Báo động 16.000 hóa chất độc hại trong các sản phẩm nhựa
Một báo cáo mới nhất do Hội đồng Nghiên cứu Na Uy tài trợ đã cho thấy một con số đáng báo động về lượng hóa chất độc hại trong các sản phẩm nhựa.
- 04-12-2023Trung Quốc: Siêu dự án cầu xuyên biển 6,7 tỷ USD lập kỷ lục thế giới lát nhựa chỉ trong 1 ngày
- 19-11-2023Châu Âu cấm xuất khẩu rác thải nhựa sang nước nghèo
- 08-11-2023Coca-Cola, Danone và Nestle bị cáo buộc "đánh lừa" về tuyên bố tái chế bao bì nhựa
- 26-07-2023Trung Quốc sở hữu hệ thống ‘siêu cầu đường’ top đầu thế giới: Áp dụng công nghệ rải nhựa đường thần tốc độc quyền, 3-4 năm là xây xong 1 cầu, chi phí khủng 100-200 nghìn tỷ đồng là chuyện bình thường
Nhìn vào những sản phẩm nhựa mà chúng ta sử dụng hàng ngày, như vỏ chai nước, bút bi hay các loại túi nilon, đồ chơi trẻ em, thiết bị y tế..., chúng ta liệu từng nghĩ rằng nó có bao nhiêu hóa chất?
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc từng đưa ra ước tính, trong những sản phẩm này có khoảng 13.000 loại hóa chất. Nhưng báo cáo mới nhất do Hội đồng Nghiên cứu Na Uy tài trợ còn mang đến một con số đáng báo động hơn nhiều. Đó là số lượng hóa chất thực tế trong các sản phẩm nhựa lên tới hơn 16.000, trong đó có ít nhất 4.200 chất được coi là "rất nguy hiểm" đối với sức khỏe con người và môi trường như: phthalates, bisphenols...
Những hóa chất từ nhựa có thể lọt vào trong cơ thể người qua đường ăn uống, gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản và bệnh tim mạch.
Trong số này, chưa đầy 1.000 loại được các cơ quan trên thế giới quản lý, còn lại là không được kiểm soát, và đáng nguy hiểm hơn, đây mới chỉ là những hóa chất được biết đến.
Các nhà khoa học nhấn mạnh sự cần thiết phải minh bạch hơn về các hóa chất - bao gồm chất phụ gia, chất hỗ trợ gia công và tạp chất - được đưa vào nhựa, kể cả các sản phẩm tái chế.
Trái đất đang bị đe dọa bởi lượng lớn rác thải nhựa chưa bị phân hủy (Ảnh: AP)
Báo cáo được công bố trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực xây dựng hiệp ước toàn cầu đầu tiên, nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa ngày càng gia tăng, với rác thải nhựa hằng năm đã lên tới 400 triệu tấn.
Bà Jane Muncke - Giám đốc Diễn đàn Bao bì thực phẩm - cho biết: "Môi trường sống của chúng ta đang bị ô nhiễm bởi các hóa chất được sử dụng trong quá trình sản xuất nhựa. Chúng gây ra rất nhiều tác hại, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Hóa chất trong bao bì sẽ ngấm vào thực phẩm, từ đó lọt vào cơ thể người qua đường thức ăn, nước uống. Hậu quả sẽ rất khó lường".
Điều đáng báo động là Trái đất đang bị đe dọa bởi lượng lớn rác thải nhựa chưa bị phân hủy đang làm ô nhiễm hành tinh sống. Ngày nay, con người có thể hít hoặc ăn phải các hạt vi nhựa một cách thụ động.
Các nhà khoa học hy vọng, việc nhận thức sự nguy hại của các hóa chất độc hại trong nhựa sẽ góp phần nâng cao ý thức của con người trong việc hạn chế và xử lý rác thải nhựa đúng cách.
VTV