Bao giờ dệt may hết làm thuê?
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2016 chỉ đạt khoảng 28,5 tỷ USD, thấp hơn dự kiến khoảng 1,5 tỷ USD và chỉ đạt khoảng 92% kế hoạch. Kết quả này chỉ ra rằng trong bối cảnh xuất khẩu dệt may đối mặt nhiều khó khăn, đang mất cả đơn hàng truyền thống, nếu ngành may mặc nội địa không sớm thay đổi phương thức kinh doanh, dù hội nhập đến cỡ nào cũng không thoát khỏi kiếp làm thuê.
- 16-12-2016Hàng dệt may còn nhiều dư địa tăng trưởng, vì sao?
- 16-12-2016Thừa Thiên Huế dự tính chi gần 7.000 tỷ đồng để trở thành thủ phủ dệt may miền Trung
- 06-12-2016Mỹ rời TPP, có lo cho dệt may?
DN nhỏ bất lợi
Theo dự báo của Bộ Công Thương, năm 2017 khi có thêm một số hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết và đã có hiệu lực, các DN dệt may Việt Nam có nhiều cơ hội hơn trong hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, hội nhập kinh tế quốc tế cũng mang lại nhiều thách thức, đặc biệt đối với các DN dệt may nhỏ và vừa, với xuất phát điểm thấp, việc cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập rất vất vả. Bộ Công Thương cho rằng năm 2017 tình hình xuất khẩu của các DN dệt may nhỏ và vừa trong nước khả năng sẽ gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, có thể mất các đơn hàng truyền thống về khối các DN có khả năng cạnh tranh cao hơn, nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Do vậy, trong giai đoạn tới, đặc biệt trong năm 2017, các DN dệt may nội địa, đặc biệt là DNNVV cần cải thiện công nghệ, nâng cao trình độ để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của đơn hàng. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, đối tác mới để duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu. Thống kê bước đầu cho thấy thị trường xuất khẩu chính hàng dệt may của Việt Nam trong năm nay vẫn là Trung Quốc, với hơn 50% tổng lượng xuất khẩu.
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc hiện có diễn biến bất thường khiến DN xuất khẩu sợi có thể gặp rủi ro khi quá phụ thuộc vào thị trường này. Với các thị trường chủ lực khác, như thị trường Hoa Kỳ, ước tính trong năm 2016 đạt 11,4 tỷ USD, tăng 4% so với năm ngoái. Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu lớn khác của dệt may Việt Nam là EU, Nhật Bản, Ấn Độ, Brazil, Nga và Canada. Trong đó, EU là 1 trong 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất của DN dệt may Việt Nam nhưng cũng là thị trường lớn khó tính nhất hiện nay.
Ông Guillaume Crouzet, Tổng Giám đốc Phòng thương mại công nghiệp Pháp tại Việt Nam, tỏ ra tiếc rẻ: “Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam luôn xuất siêu vào EU, nhưng hàng may mặc Việt Nam chỉ chiếm 3,5% tổng số hàng may mặc EU nhập khẩu, trong khi Việt Nam là một trong số những quốc gia có hoạt động gia công dệt may lớn nhất thế giới”. Trong khi đó, theo lộ trình, sau 7 năm FTA Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực (năm 2025) 99% hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào EU hoàn toàn được miễn thuế. Nhưng ở chiều ngược lại, 99% hàng hóa của EU xuất khẩu sang Việt Nam phải mất 10 năm (năm 2028) mới được miễn thuế hoàn toàn. Điều đó được cho là sẽ mở rộng cơ hội cho DN dệt may Việt Nam xuất khẩu sang EU.
Phải sớm chuyển đổi
Theo ông Guillaume Crouzet, thị trường EU có tiềm năng rất lớn đối với DN dệt may Việt Nam. Trong đó, các mặt hàng như áo vest, trang phục nam, áo đầm nữ có xuất xứ từ Việt Nam rất được người tiêu dùng EU ưa chuộng. Đặc biệt, EVFTA sẽ tạo ra lợi thế lớn cho các DN dệt may Việt Nam mở rộng thị phần của mình tại EU so với Campuchia, Bangladesh, những quốc gia đang có sản phẩm may mặc cạnh tranh với Việt Nam tại EU. Vấn đề đáng lo ở đây, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Vitas, đó là ngành dệt may Việt Nam đang rơi vào tình trạng “thắt cổ chai”. Bởi lẽ, hầu hết nguyên phụ liệu dùng cho sản xuất đều phụ thuộc và phải nhập khẩu từ nước ngoài. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng giá trị thặng dư rất nhỏ sau khi trừ đi các chi phí.
Nhắc đến tác động của EVFTA, bà Mai lưu ý trong tương lai khi hiệp định này có hiệu lực không chỉ mở ra cơ hội cho DN dệt may Việt Nam xuất khẩu sang EU, mà còn đòi hỏi các DN phải nắm bắt xu thế thời trang, đổi mới công tác đào tạo, thay đổi trong quản lý sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, đem lại giá trị thặng dư cao. Vị lãnh đạo Vitas đề xuất công tác xúc tiến thương mại của DN dệt may Việt Nam vào EU cần phải được đẩy mạnh thông qua các triển lãm, hội chợ thời trang, chẳng hạn tại Paris (Pháp), vốn được ví như “kinh đô thời trang của thế giới”.
Theo nhiều chuyên gia, trong vấn đề của dệt may hiện nay, để tận dụng được xu thế hội nhập toàn cầu, mang lại giá trị gia tăng cao, lợi nhuận lớn, DN gia công Việt Nam cần nhanh chóng chuyển từ phương thức gia công cắt may đơn giản (CMT) sang các phương thức gia công hiện đại (OEM), mang lại giá trị kinh tế lớn hơn cho mỗi đơn hàng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần sớm có các chính sách khuyến khích DN may mặc nội địa chuyển đổi phương thức kinh doanh từ gia công sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế bán hàng) hay OBM (sở hữu nhãn hàng riêng).
Chẳng hạn như chính sách ưu đãi tín dụng để mua nguyên phụ liệu do Việt Nam sản xuất; kích cầu đầu tư thiết bị chuyên dùng; xúc tiến phát triển khách hàng trực tiếp. Ngoài ra, nên có chính sách khuyến khích các DN có kinh nghiệm tham gia dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi, như phát triển mẫu, nguyên phụ liệu… Việc chuyển đổi phương thức kinh doanh không chỉ gia tăng giá trị thặng dư mà còn là động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may.