Báo cáo kiểm toán bị nghi ngờ thiếu chính xác, Kiểm toán Nhà nước phản hồi như thế nào?
Một phần không nhỏ thời lượng của họp báo công bố kết quả Kiểm toán 2016 chiều nay (21/7) được lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước dùng để giải thích quy trình đánh giá kiểm toán nhằm làm rõ hơn những “khúc mắc” chất lượng báo cáo.
- 21-07-2017Kiểm toán nhà nước: Buýt nhanh Hà Nội khó đáp ứng mục tiêu đề ra, có thể gây tắc đường
- 21-05-2017Yêu cầu VNPT, Satra, Resco nộp ngân sách nhà nước thêm 5.000 tỷ đồng
- 02-10-2016Thu hơn 2.500 tỷ đồng vào NSNN từ cơ chế chuyển cửa khẩu hàng tiêu dùng
Chất lượng báo cáo Kiểm toán nhà nước (KTNN) luôn là một vấn đề được dư luận quan tâm. Bởi như Phó Tổng KTNN Cao Tấn Khổng nhận xét bên cạnh những con số được đưa ra còn là sinh mạng chính trị của rất nhiều cá nhân liên quan. Do đó, báo cáo kiểm toán luôn phải được thực hiện một cách cẩn trọng, dựa trên bằng chứng xác thực.
Tuy nhiên, báo cáo kiểm toán năm 2016 từ khi được đưa ra đến nay đã nhận được không ít phản hồi của một số đơn vị liên quan cho rằng kết luận của của KTNN là không chính xác.
Tiêu biểu trong đó phải kể đến phản hồi của Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KHĐT) liên quan đến việc đánh giá về công tác phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước tại Bộ này.
Trong Báo cái Kiểm toán 2016, KTNN đã dẫn chứng và lập luận Bộ KHĐT có sai phạm trong việc tự ý bố trí kế hoạch vốn cho 18 dự án không có cơ sở, đồng thời chậm giao phân bổ vốn.
Thời điểm đó (30/5) Bộ KHĐT đã có buổi gặp gỡ báo chí để trần tình vụ việc. Theo đó, Thứ trưởng Đào Quang Thụ đã khẳng định Bộ KHĐT không sai, đồng thời đề xuất có bên thứ 3 đứng ra làm trọng tài cho vụ việc.
Không chỉ có Bộ KHĐT, Bộ Y tế, Bộ GTVT cũng có những phản ứng liên quan đến kết quả của KTNN. Tổng KTNN ông Hồ Đức Phớc đã những phản hồi xung quanh vấn đề này, khẳng định chất lượng của báo cáo kiểm toán. Tuy nhiên, câu chuyện này tiếp tục được báo chí quan tâm trong phiên họp hôm nay.
Ông Trần Khánh Hoà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN tái khẳng định chất quy lượng báo cáo do KTNN đưa ra. Ông nói: “Chúng tôi luôn có kiểm soát chất lượng theo đúng quy trình kiểm toán. Tất cả các kết luận, kiến nghị đều phản ánh khách quan, dựa trên bằng chứng xác thực”.
Ông cho biết khi thu thập những bằng chứng này, KTNN đều có sự trao đổi, công khai với đơn vị được kiểm toán, cụ thể là với người đứng đầu, phụ trách lĩnh vực đó. “Sau đó sẽ tiến hành lập biên bản xác nhận số liệu giữa hai bên”, ông Hoà nói.
Về phía kiểm toán, luôn có 1 Vụ kiểm soát công việc thường xuyên với hai hình thức: trên nhật ký hồ sơ hoặc kiển tra trực tiếp.
Dự thảo kiểm toán sẽ được thông qua hội đồng cấp vụ (là cấp chuyên ngành và khu vực) để rà soát, đánh giá và phản biện. Sau khi được chỉnh lý, dự thảo tiếp tục được trình lên KTNN với một hội đồng cấp ngành được thành lập, do lãnh đạo KTNN chủ trì tiếp tục kiểm tra, phản biện.
Qua bước này, KTNN sẽ gửi cho các bên được kiểm toán. “Trong vòng 10 ngày nếu các đơn vị không có ý kiến gì chúng tôi sẽ phát hành. Tuy nhiên, thường là họ có, và KTNN sẽ tổ chức một buổi gặp. Những vấn đề nêu ra sẽ được cân nhắc chỉnh sửa hoàn chỉnh lại lần cuối rồi phát hành theo Luật KTNN”, ông Hoà cho biết.
Ông khẳng định việc thu thập là khách quan. Ông cũng nói rằng dù đọc được trên báo nhiều ý kiến khác nhau nhưng cho đến thời điểm hiện tại, KTNN chưa nhận được phản hồi nào bằng văn bản của cá đơn vị như Bộ KHĐT, Y tế hay GTVT về kết quả kiểm toán.
“Nếu nhận được kiến nghị, chúng tôi sẽ có quy trình trả lời theo Luật định”, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN nhấn mạnh.
Phó Tổng KTNN Cao Tấn Khổng cũng dành khoảng 7 phút để chia sẻ thêm về câu chuyện trên. Ông nói rằng bằng chứng được KTNN thu thập không chỉ là hoá đơn, chứng từ mà còn là những văn bản nhỏ nhất có liên quan. “Tất cả đánh giá của kiểm toán đề lệ thuộc vào bằng chứng”, ông cam đoan.
Bên cạnh đó, ông Khổng cũng nói rằng việc làm báo cáo này cẩn thận đến nỗi khi xét duyệt, KTNN sửa từng từ, từng chữ. Ví dụ, để nói một đơn vị là “lãng phí”, câu hỏi sẽ được đặt ra là chứng minh bằng cái gì. Nếu là “thất thoát” thì đâu là bằng cứ.
Khi gửi xuống các đơn vị, hai bên tiếp tục tranh luận dựa trên bằng chứng được đưa ra. “Do đó, báo cáo công bố đúng từng câu chữ chứ không phải là con số kiểm toán muốn viết thế nào là viết”, Phó Tổng KTNN nhấn mạnh.