Báo cáo ngành đường toàn cầu: Cầu sắp vượt cung, hàng tồn kho giảm mạnh mùa 2016/2017
Lượng đường tiêu thụ toàn cầu trong mùa 2016-2017 được dự báo sẽ tăng lên mức kỷ lục 174 triệu tấn (giá trị nguyên), vượt qua sản lượng sản xuất và khiến lượng đường tồn kho giảm xuống mức thấp nhất kể từ giai đoạn 2010/2011.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy sản lượng tại Brazil và Liên minh Châu Âu (EU) được dự báo sẽ tăng, bù đắp vào sản lượng sụt giảm tại Ấn Độ. Qua đó, sản lượng toàn cầu sẽ tăng 4% lên mức 169 triệu tấn. Với nhu cầu đang tăng cao hiện nay, thị trường dự báo rằng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này sẽ tăng 1,2 triệu tấn.
Mức tồn kho đường giảm liên tục trong những năm gần đây cho thấy tốc độ tiêu thụ toàn cầu đang tăng ổn định. Kết quả là lượng đường tồn kho đang có nhiều khả năng rơi xuống mức thấp kỷ lục.
Trên thực tế, giá đường thô quốc tế đã tăng lên gần 17 cent/pound trong tháng 5 sau khi chạm đáy vào tháng 8/2015. Do giá đường đang có những phản ứng với nhu cầu tăng cao trong bối cảnh Brazil đang gặp khó trong vấn đề tỷ giá với đồng USD, các nhà sản xuất cần thấy được những lợi ích để có động lực sản xuất bắt kịp nhu cầu hiện nay.
Với điều kiện thời tiết khắc nghiệt hiện nay, sản lượng đường của Việt Nam dự báo sẽ giữ nguyên ở mức 1,65 triệu tấn trong mùa thu hoạch 2016/2017. Tuy nhiên, lượng đường tiêu thụ lại có xu hướng tăng và có khả năng sẽ đạt mức kỷ lục 2 triệu tấn, khiến lượng đường tồn kho giảm trong thời gian tới.
Tại Brazil – quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới, sản lượng được dự báo sẽ tăng 2,4 triệu tấn nếu thời tiết thuận lợi. Trong số 37,1 triệu tấn có thể thu hoạch trong mùa 2016/2017, tỷ trọng của đường ethanol có khả năng tăng từ 57% lên 59% để bù đắp cho sản lượng đường mía sụt giảm. Bên cạnh đó, Brazil vẫn sẽ giữ vị thế là nhà xuất khẩu đường lớn nhất thế giới khi sản lượng xuất khẩu được dự báo sẽ tăng 1,8 triệu tấn lên mức 26,1 triệu tấn.
Sản lượng tiêu thụ của Ấn Độ được dự báo sẽ tăng nhẹ lên mức kỷ lục 27,2 triệu tấn trong khi sản lượng lại giảm 2,2 triệu tấn do diện tích thu hoạch và sản lượng giảm. Điều kiện thời tiết hạn hán hiện nay sẽ hạn chế người nông dân trong việc trồng mới cây mía. Tiêu thụ tăng và sản lượng giảm sẽ khiến lượng đường trong kho của các doanh nghiệp Ấn Độ giảm khoảng 18%.
Cũng bị ảnh hưởng bởi hạn hán như Ấn Độ nhưng sản lượng đường của Thái Lan dự báo vẫn sẽ tăng lên mức 10,1 triệu tấn nhờ diện tích thu hoạch tăng. Nhu cầu toàn cầu tăng sẽ khiến xuất khẩu của Thái Lan tăng 2% lên mức kỷ lục 9 triệu tấn. Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ của các khu công nghiệp và các hộ gia đình tăng mạnh cũng là một nguyên nhân khiến lượng hàng tồn kho của nước này giảm.
Một khu vực hiếm hoi cho thấy những tín hiệu tích cực là EU. Sản lượng tại đây được dự báo sẽ phục hồi 2,5 triệu tấn lên mức 16,5 triệu tấn. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ (18,8 triệu tấn), nhập khẩu (3,5 triệu tấn) và xuất khẩu (1,5 triệu tấn) nhiều khả năng không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.
Tại Trung Quốc, lượng đường tiêu thụ được dự báo tăng lên mức kỷ lục 17,8 triệu tấn, qua đó khiến lượng đường tồn kho giảm 3,2 triệu tấn do sản lượng sản xuất nhiều khả năng giảm 8,2 triệu tấn tại vùng đồng bằng. Mức nhập khẩu tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới được dự báo sẽ tăng lên mức kỷ lục 7,9 triệu tấn.
Sản lượng thu hoạch của Mỹ trong mùa 2016/2017 dự báo sẽ giảm 200,000 tấn do sản lượng mía thấp hơn dự kiến. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này được dự báo sẽ tăng 8% lên mức 3,2 triệu tấn do nhu cầu tiêu thụ tăng nhẹ. Lượng đường tồn kho nhiều khả năng cũng giảm 5% xuống mức 1,5 triệu tấn.
Người đồng hành