Băng tan trên núi Na Uy để lộ một chiếc giày 1.500 năm tuổi, chứa đựng bí mật thời trang cổ đại
Dù chiếc giày không phải của Lọ lem, nó vẫn là khởi đầu cho một câu chuyện đáng kể lại.
- 29-04-2022Khách sạn cổ tích gần 150 tuổi vừa được Ngô Thanh Vân và chồng sắp cưới check-in: Nằm ở độ cao khoảng 2.000 m, đưa bạn ''xuyên không'' về thế kỉ trước
- 28-04-2022Bí quyết quản lý tài chính của tỷ phú để giàu lại càng giàu hơn: Đi đôi giày đến 10 năm, uống cà phê tự pha
- 26-04-2022Tư duy đầu tư khiến bạn nghèo kinh niên, kiểu đầu tư cuối cùng ít người coi trọng nhưng lại QUYẾT ĐỊNH TẤT CẢ
Nếu bạn đi leo núi vào năm 2022 và bị rớt mất một chiếc giày, sẽ chẳng ai quan tâm đến sự mất mát "to lớn" đó của bạn. Nhưng cũng là một người leo núi, và bị rớt mất một chiếc giày vào năm 200 Sau Công Nguyên, nó đột nhiên thu hút sự chú ý đặc biệt của các nhà khoa học sống ở thế kỷ 21.
Trong một nghiên cứu mới thuộc dự án Bí mật của băng (Secrets of the Ice), các nhà khảo cổ học Na Uy đã tìm thấy một chiếc giày có niên đại hơn 1.500 năm trên Horse Ice Patch, con đèo cao 2.000 m so với mực nước biển ở vùng núi phía tây nước này.
Chiếc giày từng được bảo quản nguyên vẹn trong băng, cho đến mùa hè ấm áp bất thường năm 2019, lớp băng tan chảy đã để lộ ra món cổ vật vượt thời gian. Phải mất 3 năm để các nhà khảo cổ phục chế được chiếc giày và khám phá ra những bí mật mà nó ẩn chứa.
Lars Holger Pilø, đồng giám đốc dự án Secrets of the Ice, cho biết những gì mà họ biết được từ chiếc giày này đã được công bố trong một tài liệu nội bộ, không xuất bản ra ngoài. "Hơn nữa, nó còn được viết bằng tiếng Na Uy", ông nhấn mạnh.
Nhưng trong một cuộc phỏng vấn với Arstechnica, Pilø đã hoàn toàn cởi mở chia sẻ những phát hiện đó với những người yêu khoa học đại chúng. Dù chiếc giày không phải của Lọ lem, nó vẫn là khởi đầu cho một câu chuyện đáng để kể lại.
Đó là một chiếc giày thời trang chính hiệu trong thời La Mã
Trên thực tế, chiếc giày này không phải là thứ bạn mong đợi sẽ tìm thấy trên một ngọn núi tuyết. Nó trông giống như một đôi sandal hơn là một đôi ủng đi bộ đường dài. Chiếc giày có những đường cắt trang trí và phần dây hở hang vừa đủ đến mắt cá chân. Xa về phía đông nam của Đế chế La Mã, nó sẽ là một chiếc giày thời trang chính hiệu.
Vegard Vike, một nhà bảo tồn làm việc tại Bảo tàng Văn hóa và Lịch sử Oslo, xác nhận đây là loại giày phổ biến ở các thành phố La Mã trong những năm 400 và 500 sau Công nguyên - khoảng thời gian này còn được gọi là Thời đại đồ sắt ở Châu Âu.
"Sự tương đồng của chiếc giày này với giày dép trong Đế chế La Mã là rất đáng chú ý", Pilø cho biết. "Nó cho chúng ta biết những người sống ở những vùng núi xa xôi về mặt địa lý này vẫn có mối liên hệ với lục địa. Hàng nhập khẩu của người La Mã trước đây đã được tìm thấy ở Nam Na Uy (đặc biệt là vũ khí), nhưng chiếc giày cho chúng tôi biết cả văn hoá thời trang cũng được lưu hành đến đây".
Đèo Horse Ice Patch thực sự là một địa điểm hẻo lánh vượt xa ranh giới của La Mã ngay cả khi đế chế này mở rộng trong thời kỳ đỉnh cao. Nhưng Pilø và các đồng nghiệp của ông vẫn tìm thấy sự ảnh hưởng của La Mã ở đó.
Ngoài chiếc giày, họ đã tìm thấy nhiều món đồ khác bị mất hoặc bị bỏ rơi tiết lộ một trong những con đường mòn mà các thương nhân và nông dân đã dùng để vượt qua ngọn đèo tuyết khắc nghiệt. Họ đã dùng nó để đi đến chợ hoặc lùa gia súc lên những đồng cỏ chăn thả theo mùa.
