Bẩn thì rẻ, sạch phải đắt: Cơn bí bức của điện
Nhiệt điện than là lựa chọn bắt buộc của Việt Nam trong 20 năm tới, nhưng rủi ro ô nhiễm môi trường là không nhỏ. Trong khi đó, nguồn điện sạch không thể đủ đáp ứng nhu cầu và chi phí sẽ đắt đỏ, lên tới hàng tỷ USD. Bài toán nguồn điện cho tương lai đang trở nên bí bức.
- 10-04-2017Báo động phát triển nóng nhiệt điện than: Tưởng rẻ hóa đắt
- 09-04-2017Đến năm 2020, nhiệt điện than chiếm khoảng 50% tổng sản lượng điện
- 24-03-2017Nở rộ xin đầu tư dự án nhiệt điện than tỷ “đô”
Điện sạch: Tất yếu nhưng đắt
Phát triển điện sạch là xu thế bắt buộc cho Việt Nam, đã được quy định rõ trong quy hoạch năng lượng quốc gia.
Theo Tổng cục Năng lượng, khi dừng phát triển điện hạt nhân thì trước mắt, nguồn điện than và điện khí sẽ được dùng để thay thế trong Quy hoạch điện 7. Tuy nhiên, tương lai từ năm 2030 trở đi, các nguồn điện than sẽ cần phải dần dần được thay thế bằng nguồn điện sạch - từ năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời, sinh khối,... Đây là một bài toán vô cùng khó khăn.
Công bố tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam mới đây, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết, chênh lệch giữa chi phí mua điện hiện nay so với giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo là khá lớn.
Mức chênh lệch khi thay thế nguồn điện truyền thống bằng nguồn điện từ năng lượng tái tạo
Cụ thể, giá điện gió là 7,8 cent/kWh, điện mặt trời là 9,35 cent/kWh, điện sinh khối 5,8 cent/kWh trong khi giá mua điện trung bình từ các nhà máy nhiệt điện chạy nhập khẩu chỉ là 6,8 cent/kWh.
Hiện nay, chi phí trung bình ở khâu phát điện mà EVN cập nhật năm 2016 là 1.180 đồng/kWh.
Ông Nguyễn Tài Anh cho biết, giả sử nếu mua điện từ nguồn năng lượng tái tạo, thay vì mua điện từ các nhà máy điện truyền thống, thì EVN sẽ phải bỏ thêm khoản chi phí rất lớn: năm 2015 là 188 tỷ đồng, năm 2020 là 3.706 tỷ đồng.
Tới năm 2030, khoản tiền phải bỏ thêm lên tới 46.526 tỷ đồng, tức khoảng 2,3 tỷ USD. Năm 2050, con số này sẽ lên tới 235.088 tỷ đồng, tương đương hơn 20 tỷ USD.
So với riêng chi phí mua điện từ nguồn điện than nhập khẩu thì 3-5 năm đầu, giá điện từ các nguồn năng lượng tái tạo do được hỗ trợ, sẽ rẻ hơn, nhưng kể từ năm 2030 trở đi, chi phí mua điện sạch đắt hơn nhiều.
Chẳng hạn, vì sản lượng tăng, giá tăng nên mua điện sạch đắt hơn điện than tới 15.586 tỷ đồng (năm 2030) và 113.288 tỷ đồng (năm 2050). Các con số này đều được tính toán dựa trên trên Quyết định 2068 của Thủ tướng về chiến lược phát triển năng lượng tái tạo ban hành năm 2015.
Một số liệu khác từ Tổng cục Năng lượng do ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - kế hoạch, cho biết, để đáp ứng mục tiêu phải giảm 8% phát thải khí CO2 từ năm 2030 mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế, chi phí hệ thống năng lượng quốc gia sẽ tăng lên khoảng 3 tỷ USD. Với mức cắt giảm 25% phát thải khí CO2 vào năm 2050 thì chi phí tăng lên cho hệ thống là tới 8 tỷ USD.
Điện than: Lựa chọn bắt buộc trong 20 năm tới
"Vấn đề quan trọng nhất là phát triển năng lượng với giá nào mà xã hội và nền kinh tế chấp nhận được", ông Nguyễn Tài Anh nói.
Đây cũng điều băn khoăn nhất, được ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhắc tới. "Khó khăn lớn nhất của nguồn năng lượng tái tạo là không ổn định và giá thành cao. Lúc không có mặt trời, không có gió thì phải có nguồn khác dự phòng... nên chi phí bị đẩy lên cao. Ta phải bù cho chi phí phát triển năng lượng tái tạo một lượng tiền rất lớn và không phải nền kinh tế nào cũng đáp ứng được", ông Vượng nói.
Trên thực tế, với tiềm năng về gió, mặt trời, sinh khối thì tới năm 2030, theo đúng chiến lược, năng lượng tái tạo ở Việt Nam cũng chỉ có 90 tỷ kWh, chiếm 10% và tới năm 2050, chiếm 20% sản lượng điện sản xuất.
Ông Vượng cho biết, nhu cầu năng lượng của Việt Nam từ nay tới năm 2035 vẫn tăng trưởng rất cao. Riêng ngành điện, nhu cầu sử dụng điện vẫn tiếp tục tăng từ 8-10% trong vòng 20 năm tới. Đây là thách thức rất lớn và để đáp ứng nhu cầu này, chúng ta vẫn phải tiếp tục đầu tư các nguồn năng lượng truyền thống".
Nhưng theo ông, hiện nay, thuỷ điện đã khai thác hết với tổng công suất 19.000 MW.
"Theo quy hoạch, tối đa chúng ta sẽ phát triển tối đa 28.000 MW thuỷ điện, vậy giờ, còn 7.000-8.000 MW thuỷ điện nữa ở đâu ra? Các dự án thuỷ điện nhỏ và vừa cũng không thân thiện với môi trường và thực chất đã tới giới hạn, không thể thêm được nữa", ông Vượng giãi bày.
Trong khi đó, nhiệt điện chạy khí từ khí giá rẻ như khí Nam Côn Sơn đã hết, sắp tới đưa vào khai thác nguồn mỏ mới thì sơ bộ đàm phán, giá khí năm 2020 bán cho điện sẽ lên tới 9-10cent/kWh. Từ 2021, Việt Nam cũng phải nhập khẩu khí nên giá cũng sẽ rất cao so, không thể đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng.
Ông Vượng nhấn mạnh: "Rõ ràng, đến năm 2050, bức tranh năng lượng có thể sẽ khác nhưng trong vòng 20 năm tới, dù có quan ngại môi trường, nhiệt điện than vẫn là nguồn cung cấp quan trọng".
Việc phát triển nhiệt điện than vì thế sẽ phải đặt trong điều kiện quản lý nghiêm ngặt, áp dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo đúng chỉ đạo của Thủ tướng "không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế".
Ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết đã rà soát toàn bộ các nhà máy nhiệt điện than xây dựng từ những năm 80, trong đó, Bộ đã cho dừng 2 tổ máy của nhiệt điện Uông Bí do quá lạc hậu. Nhiều nhà máy đang được cải tạo lại như nhiệt điện Hải Phòng, Phả Lại, Quảng Ninh... Đồng thời, cơ quan này cũng yêu cầu các chủ đầu tư áp dụng các giải pháp kỹ thuật để hạn chế phát tán tro xỉ, khói bụi,... gây ô nhiễm môi trường.
Vietnamnet