Báo Ba Lan: Tên lửa Việt Nam gây kinh ngạc trước cả trăm ngàn người, hé lộ năng lực "nhiều nước không có"
Thành tựu mới nhất của ngành công nghiệp quốc phòng trong nước đã đưa Việt Nam trở thành một số ít quốc gia trên thế giới sở hữu năng lực này.
- 04-01-2025Ba Lan bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch EU với trọng tâm là an ninh
- 02-01-2025Nga ngừng trung chuyển khí đốt qua Ukraine: Ba Lan và Slovakia phản ứng trái chiều
- 29-12-2024Báo Ba Lan: Việt Nam chính thức đạt cột mốc lịch sử, Nga mang tới Hà Nội thứ "vượt ngoài dự đoán"
Việt Nam bứt phá với tổ hợp tên lửa Trường Sơn
Trang tin công nghệ Chip (Ba Lan) đăng bài viết có tiêu đề: "Tầm bắn tới 80km và chỉ mất 10 phút để triển khai. Việt Nam ra mắt vũ khí mới".
Bài viết nhận định, Việt Nam đã có bước đột phá gây ngạc nhiên trong việc hiện đại hóa mạng lưới phòng thủ bờ biển, khi ra mắt tổ hợp tên lửa bờ Trường Sơn (VCS-01) tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024 tổ chức vào tháng 12 vừa qua – một sự kiện lớn thu hút tới hơn 260.000 lượt tham quan ở Hà Nội, trong đó ngay ngày mở cửa đầu tiên đã có tới 100.000 người đăng ký.
Hệ thống tên lửa Trường Sơn gồm hai thành phần chính là tên lửa chống hạm Sông Hồng (VSM-01A) và xe phóng VLV-01. Trong đó, tên lửa Sông Hồng là "trái tim" của hệ thống Trường Sơn, và toàn bộ tổ hợp này là sản phẩm do Tập đoàn công nghệ - viễn thông quân đội (Viettel) phát triển.
Theo Chip, điểm đặc biệt của tên lửa này là có tầm bắn 80km, gấp đôi tên lửa P-15 Termit của Liên Xô và có khả năng nhắm mục tiêu tiên tiến hơn. Trong khi đó, so với mẫu Kh-35E của Nga, tên lửa Sông Hồng có cấu trúc nhẹ hơn, cửa hút khí được thiết kế lại và hệ thống điện tử hàng không được hiện đại hóa.
Tính linh hoạt của tên lửa được thể hiện ở việc nó có thể triển khai từ nhiều phương tiện phóng, như bệ phóng trên đất liền, tàu khu trục hay máy bay chiến đấu.
Một yếu tố quan trọng làm tăng khả năng bay của tên lửa là động cơ phản lực VJE-01 do Việt Nam tự phát triển. Nhờ trang bị động cơ này mà tên lửa Sông Hồng có thể đạt tốc độ cận âm và khả năng cơ động cao.
Trang tin Chip đặc biệt đánh giá cao thời gian triển khai nhanh của tổ hợp Trường Sơn, khi 4 tên lửa Sông Hồng đặt trên cùng một xe phóng của tổ hợp có thể sẵn sàng tấn công mục tiêu trong chưa đầy 10 phút.
Chip nhận định, việc Việt Nam ra mắt tên lửa Trường Sơn và tập trung vào sản xuất các sản phẩm quốc phòng nội địa đã giúp Việt Nam giảm bớt phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài, đồng thời chủ động điều chỉnh giải pháp trước những thách thức chiến lược riêng.
Bên cạnh đó, tổ hợp tên lửa Trường Sơn cũng là một ví dụ điển hình chứng minh khả năng thiết kế và sản xuất vũ khí tiên tiến của Việt Nam.
Việt Nam hé lộ năng lực "nhiều nước không có"
Cùng bình luận về tổ hợp Trường Sơn, ZbiAM - chuyên trang về các vấn đề quân sự và công nghệ quốc phòng của Ba Lan - nhận định, tổ hợp phòng thủ bờ biển này được Việt Nam phát triển để thay thế cho các hệ thống 4K51 Rubezh (Liên Xô sản xuất) mà Việt Nam đã sử dụng trong hơn 4 thập kỷ qua.
