Bao giờ ngành thép mới hồi phục?
Giá thép đã về đáy thấp nhất 3 năm qua. Với diễn biến ảm đạm của thị trường bất động sản, dự kiến ngành thép sẽ mất một thời gian rất dài nữa để hồi phục.
- 08-09-2023Hoà Phát: Sản lượng tiêu thụ thép tháng 8 lên cao nhất từ đầu năm, lũy kế đạt hơn 4 triệu tấn
- 28-08-2023Thép Pomina (POM) sắp khởi động lại Nhà máy luyện phôi thép lớn nhất phía Nam trong tháng 10/2023, đón nhu cầu đầu tư công cuối năm
- 12-08-2023Một công ty tôn thép báo lãi quý 2 tăng 50% so với quý 1, dự kiến lên sàn chứng khoán trong năm nay
Giá thép giảm về đáy thấp nhất 3 năm
Gần đây nhất, vào 7/9, một số doanh nghiệp thép trong nước vừa thông báo giảm 100.000-310.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép cuộn CB240.
Ở lần giảm giá thứ 19 này, thương hiệu Thép Hòa Phát hạ giá 100.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép cuộn CB240 ở cả 3 miền. Giá sau điều chỉnh, giá dòng thép này ở miền Bắc, miền Trung xuống còn 13,43 triệu đồng/tấn; trong khi ở miền Nam có giá bán 13,53 triệu đồng/tấn.
Còn giá thép thanh vằn D10 CB300 vẫn giữ nguyên so với đợt điều chỉnh trước, ở mức 13,74-13,79 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Ý tại miền Bắc giảm 210.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240, giá còn 13,43 triệu đồng/tấn; dòng thép thanh vằn D10 CB300 vẫn giữ ở mức giá 13,69 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Đức cũng điều chỉnh giảm 310.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép cuộn CB240, giá bán về mức 13,74 triệu đồng/tấn. Còn sản phẩm sản phẩm thanh vằn D10 CB300 của thương hiệu này vẫn có giá bán là 13,89 triệu đồng/tấn.
Thép Kyoei Việt Nam giảm 200.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240, ở mức 13,46 triệu đồng/tấn. Thép D10 CB300 vẫn giữ nguyên ở mức 13,71 triệu đồng/tấn.
Thép Pomina cũng hạ 110.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 còn 13,48 triệu đồng/tấn, thép vằn thanh ở mức 14,38 triệu đồng/tấn.
Trước đó, giá thép đã giảm sâu vào ngày 23/8. Cứ trung bình khoảng 7 – 10 ngày, giá thép trong nước lại có một đợt giảm giá. Từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng trong nước giảm sâu tới 19 lần liên tiếp. Sau 19 phiên giảm này, giá thép đã “về đáy” thấp nhất trong 3 năm qua.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, nguyên nhân giá thép trong nước liên tục giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm. Tiêu thụ chậm thép xây dựng đến từ nguyên nhân thị trường bất động sản còn ảm đạm, đầu tư công chưa khởi sắc. Không những thế, các doanh nghiệp thép trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu.
Với tình hình thực tế này, VSA dự kiến đà giảm của giá thép còn chưa dừng lại từ nay đến cuối năm.
Bất động sản dân dụng chiếm hơn 60% nhu cầu ngành thép
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VNDirect, triển vọng ngành bất động sản dân dụng ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu ngành thép Việt Nam khi chiếm khoảng 60-65% nhu cầu toàn ngành và ảnh hưởng đến hầu hết các mặt hàng thép thành phẩm.
Kể từ quý II/2022, ngành bất động sản nội địa chững lại sau hàng loạt sự kiến bắt giữ một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản lớn (vi phạm quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp), lãi suất mua nhà tăng và room tín dụng hạn chế.
Các tín hiệu tích cực hơn đối với ngành bất động sản đã dần xuất hiện thời gian gần đây. Hàng loạt chính sách nhằm tháo gỡ thị trường bất động sản được ban hành kể từ đầu năm 2023. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế chưa thực sự đạt được. Điển hình như gói hỗ trợ 30 nghìn tỉ đồng năm 2013 đã gặp nhiều vấn đề bất cập. Hay hiện tại, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng hầu như chưa doanh nghiệp, người dân nào tiếp cận được.
Chính vì thế, VNDirect cho rằng, thị trường bất động sản sẽ chỉ có thể được hồi phục từ năm 2024 khi Luật đất đai sửa đổi được thông qua tháo gỡ hàng loạt, đồng bộ các nút thắt pháp lý và áp lực tài chính, lãi suất được giảm bớt khi các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn cũng như kích cầu người mua nhà.
Cũng theo VNDirect, nhu cầu ảm đạm kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng trong năm 2023. Do đó, mặc dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những quý tới, VNDirect dự báo tổng nhu cầu thép trong nước sẽ tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023. Cụ thể, tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng-tôn mạ của Việt Nam trong năm 2023 sẽ giảm lần lượt 9,2%-7,0% so với cùng kỳ xuống mức 9,5 triệu tấn - 3,9 triệu tấn.
Dự báo ngành thép "ấm" lại vào 2024 có là quá sớm?
Đánh giá về mối liên quan giữa giá thép và thị trường bất động sản, chuyên gia kinh tế, PGS - TS Ngô Trí Long cho rằng, nguyên nhân chính là do cung cầu. Hiện cầu không tăng nhiều mặc dù đầu tư công tăng đáng kể thời gian qua, trong khi nguồn cung lại rất lớn, nhất là lượng thép từ Trung Quốc nhập về nước đã làm cho giá thép trong nước liên tục giảm.
PGS - TS Ngô Trí Long nhận định, để ổn định giá thép trong nước, ngoài việc kích cầu đầu tư, chúng ta phải đẩy mạnh khơi thông các dự án bất động sản, các công trình, dự án đầu tư công. Khi thị trường bất động sản sôi động trở lại thì giá thép sẽ tăng, bởi thép chủ yếu phục vụ cho nhu cầu xây dựng là chính, còn thép phục vụ cho các ngành hàng, hoạt động khác không đáng kể. Do vậy, quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn, ảm đảm của bất động sản sẽ tháo gỡ khó khăn của ngành thép.
Nguyễn Ngọc Quang, Tổng giám đốc Công Ty TNHH Thép Vina Kyoei cho biết, Vina Kyoei đã giảm hơn 40% sản lượng tiêu thụ so với cùng thời điểm năm trước.
Ông Quang cho rằng nguyên nhân do giá thép trong nước chịu tác động bởi giá thép thế giới, đồng thời ảnh hưởng lớn bởi việc nhập khẩu thép từ Trung Quốc vào trong nước. Đặc biệt, thị trường bất động sản vẫn ảm đạm đã tác động rất lớn đến giá nguyên vật liệu.
Chính vì thế, ông Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, trước tiên cần phải tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Nếu bất động sản vực dậy, phục hồi và phát triển thì các ngành khác sẽ phát triển theo, trong đó có ngành thép và vật liệu xây dựng, các ngành công nghiệp phụ trợ khác, qua đó tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Nếu người dân có tiền thì họ sẽ chi tiêu và đầu tư vào xây dựng, qua đó sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, lưu thông hàng hóa.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, VNDirect dự báo thị trường bất động sản sẽ được phục hồi từ năm 2024 còn là quá sớm và quá lạc quan. Dựa vào chu kỳ lên xuống của thị trường bất động sản trong hơn một thập kỷ qua, có thể sẽ phải mất đến 2-3 năm nữa, thị trường bất động sản mới có thể vực dậy được. Từ đó, tiêu thụ thép mới có thể khởi sắc trở lại.
congthuong.vn