Báo cáo Quảng cáo và Game Mobile 2019: Người Việt Nam "kiên nhẫn" nhất Đông Nam Á về xem quảng cáo
Quảng cáo kỹ thuật số Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng và đạt hơn 1 tỷ USD vào năm 2020.
- 05-07-2019Từ vụ Grab, Uber, Luật Cạnh tranh còn nhiều kẽ hở?
- 18-06-2019Cứ 5 người tiêu dùng ở Việt Nam thì có 3 người đã bị “tổn hại” lòng tin khi sử dụng dịch vụ số
- 04-06-201925 năm nữa, kinh tế số Việt Nam sẽ "nở hoa" hay "bế tắc"?
Báo cáo Quảng cáo và Game mobile Việt Nam 2019 của Appota Group cho biết, tính đến hết tháng 6/2019, dân số Việt Nam đạt 97 triệu người, trong đó hơn 51 triệu người đã sử dụng thiết bị di động để truy cập mạng xã hội, giải trí và chơi game mỗi ngày. Hầu hết các mẫu điện thoại thông minh tại Việt Nam là thiết bị Android chiếm 55,10%, trong khi các thiết bị iOS chiếm thị phần lớn thứ hai với 41,62%.
Sự tăng trưởng về số lượng và chất lượng dịch vụ 4G cùng với kỳ vọng của mạng 5G đã tạo ra một nền tảng vững chắc cho ngành công nghiệp nội dung số, nhanh chóng đưa Việt Nam vào con đường trở thành một quốc gia kỹ thuật số trong khu vực.
Hơn nữa, sự phát triển ổn định của nền kinh tế từ năm 2010 đến 2018 đã giúp các thương hiệu có niềm tin để tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam. Năm 2018, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong gần một thập kỷ, cùng với chỉ số niềm tin tiêu dùng cao. Do đó, người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các dịch vụ giải trí, đặc biệt là nội dung số.
Chi tiêu quảng cáo trên thiết bị di động đã tăng mạnh, chiếm gần 80% tổng chi cho quảng cáo kỹ thuật số.
Theo báo cáo, người Việt Nam là những người tiêu dùng kiên nhẫn nhất ở khu vực Đông Nam Á với thời gian xem quảng cáo video trung bình chấp nhận được là 19 giây, trong khi người dân ở các quốc gia khác chỉ sẵn sàng xem một đoạn quảng cáo kéo dài 8-9 giây.
Người dùng Việt Nam luôn sẵn sàng xem một đoạn quảng cáo video ngắn để nhận phần thưởng trong ứng dụng hoặc trò chơi và đây là cơ hội tuyệt vời để các nhà quảng cáo giao tiếp với người tiêu dùng Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có số lượt tải xuống ứng dụng và trò chơi di động cao nhất thế giới và chi phí quảng cáo thấp nhất cho mỗi lần cài đặt (costs per installation - CPI) trong khu vực. Cụ thể, CPI trung bình tại Việt Nam là 0,25 USD trên thiết bị iOS và 0,10 USD trên thiết bị Android.
Chính sự tăng trưởng mạnh mẽ của các thiết bị di động đã tạo ra một nền tảng vững chắc cho thị trường quảng cáo và ứng dụng trên nền tảng di động tại Việt Nam. Năm 2018, chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số đạt 663 triệu USD, trong đó quảng cáo trên thiết bị di động chiếm hơn 62%.
Quảng cáo kỹ thuật số dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng và đạt hơn 1 tỷ USD vào năm 2020 và quảng cáo trên thiết bị di động cũng sẽ đóng góp đáng kể, chiếm gần 80% tổng chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số.
Trong những năm tới, các mạng xã hội chắc chắn sẽ thống trị thị trường quảng cáo kỹ thuật số, do lưu lượng truy cập cao với hơn 45 triệu người dùng trên các nền tảng khác nhau như Facebook, Zalo, Instagram,...
Quảng cáo video tiếp tục đi đầu trên thị trường quảng cáo kỹ thuật số với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, tăng 84% từ năm 2017 đến 2018. Và chi tiêu cho quảng cáo video sẽ tiếp tục tăng nhanh khoảng 40-60% mỗi năm trong 5 năm tới.
Mặt khác, quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm sẽ chậm lại vì người Việt Nam có xu hướng tránh truy cập các trang web được đánh dấu bằng quảng cáo. Trong tương lai, thị phần của loại quảng cáo này sẽ giảm, nhường chỗ cho các loại quảng cáo khác.
Trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2018, đã có một sự bùng nổ về số lượng người chơi và xem các trò chơi eSports nhờ vào sự phát triển nhanh chóng của ngành quảng cáo mới - livestream. Hình thức giải trí này đã thu hút hàng triệu người xem theo dõi và tương tác.
Cụ thể, số thời gian xem livestream trung bình tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 là 402.000 giờ mỗi ngày, với các thiết bị di động chiếm 61%. Con số này đặt người Việt Nam ở vị trí số 1 trên Facebook và nằm trong top đầu trên YouTube về tổng thời gian xem các trò chơi phát trực tiếp. Đây sẽ là các kênh tương tác quan trọng giữa các thương hiệu và người tiêu dùng.