Bezos (CEO Amazon) và Elon Musk (CEO Tesla & SpaceX) được mô tả với một cơ thể “đáng ghen tỵ”.

Quái thủ hơn như Sergey Brin (đồng sáng lập Google) thì ngoài một loạt môn thể thao loại nặng còn có trò trồng cây chuối đi vòng quanh văn phòng & tham gia lớp học đu dây ở … rạp xiếc.

Với lợi thế về suy nghĩ theo kiểu “lật đổ” cố hữu của các start-up, có vẻ như những anh chàng (có thể là) mọt sách trước đây rất nhanh chóng nhận ra “luật chơi” của các môn thể thao mạo hiểm này & làm cách nào để chiến thắng.

Một số đam mê đến mức bỏ cả việc kinh doanh chính trước đây để nhảy vào làm sản phẩm hoặc kinh doanh trong lĩnh vực thể thao mạo hiểm luôn. Một trong các sếp cũ của Twitter, Dick Costolo đang xây dựng một nền tảng để mọi người có thể tập luyện cùng với bạn bè của mình & động viên lẫn nhau.

Ở Việt Nam cũng có một số trường hợp tương tự là anh Trịnh Bằng - quản lý cấp cao của một ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam. Sau một thời gian tập triathlon (3 môn phối hợp) đã trở thành một trong số ít VĐV Việt Nam có thành tích xuất sắc ở bộ môn này, Bằng quyết định lập ra Sunrise Event để cùng với VNG mang Ironman về Việt Nam.

Còn về phía VNG, khi bị chất vấn về hiệu quả truyền thông & thương hiệu của việc tiếp tục tài trợ cho Ironman Vietnam 2016, anh CEO Lê Hồng Minh đã trả lời một cách rất “hồn nhiên” theo kiểu: “Mình thấy đây là việc tốt thì làm thôi”. Trong 2 mùa giải 2015 & 2016, nhiều người trong giới triathlon còn đùa nhau: “Sở dĩ VNG tham gia tài trợ là để anh Minh có chỗ chơi mà thôi” nhưng sau đó họ đã rất ngạc nhiên khi thấy doanh nghiệp này lại tiếp tục là nhà tài trợ chính cho Ironman Việt Nam 2017.

Hãy cùng phỏng vấn CEO & lãnh đạo một số start-up xem tại sao họ lại đam mê cuộc chơi này đến vậy.

Lê Hồng Minh

CEO VNG, Ironman Vietnam 2015, 2016, World Champion Ironman 2016, Sapa Mountain Marathon 2014, 2015, 2016

Chạy bộ, tham gia vào VMM là một trong số ít điều mà thực sự thay đổi hoàn toàn của sống của Minh. Minh nghĩ, VMM và các môn thể thao mạo hiểm cũng giống như kinh doanh: chúng ta đều phải làm tốt, nhanh, và bền bỉ dưới áp lực và thách thức. Càng tập luyện và thi đấu nhiều, chúng ta càng gắn bó với mục tiêu mình theo đuổi và đạt được nhiều lợi ích.

Đinh Anh Huân

CEO Seedcom, Sapa Mountain Marathon 2015 & 2016

Với cá nhân Huân, tham gia VMM là một cơ hội để rèn luyện ý chí và tính kỉ luật trong thể thao. Điều này không chỉ mang đến cho Huân một cơ thể khỏe mạnh mà còn giúp Huân vượt qua được chính bản thân mình.

Dương Minh Việt

CEO HelloMam, Ironman Vietnam 2015, 2016, Sapa Mountain Marathon 2015 & 2016

Thể thao trước tiên là một phong cách sống lành mạnh. Tôi tin rằng những người sống lành mạnh sẽ kinh doanh và điều hành doanh nghiệp một cách lành mạnh. Tôi tâm đắc một câu châm ngôn về thể thao là “It’s not a race, it’s a state of mind” (đó không phải một cuộc đua, đó là trận chiến của tâm trí). Giống hệt như kinh doanh, thể thao mạo hiểm không chỉ là thách thức giới hạn thể chất mà cả năng lực tinh thần và trí óc của bạn nữa.

Trần Hoàng Việt

Forbes 30 Under 30 & PTGĐ XLE Group, Great Hakka Marathon 2015, Sapa Mountain Marathon 2015 & 2016

Trước đây, Việt chỉ tham gia các môn thể thao đồng đội và đối kháng nhưng đi chạy đã giúp thay đổi cách nhìn về cuộc sống rất nhiều. Chạy giống như một dạng thiền động, giúp cơ thể và trí óc sảng khoái và tư duy tốt hơn. Bạn cũng rèn luyện được sự bền bỉ, ý chí và là cách tốt nhất để đi du lịch khám phá.

Phạm Thúc Trương Lương

PTGĐ Tinh Vân Sapa Mountain Marathon 2013, 2014, 2015 & 2016

Chạy 100km ở VMM và vận hành một start-up giống nhau ở chỗ bạn đều tin mình làm được dù không rõ sẽ làm thế nào. Trong cả hai trường hợp, bạn đều xuất phát, cố gắng trên từng đoạn của hành trình, quyết không bỏ cuộc và luôn giữ niềm tin rằng mọi chuyện bằng cách nào đó sẽ sắp vào đúng chỗ của nó và bạn sẽ tới đích. Khác ở chỗ chạy 100k có một cái đích thực sự, còn lãnh đạo một doanh nghiệp sẽ có nhiều cái đích tương ứng với từng giai đoạn.

Đỗ Trần Trung

CEO CellphoneS, Ironman Vietnam 2016, Sapa Mountain Marathon 2016

Đối với tôi, những môn thể thao đòi hỏi sức bền như chạy bộ luôn đem lại các giá trị trải nghiệm mới và có ích cho công việc. Tôi quan niệm, giới hạn chính là suy nghĩ của bản thân và không có gì là không thể làm được. Chỉ cần có mục tiêu và một sự chuẩn bị kĩ lưỡng thì mọi khó khăn cũng chỉ là thử thách.

Theo Bùi Linh

Trí thức trẻ/CafeBiz

Trở lên trên