Ngày nay, nếu chỉ nhìn quanh Horse Ice Patch, bạn gần như không thể phát hiện ra những con đường mòn trung cổ đã từng hội tụ ở đó. Chỉ có các cổ vật mới tiết lộ cho các nhà khảo cổ thấy những lối mòn mà mọi người trong quá khứ đã đi qua.
Gần vị trí chiếc giày thời kỳ đồ sắt được tìm thấy, dọc theo những con đường mòn trong và ngoài đèo Horse Ice Patch, Pilø và các đồng nghiệp của ông đã tìm thấy một đầu mũi tên 2.000 năm tuổi làm từ nhung tuần lộc.
Họ cũng đã tìm thấy những bãi phân ngựa có niên đại từ thời Viking (khoảng 800 đến 1100 SCN). Ngoài ra, móng ngựa và xương chân ngựa cũng được tìm thấy từ cuối thời Trung cổ. Rõ ràng, đèo Horse Ice Patch từng có một lối mòn từng được sử dụng trong nhiều thế kỷ.
Mũi tên, móng ngựa và một ván trượt tuyết cổ lộ ra từ lớp băng tan.
Pilø nói với Ars: "Những con đèo cao đã không còn được sử dụng từ giữa thế kỷ 19, chủ yếu vì phía dưới chúng người ta đã mở được những con đường tốt hơn".
Trước đó, những con đường mòn vượt đèo Horse Ice Patch là cách duy nhất mà một nông dân ở thung lũng Skjåk có thể đi đến thị trấn cảng ở Sognefjord, một vịnh hẹp dài nhất và sâu nhất của Na Uy.
Những con đường mòn nhỏ hẹp bắt buộc người đi qua nó phải đi bộ, nếu họ có ngựa thồ thì cũng phải dắt bộ; địa hình này quá gồ ghề và dốc để xe có thể đi, chưa kể xe trượt tuyết hoặc xe đẩy không thể sử dụng được.
Bí mật của băng
Pilø và các đồng nghiệp của ông tại dự án Secrets of the Ice đã dành 15 năm qua để lập bản đồ mạng lưới các tuyến đường cổ xuyên núi ở Na Uy. Họ đã phát hiện hàng trăm cột đá mà người dân địa phương trong quá khứ đã xây dựng để làm điểm đánh dấu và nghỉ chân trên đường mòn.
Nhưng theo thời gian, nhiều trong số những ngôi nhà cổ và trung cổ đó giờ đã biến mất. Hoặc bản thân những con đường mòn đã bị bỏ quên từ lâu và bắt đầu được thiên nhiên bồi đắp nên đã quá gồ ghề trở lại. Rất khó có thể nhìn thấy những con đường mòn này đi đến đâu.
Phần lớn thời gian, Pilø và các đồng nghiệp của ông phải lần theo dấu vết những con đường mòn bằng cách truy tìm những đồ vật mà du khách cổ đại đã đánh rơi hoặc vứt bỏ trên đó. Những đồ vật khá đa dạng, bao gồm một số lượng đáng kinh ngạc những đôi giày, một số trong đó còn có niên đại 3.000 năm vào thời kỳ đồ đồng.
Những cột đá đánh dấu con đường mòn thời trung cổ.
Theo Pilø, hầu hết các đôi giày bao gồm cả chiếc giày mới được tìm thấy ở đèo Horse Ice Patch từ thời La Mã, đã bị mòn trong chuyến đi nên người ta đã vứt bỏ chúng. Rõ ràng, trong một chuyến vượt đèo thời trung cổ, người ta đã phải chuẩn bị cho mình rất nhiều giày.
Khi một đôi bị hỏng, ngay lập tức nó bị vứt bỏ lại bên đường. Nói cách khác, ngay cả ở một con đèo có vẻ hẻo lánh nằm sát mép sông băng, con người đi qua đó vẫn xả rác trong nhiều thế kỷ.
Nhưng ít nhất ở đây, rác đã có ích, chúng trở thành một bằng chứng khảo cổ quan trọng sau hàng thế kỷ vẫn tồn tại.
"Nếu bạn có một vùng hoang dã rộng lớn không có dấu vết của con người, nhưng sau đó bạn nhận ra nó thực sự chứa đầy manh mối", Espen Finstad, một đồng giám đốc của dự án Secrets of the Ice cho biết. "Những thứ đó (rác) mang đến cho cảnh quan một câu chuyện hoàn toàn mới, là cả một bối cảnh chứ không chỉ là một vật phẩm bạn tìm thấy trong băng".
Từ những trang trại đến con vịnh hẹp
Từ các khu định cư nông nghiệp ở thung lũng nội địa Skjåk ở Na Uy, có một con đường mòn uốn lượn xuống phía nam rồi leo lên đến đèo Horse Ice Patch. Tại đây, những người đi theo con đường đó phải leo từ đáy thung lũng lên đến lưng chừng núi ở độ cao 2.000 m so với mực nước biển.
Con đèo lộng gió, lạnh giá và thường xuyên bị bao phủ bởi băng tuyết. Ở trên đó có một ngã ba đường mở ra. Một trong hai ngã rẽ dẫn về phía tây, qua những ngọn núi khác trước khi đi xuống vùng Sognefjord trên bờ biển.
Khu vực hạ trại của nhóm dựa án Secrets of the Ice.
Dọc theo tuyến đường phía tây này, Pilø và các đồng nghiệp của ông đã tìm thấy nền đá của một hầm trú ẩn mà người xưa từng dùng để tránh gió tuyết. Nó được lợp bằng những thanh xà gỗ chắc chắn để chống trọi được cả bão.
Pilø giải thích: "Tại vịnh hẹp, những du khách đến từ vùng Innlandet có thể mua muối, lúa mạch và cá khô để đổi lấy các sản phẩm ngoài đồng ruộng như nhung hươu tuần lộc và các sản phẩm nông nghiệp như bơ".
Trong khi đó, tuyến đường thứ hai ra khỏi Horse Ice Patch dẫn về phía đông đến địa điểm của một trang trại mùa hè có tên là Neto. Dọc theo con đường này, tất cả các hiện vật được tìm thấy cho đến nay đều có niên đại cuối thời Trung cổ hoặc đầu thời kỳ Phục hưng — không sớm hơn.
Điều đó nói với các nhà khảo cổ rằng, có lẽ mọi người đã không sử dụng tuyến đường phía đông trước khi Trang trại Mùa hè Neto được mở vào thế kỷ 16. Vào thời điểm đó, hầu hết nông dân chỉ xây một trang trại "chính" cố định ở một nơi như Skjåk.
Sự có mặt của hài cốt gia súc củng cố thêm cho giả thuyết.
Pilø nói với Ars: "Ý tưởng cơ bản là chuyển gia súc đến đồng cỏ trên núi vào mùa hè để cỏ trên đồng cỏ của trang trại chính có thể được thu hoạch và cất giữ làm thức ăn gia súc cho mùa đông. Tại các trang trại mùa hè chúng tôi đã tìm thấy loại thức ăn gia súc bằng lá như vậy tan ra khỏi băng cả ở Lendbreen Ice Patch và Horse Ice Patch".
Những chiếc giày độn
Trở lại với chiếc giày mới được tìm thấy, nó rõ ràng quá lạc loài ở trên một con đèo hiểm trở, cao 2.000 m so với mực nước biển và quanh năm lạnh giá.
Tuy nhiên, Pilø nói rằng chúng ta không đưa ra những phán xét quá vội vàng. Ông cho biết đôi giày được làm từ da bò, và trong quá khứ đó là loại da bò còn nguyên lông. Lông có thể giữ ấm và chống thấm cho người đi và da bò xử lý tố có thể làm tăng thêm lực bám trên băng tuyết.
Pilø và các đồng nghiệp của ông đã tìm thấy những đôi giày cổ hơn nhiều như đôi giày có niên đại 3.300 năm tại một địa điểm khác ở Na Uy. Đôi giày này cũng có lông ở bên ngoài. Chủ nhân cũ của nó còn nhét thêm cỏ khô vào trong đó để giữ ấm.
Các nhà khảo cổ cũng từng tìm thấy một xác ướp 5.300 năm tuổi trên dãy Alps ở Ý. Người này được xác nhận là một thợ săn được gọi là Ötzi và anh ta cũng đã đi một đôi giày nhét cỏ. Pilø và các đồng nghiệp của ông đã tìm thấy một số mảnh vải dệt thoi không xa chiếc giày bị bỏ đi vì vậy ông suy đoán có thể người đi nó đã độn vải vào trong lớp da bò cho ấm.
"Rõ ràng, những đôi giày kiểu này không thể sánh được với những đôi ủng đi bộ đường dài thời hiện đại, nhưng chúng vẫn được coi là có đủ chức năng và từng được sử dụng trong hàng nghìn năm", Pilø nói với Ars.
Và trong trường hợp bạn thắc mắc chủ nhân của nó là ai, thật đáng tiếc nó không thuộc về một nàng công chúa. Chiếc giày được tìm thấy có kích thước tương đương size 43 nam Châu Âu. Nó có lẽ thuộc về một người đàn ông khá lực lưỡng.
Tham khảo Arstechnica
Tổ Quốc