MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán rẻ không ai mua, thị trường thép cuối năm ảm đạm

19-11-2022 - 11:02 AM | Thị trường

Bán rẻ không ai mua, thị trường thép cuối năm ảm đạm

Thời điểm này giá thép đang giảm thấp nhưng thực thế tình hình tiêu thụ lại sụt giảm khiến hoạt động kinh doanh mặt hàng thép nói chung, thép xây dựng nói riêng ở Hà Nội có phần ảm đạm.

Ngành thép đang chứng kiến sự khó khăn do sụt giảm mạnh từ phía nhu cầu, khiến tiêu thụ của các DN chậm, lượng tồn kho tăng. Cùng với đó, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, cộng thêm biến động tăng lãi suất vốn vay và chênh lệch tỷ giá. Tuy vậy, các DN thép đang kỳ vọng vào “trợ lực” từ việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công dịp cuối năm nay.

Giá giảm liên tục vẫn không kích được cầu

Thường vào dịp cuối năm sẽ là thời điểm sôi động của thị trường thép , khi nhu cầu xây dựng tăng cao sẽ khiến sản lượng tiêu thụ thép tăng theo, giá bán có nhiều thay đổi. Nhưng năm nay lại khác, thời điểm này giá thép đang giảm thấp nhưng thực thế tình hình tiêu thụ lại sụt giảm khiến hoạt động kinh doanh mặt hàng thép nói chung, thép xây dựng nói riêng có phần ảm đạm.

Tại nhiều tuyến phố chuyên kinh doanh mặt hàng thép xây dựng tại Hà Nội như Đội Cấn, La Thành, Dịch Vọng… những ngày này không khí mua bán mặt hàng thép xây dựng, thép công trình hầu như thưa vắng. Nhiều chủ cửa hàng, đại lý thép cho biết, sức mua giảm mạnh từ 30% - 50% so với cùng kỳ những năm trước mặc dù giá thép thời điểm này so với đầu năm đã giảm rất mạnh.

Bán rẻ không ai mua, thị trường thép cuối năm ảm đạm - Ảnh 1.

Nhu cầu tiêu thụ thép giảm dịp cuối năm.

Anh Hoàng Văn Tùng, chủ đại lý thép trên phố La Thành cho biết, năm nay nhu cầu mua thép xây dựng giảm mạnh, mấy tháng nay chưa nhận được hợp đồng mới và lớn nào. Đơn hàng mua thép rất nhỏ lẻ chủ yếu để phục vụ cho nhu cẩu sửa chữa, gia cố nhà ở dân sinh nên việc kinh doanh khá khó khăn.

“Bất động sản đang chững lại nên các dự án lớn khó triển khai làm cho nhu cầu thép cũng giảm xuống. Giá thép đã được điều chỉnh giảm nhiều lần nhưng chủ yếu do nhu cầu thấp nên hàng bán chậm, phải chờ qua năm sau hi vọng tình hình sẽ thay đổi”, anh Tùng cho biết.

Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính riêng từ tháng 5 - 8/2022, giá thép đã trải qua 15 lần điều chỉnh, giảm từ mức gần 20 triệu đồng/tấn xuống còn hơn 14 triệu đồng/tấn. Giá bán giảm mạnh nhưng tiêu thụ lại không khả quan khiến cho nhiều DN gặp khó.

Đơn cử như Tập đoàn Hòa Phát, lợi nhuận sau thuế của DN này trong quý III/2022 vừa qua đã âm 1.786 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp doanh thu của DN giảm, với 12% so với cùng kỳ năm ngoái và gần 8% so với quý trước đó. Tương tự, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen xếp sau với mức lỗ khoảng 887 tỷ đồng vào quý III vừa qua.

Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho hay, trong tháng 10/2022, tiêu thụ thép các loại đạt gần 2 triệu tấn, giảm 7,19 % so với tháng trước và giảm 9,9% so với cùng kỳ. Nhu cầu yếu khiến cho nhiều DN thép báo lỗ nặng trong quý III/2022 vừa qua, với các khoản nợ lớn đè nặng lên hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Chưa có tín hiệu sáng

Nhận xét về thị trường thép hiện nay, ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia trong ngành thép cho rằng, khó khăn hiện tại xuất phát từ việc tổng cầu về vật liệu thép trong xây dựng suy yếu, trong khi giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, như giá than luyện tăng 100 - 200 USD/tấn; tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh. Những yếu tố này diễn ra đồng loạt khiến cho DN khó lòng ứng phó, liên tục gặp thua lỗ.

Bên cạnh đó, những yếu tố khác như cuộc xung đột Nga - Ukraine, chính sách thực hiện Zero Covid-19 của Trung Quốc khiến nhu cầu thép tại thị trường này giảm. Trong khi đây là một trong những thị trường xuất khẩu chính của nhiều DN; lạm phát toàn cầu cũng đang ảnh hưởng đến ngành thép và xây dựng trong nước.

Theo đại diện Tập đoàn Hoà Phát, than và quặng là 2 nguyên liệu quan trọng nhất để sản xuất thép bằng công nghệ lò cao. Trong khi giá quặng sắt đã giảm từ cuối năm 2021 và duy trì ở mức dễ chịu nhưng giá than đã trải qua nhiều biến động mạnh trong 9 tháng năm 2022 là nguyên nhân chính khiến cho giá vốn hàng bán của Hòa Phát trong quý này tăng mạnh 6.290 tỷ đồng, tương đương 23% so với quý III/2021.

Bán rẻ không ai mua, thị trường thép cuối năm ảm đạm - Ảnh 2.

Lượng hàng tồn kho tại các cửa hàng thép vẫn ở mức cao

Cùng với đó, lạm phát và suy thoái kinh tế làm yếu đi cầu thép thế giới. Cầu và giá thép nội địa cũng không nằm ngoài ảnh hưởng này. Thị trường bất động sản trong nước trầm lắng do tín dụng của ngành này bị siết chặt cũng góp phần khiến tiêu thụ thép Việt Nam giảm mạnh.

“Giá thép giảm nên dù sản lượng tiêu thụ của Hòa Phát có tăng cũng chưa bù đắp kịp mức ảnh hưởng theo chiều ngược lại của giá bán, dẫn đến doanh thu giảm. Bên cạnh áp lực về chi phí nguyên vật liệu, giá vốn hàng bán của Hòa Phát đồng thời phải chịu thêm gánh nặng từ khoản dự phòng hàng tồn kho, góp phần làm mỏng thêm lợi nhuận quý III/2022”, đại diện tập đoàn này cho biết.

Với những diễn biến trong nhiều tháng qua, nhiều chuyên gia đánh giá, đây là giai đoạn khó khăn với các DN ngành thép, khi giá nguyên vật liệu tăng cao, nhưng giá bán trong nước lại liên tục giảm và giá thế giới cũng giảm mạnh.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

Trở lên trên