"Bão" Covid-19 lại nổi ở trời Âu
Cơn "bão" Covid-19 lại trỗi dậy, hoành hành khắp nơi trên nước Đức và châu Âu khi mùa thu vừa qua, mùa đông bắt đầu đến.
- 17-11-2021Dịch Covid-19: Giá cả ở Mỹ tăng đến bao giờ?
- 16-11-2021Trung Quốc ra mắt loại vaccine covid - 19 mới, "uống vắc - xin như uống trà sữa"
- 16-11-2021Trung Quốc đối mặt đợt bùng phát Covid-19 lớn nhất
Theo số liệu thống kê của Viện Dịch tễ Đức Robert Koch (RKI), từ đầu tháng 11, các ca mắc Covid-19 ở Đức đột nhiên tăng chóng mặt khi thời tiết chuyển mùa, trung bình 30.000 - 40.000 ca/ngày. Đỉnh điểm là hơn 50.000 người mắc trong ngày 11-11, con số cao nhất từ lúc có dịch.
Trong 7 ngày vừa qua, chỉ số lây nhiễm trung bình cả nước đã lên đến 312 người/100.000 dân. Có nơi đặc biệt cao như tiểu bang Sachsen lên đến 759 người, tiểu bang Bayern, Thüringen, đều hơn 500 người nhiễm/100.000 dân. Những con số thật đáng lo ngại.
Nếu so sánh với thời điểm tháng 12 năm ngoái, tỉ lệ nhiễm trung bình khoảng 170 người/ 100.000 dân đã phải "lockdown" cả nước. Điều đó cho thấy việc tiêm chủng có hiệu quả tốt, đã giúp tăng cường sức đề kháng, người bệnh không trở nặng.
Tuy nhiên, năm nay lạnh sâu đột ngột, mới đầu tháng 11 mà nhiều hôm nhiệt độ xuống gần 0 độ C. Các bệnh về đường hô hấp tăng nhanh, các bệnh theo mùa xuất hiện, rồi dịch Covid-19 bùng phát. Cùng một lúc bệnh viện phải tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân.
TP Giessen - Đức đang chuẩn bị chợ Giáng sinh, dự kiến mở vào ngày 18-11 nếu dịch Covid-19 không bùng phát
Trong khi đó, số nhân viên y tế do làm việc quá sức trong thời gian qua xin nghỉ việc nhiều, dẫn đến hệ thống y tế quá tải, thiếu nhân viên. Nhiều nơi không còn giường chăm sóc đặc biệt phải chuyển bệnh nhân sang vùng khác.
Đa số người chưa tiêm chủng là những người bị nhiễm nhiều nhất và dễ bị nặng. Kế tiếp là những người chưa tiêm đầy đủ hoặc vắc-xin đã suy giảm tác dụng sau 6 tháng mà chưa được tiêm bổ sung mũi thứ 3.
Nước Đức là quốc gia có lượng vắc-xin dự trữ lớn nhưng tỉ lệ người dân hoàn thành 2 mũi tiêm mới đạt 67,5% - ở mức thấp so với các nước Tây Âu. Với khoảng 1/3 dân số chưa tiêm, trong đó nhiều người bị bệnh nền và người già, khả năng bệnh biến chuyển nặng rất cao.
Sau thời gian mở cửa, các biện pháp giãn cách vẫn là quy định bắt buộc. Nhưng việc thực hiện lỏng lẻo, giám sát chủ quan, không còn như trước.
Chính phủ đang cố gắng thắt chặt các biện pháp phòng dịch an toàn để tránh nguy cơ dịch bùng lại dữ dội; kêu gọi mọi người thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, khử trùng và giãn cách trong cộng đồng.
Thực hiện quy tắc 3G - những người đã tiêm, đã khỏi hoặc đã xét nghiệm - mới được tham gia các sự kiện trong nhà. Dự định, sắp tới có thể trên xe buýt và tàu điện cũng bắt buộc kiểm tra 3G.
Hiện nhiều bang của Đức có lượng người mắc cao đã nâng mức thực hiện lên quy tắc 2G - chỉ cho phép người đã khỏi bệnh hoặc người đã tiêm đủ liều mới được tham gia các hoạt động sự kiện và đời sống xã hội. Nếu không thực hiện sẽ bị phạt nặng. Quân đội Đức cũng chuẩn bị huy động 12.000 binh sĩ, ứng phó khi tình trạng y tế quá tải.
Nhiều chuyên gia cho rằng Đức nên áp dụng phong tỏa từng phần trong thời gian ngắn nhưng xem ra chính phủ chưa muốn áp đặt, vẫn mở cửa và siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng dịch.
Lễ Giáng sinh đang đến gần. Nhiều tiểu bang đã thông báo không có chợ Giáng sinh. Dù vậy, những thành phố có chỉ số lây nhiễm thấp vẫn tiến hành chuẩn bị, vì đó là mong mỏi của người dân sau 2 năm dịch bệnh. Dự kiến chợ sẽ mở sớm hơn mọi năm, bắt đầu từ ngày 18-11. Tuy nhiên đến phút chót, nếu chỉ số lây nhiễm tăng cao thì chợ cũng bị đình chỉ.
Ở tất cả quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đều chứng kiến sự gia tăng các ca mắc Covid-19. Hà Lan là nước đầu tiên ở Tây Âu quyết định phong tỏa một phần toàn dân trong vòng 3 tuần từ ngày 13-11. Các cửa hàng dịch vụ đóng cửa lúc 18 giờ, siêu thị thiết yếu đóng cửa lúc 20 giờ.
Trong khi đó, chính phủ Áo từ ngày 15-11 sẽ cấm hàng triệu người chưa tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ra khỏi nhà trong vòng 10 ngày, trừ khi có lý do và trẻ em dưới 12 tuổi.
Hiện châu Âu đang trở thành tâm điểm của đại dịch Covid-19 nên chắc chắn chính phủ các nước sẽ phải cân nhắc tái áp dụng các biện pháp phong tỏa. Hy vọng những biện pháp đó sẽ đem lại hiệu quả cho việc đẩy lùi dịch bệnh.
Người Lao động