Đạn tên lửa Sông Hồng là thành viên mới nhất trong họ tên lửa VCM-01 do Việt Nam sản xuất, có chiều dài khoảng 5m, đường kính 315m, trọng lượng 600kg và được trang bị bộ tăng tốc nhiên liệu rắn.
Điểm đặc biệt nằm ở chỗ tổ hợp tên lửa VCS-01 được đặt theo theo tên dãy núi Trường Sơn, còn đạn tên lửa VSM-01A mang tên dòng Sông Hồng với ý nghĩa thể hiện sự bảo vệ đất nước, bảo vệ bờ cõi núi sông.
Điều này cũng phù hợp với định hướng phát triển quốc phòng của Việt Nam. Ngay từ lần đầu tiên tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế năm 2022, chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh, "chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình, tự vệ và vì nhân dân; từ đó tạo niềm tin chiến lược với bạn bè quốc tế, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa".
Theo ZbiAM, với sự ra mắt của tổ hợp Trường Sơn và ý tưởng đa dạng hóa vũ khí, Việt Nam đã sở hữu năng lực phòng thủ bờ biển mà nhiều nước không có.
Năng lực này được xây dựng dựa trên mạng lưới hệ thống phòng thủ bờ biển "cực kỳ bao quát" bằng lá chắn đa lớp, gồm tổ hợp 4K44 Redut, K-300P Bastion-P, 4K51 Rubezh và Trường Sơn. Hiện chỉ một số ít quốc gia trên thế giới có mạng lưới rộng như vậy.
Ngoài tổ hợp Trường Sơn, tổ hợp Redut cũng được Bộ Quốc phòng Việt Nam trưng bày tại triển lãm năm nay.
Việt Nam "lột xác" với các sản phẩm quốc phòng tự phát triển
Theo Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), trong 20 năm qua, các doanh nghiệp quốc phòng của Việt Nam, cùng các cơ sở nghiên cứu – phát triển quốc phòng trong nước đã mở rộng và đa dạng hóa hoạt động.
Một cột mốc quan trọng là việc thành lập Tổng công ty công nghiệp công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) – công ty con của Tập đoàn công nghiệp – viễn thông quân đội Viettel vào năm 2019, với mục tiêu áp dụng các tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) để phát triển thiết bị thông tin liên lạc, tác chiến điện tử, radar, các hệ thống chỉ huy – kiểm soát.
Ngành công nghiệp quốc phòng của Việt Nam vẫn còn hạn chế về phạm vi và mức độ hoạt động so với các ngành tương đương ở một số quốc gia châu Á khác, đặc biệt là Indonesia, Hàn Quốc.
Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, ngành này đã trải qua bước thay đổi đáng kể khi ứng dụng các công nghệ chuyển giao có nguồn gốc quốc tế để phát triển và sản xuất thiết bị có tiềm năng, từ đó củng cố sức mạnh quân đội. Dòng tên lửa Sông Hồng do Viettel phát triển dựa trên mẫu tên lửa 3M24 Uran của Nga là một ví dụ.
Việt Nam cũng tập trung vào việc phát triển UAV, với sự hỗ trợ công nghệ từ Thụy Điển, Belarus...
Do vậy, các sự kiện như Triển lãm Quốc phòng Quốc tế còn được nhìn nhận như một cơ hội để thu hút nhiều nhà cung cấp thiết bị, công nghệ và dịch vụ quốc tế tới Hà Nội.
Theo IISS, với các thành tích hiện tại, ngành công nghiệp quốc phòng trong nước của Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa, khai thác các thỏa thuận chuyển giao công nghệ - đồng sản xuất với các nhà cung cấp nước ngoài trong thời gian tới. Kho thiết bị quốc phòng của Việt Nam sẽ ngày càng trở nên đa dạng hơn về mặt nguồn gốc xuất xứ.
Một vai trò ngày càng quan trọng của các cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) quốc phòng nội địa, cũng như các doanh nghiệp sản xuất trang bị quân sự của Việt Nam lúc này là phải đảm bảo rằng các hệ thống đa dạng được tích hợp một cách hiệu quả nhất có thể.
Điều đó sẽ cho phép Việt Nam tối ưu hóa khả năng của quân đội và cảnh sát biển trong việc ứng phó với các tình huống phát sinh.
Đời sống & pháp luật