Bancassurance: “Mỏ vàng” mới của các ngân hàng
Ngày càng có nhiều cái bắt tay giữa ngân hàng và các Cty bảo hiểm trong bối cảnh các ngân hàng muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn thu từ lãi thuần và tăng nguồn thu từ phí dịch vụ.
Bancassurance là sự kết hợp giữa ngân hàng và Cty bảo hiểm. Nói cách khác, ngân hàng sẽ trở thành đại lý phân phối các sản phẩm của một Cty đối tác bảo hiểm cho chính khách hàng của ngân hàng. Các Cty bảo hiểm sẽ bán được sản phẩm bảo hiểm, còn ngân hàng thu được phí và hoa hồng từ các hợp đồng bảo hiểm đó.
Thương vụ tỷ USD
Theo thông tin mới được hãng tin Bloomberg của Mỹ tiết lộ, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank) đã chỉ định Credit Suisse, một trong những ngân hàng lớn trên thế giới, làm đơn vị tư vấn tìm kiếm đối tác phân phối bảo hiểm mới. Thỏa thuận cho hoạt động phân phối bảo hiểm của ngân hàng, hay còn gọi là bancassurance, lần này của Vietcombank có thời hạn ít nhất 10 năm và có thể có giá trị lên tới 1 tỷ USD. Nếu được thực hiện, đây sẽ là một trong những thỏa thuận bancassurance lớn nhất được thực hiện tại thị trường Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy tìm kiếm đối tác bảo hiểm để phân phối độc quyền là một phần trong chiến lược đa dạng hóa nguồn thu và giảm sự lệ thuộc vào nguồn thu từ lãi thuần của Vietcombank trong những năm tới. CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo rằng nguồn thu từ phí của Vietcombank trong thời gian tới sẽ tăng 32%, chiếm xấp xỉ 1/10 tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng. Trong đó, nguồn thu từ mảng bancassurance được kỳ vọng sẽ đóng vai trò lớn.
Hiện tại mới chỉ có 0,7% dân số Việt Nam sử dụng bảo hiểm nhân thọ. Trong khi đó, các hợp đồng bảo hiểm được khai thác qua bancassurance mới chỉ đạt 6% tổng doanh thu của ngành, còn trên thế giới tỷ lệ này lên tới 70%.
Theo VCSC, Vietcombank cũng đã thừa nhận đang khẩn trương hoàn thiện các bước cuối cùng để tìm ra một đơn vị tư vấn độc lập cho việc nghiên cứu chiến lược bancassurance, với mục đích triển khai hợp đồng bancassurance độc quyền. Nếu tìm được đối tác bảo hiểm để phân phối độc quyền, Vietcombank có thể nhận được một khoản "phí gia nhập" tổng cộng 11.400 tỷ đồng, trong đó 18% sẽ nhận được trong năm 2019. Ngoài khoản phí trên, ngân hàng sẽ có khoản thu nhập phí cạnh tranh từ dịch vụ bancassurance độc quyền.
Điều này đặc biệt có lợi cho Vietcombank, khi hiện tại mới chỉ có 0,7% dân số Việt Nam sử dụng bảo hiểm nhân thọ. Hơn thế nữa, các hợp đồng bảo hiểm được khai thác qua bancassurance chỉ mới đạt 6% tổng doanh thu của ngành trong khi trên thế giới tỷ lệ này là 70%.
Tiềm năng lớn
Với dư địa tăng trưởng thị trường lớn như vậy, bancassurance đang được nhiều ngân hàng hướng tới khai thác. Ngoài việc có ngay một khoản phí gia nhập không hề nhỏ mà Cty bảo hiểm trả cho thời gian đầu, ngân hàng cũng sẽ được hưởng phí và hoa hồng bảo hiểm trong những năm tiếp theo, trong khi không phải đầu tư nhiều về vốn hoặc quản trị rủi ro như những hoạt động kinh doanh khác. Chính điều đó đã biến bancassurance thành một mỏ vàng mới của các ngân hàng.
Tháng 10/2017, VPBank cũng đã ký kết hợp đồng hợp tác độc quyền 15 năm với AIA, qua đó ngân hàng này sẽ cung cấp độc quyền các sản phẩm của AIA qua hệ thống của mình tới năm 2032. Hợp đồng này đã ngay lập tức mang về cho VPBank 900 tỷ đồng khoản hỗ trợ ban đầu do AIA chi trả. VNDirect dự báo với việc phân phối độc quyền bảo hiểm AIA, VPBank sẽ thu được thêm gần 1.500 tỷ đồng trong giai đoạn 2018- 2020.
Ngoài ra, cuối năm ngoái, Sacombank và Dai-ichi Life đã ký thỏa thuận phân phối bảo hiểm độc quyền kéo dài 20 năm. Doanh thu phí bảo hiểm và hoa hồng sau cái bắt tay này dự kiến mang về 3.000 tỷ đồng cho Sacombank. Trong khi đó, Techcombank cũng không đứng ngoài cuộc chơi khi ký thỏa thuận phân phối độc quyền sản phẩm cho Manulife. Dự kiến, sự hợp tác này sẽ mang về 10.000 tỷ đồng doanh thu trong 5 năm tới cho Techcombank, gấp 20 lần mức của năm 2017.
Rõ ràng, các ngân hàng đang kỳ vọng rất nhiều vào bảo hiểm và coi đó là một kênh tạo doanh thu cho ngân hàng. Theo nhận định của các chuyên gia, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh ngân hàng năm 2017 mới chỉ khoảng 10%, nhưng các Cty bảo hiểm đang kỳ vọng tỷ lệ này sẽ tăng lên 40%-50% trong thời gian tới. Lúc đó, nguồn thu cho các ngân hàng từ hoạt động bancassurance chắc chắn sẽ không nhỏ.
Diễn đàn doanh nghiệp