MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bao giờ đường ngọt?

23-08-2016 - 21:13 PM | Thị trường

So với các loại cây trồng khác, mía đường vẫn là ngành được bảo hộ cao nhất.

Tuy nhiên hiện nay, ngành này vẫn đang bộc lộ những hạn chế, trong khi đó theo cam kết với Thành viên các nước ASEAN thì chậm nhất đến năm 2018, Việt Nam phải thực hiện cam kết xóa bỏ hạn ngạch thuế quan mặt hàng đường.

Vậy khả năng cạnh tranh của ngành mía đường nước ta có theo kịp khi việc nhập khẩu đường của các nước thành viên ASEAN sẽ không bị hạn chế về số lượng và thuế suất thuế nhập khẩu là thuế suất cam kết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) 5%.

Tuy là ngành được bảo hộ xong theo thống kê và khuyến cáo, hiện nay ngành mía đường vẫn chưa đủ sức để nâng cao khả năng canh tranh với ngay cả với loại nông sản khác trong nước.

Tính riêng niên vụ mía đường 2014-2015 vừa qua đã có 400.000ha mía được thay thế bằng các loại cây khác. Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng nhiều nhà máy, tiếp cận đến trình độ sản xuất quốc tế, sản xuất đã vượt nhu cầu tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế đó là những lộ trình Việt Nam đã cam kết.

Theo Bộ NN&PTNT, để giúp sức cho ngành mía đường, đã nhiều giải pháp đã được đưa ra, đầu tiên là phải chấn chỉnh về năng suất, chất lượng mía nguyên liệu. Vấn đề hiện nay đối với ngành mía đường đang được tập trung nhất đấy là việc tăng năng suất. Để nâng cao tính cạnh tranh và hội nhập thì điều cốt lõi nhất là phải đưa giá thành đường Việt Nam tương đương với thế giới. Mà để có giá đường tương đương thì giảm chi phí nguyên liệu (giá thu mua nguyên liệu) là khâu quan trọng nhất.

Tuy nhiên, để giải được bài toán này thì ngành mía đường sẽ vấp phải thực tế là thu nhập của người dân trồng mía. Giá thành giảm, nhưng làm sao phải giữ hay nâng cao thu nhập cho người trồng nguyên liệu cũng đang là thử thách hiện nay của ngành mía đường. Theo nhiều chuyên gia, cần có nhiều thay đổi trong đó trọng tâm nhất phải chú ý đấy là giống, thay đổi thâm canh, áp dụng cơ giới hóa và tổ chức lại sản xuất.

Gấp rút nghiên cứu và xây bộ giống mới cho nông dân; các nhà máy phải tập trung vào xây dựng vùng giống lâu nay vẫn là chủ trương của Bộ NN&PTNT cũng như ngành mía đường. Ở đâu có giống mía tốt hãy chủ động phối hợp cơ quan của Bộ để nhập về khảo nghiệm, chọn lọc và phổ biến. Để ngành mía đường sản xuất hiệu quả, Bộ NN&PTNT cũng đã giao cho nhiều cục và tổng cục trực thuộc.

Cụ thể Cục Trồng trọt sớm rà soát và công bố quy trình sản xuất mía để phổ biến, nhân rộng cho nông dân. Tổng cục Thủy lợi nghiên cứu công nghệ tưới mía cho từng vùng cụ thể. Cùng với đó, Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản phải công bố quy trình cơ giới hóa, giảm tối thiểu tổn thất sau thu hoạch trên cây mía.

Được biết, niên vụ 2014-2015, tổng diện tích mía cả nước đạt 305.000ha, với năng suất mía bình quân cả nước là 65,3 triệu tấn. Tổng sản lượng mía ước đạt 20 triệu tấn tương đương niên vụ trước. Sản lượng mía được ép để chế biến đường khoảng 1,6 triệu tấn.

Nhưng hiện nay, tồn tại lớn nhất mà ngành mía đường đang gặp phải hiện nay là giá nguyên liệu mía cao; công nghiệp chế biến chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ đường chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức để tạo nên mối quan hệ hữu cơ. Ngoài một số doanh nghiệp có ký kết hợp đồng với các hộ tiêu thụ lớn, còn lại đều phụ thuộc vào sức mua của thị trường….

Theo Cục Trồng trọt, chỉ tính riêng về chi phí cho mía nguyên liệu, Việt Nam đã cao hơn Thái Lan khoảng 2.000 đến 3.000 đồng/kg đường. Do vậy, để giảm giá thành, ngoài các vấn đề đã nêu trên thì cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Trong đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất mía nguyên liệu. Tổ chức sản xuất các sản phẩm phụ sau đường, đầu tư chiều sâu, hiện đại hóa các dây chuyền sản xuất đường. Ngoài ra, các bộ, ngành cần tăng cường ngăn chặn tình trạng nhập đường nhập lậu vào Việt Nam.

Theo cam kết mở cửa thị trường hoàn toàn đối với hầu hết các mặt hàng; trong đó có đường thì chậm nhất vào năm 2018 việc nhập khẩu đường của Việt Nam từ các nước thành viên ASEAN sẽ không bị hạn chế về số lượng và thuế suất thuế nhập khẩu là thuế suất cam kết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) 5%. Đây đang được coi là “sân chơi” đòi hỏi ngành đường phải có sự chuẩn bị bài bản và quyết tâm lớn để nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm để cạnh tranh vững vàng hơn trong hội nhập.

Theo Phương Nguyên

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên