Bảo hộ tác phẩm thời công nghệ (kỳ 2): Thách thức và giải pháp tại Việt Nam
Công nghệ nhận diện khuôn mặt của VinAI
AI là động lực phát triển của nền kinh tế, AI cũng mang lại một số thách thức về pháp lý và xã hội khi hầu hết nguyên tắc pháp lý hiện nay mới chỉ xoay quanh chủ thể là "con người tự nhiên"...
- 25-06-2022Trung Quốc mạnh tay siết chặt quản lý lĩnh vực livestream
- 25-06-2022Cơ quan nhà nước có thể cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua mạng xã hội
- 24-06-2022Chủ quan không đổi CCCD gắn chip vì CCCD, CMND cũ chưa hết hạn: Có thể bị phạt nếu thuộc những trường hợp này!
Thực trạng và thách thức pháp lý
Tại Việt Nam, AI đã bắt đầu được phát triển và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, điển hình như AI sáng tác được 10 giai điệu nhạc/giây của kỹ sư IT Nguyễn Hoàng Bảo Đại, AI nhận diện khuôn mặt trong kiểm soát dịch COVID-19, hay AI phát hiện COVID-19 thông qua tiếng ho,...
Hiểu được tầm quan trọng của xu hướng mới này, chính phủ Việt Nam đã nhận định trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là công nghệ có tính đột phá trong 10 năm tới; đồng thời đây sẽ là “mũi nhọn” cần được triển khai nghiên cứu nhằm tận dụng những cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Để sử dụng tốt những lợi thế mà AI mang lại cho sự phát triển của nền kinh tế số, thì việc dự báo những thách thức pháp lý cũng như đề ra một số giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trên là điều tất yếu phải làm. Vì dù muốn hay không, AI vẫn đang trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống con người trong kỷ nguyên số, đặc biệt là khi AI hoàn toàn có khả năng tự suy nghĩ, tự sáng tạo ra các tác phẩm riêng, cũng như có khả năng gây ra những thiệt hại mà đôi khi cả người sử dụng, lập trình viên hay chủ đầu tư không thể lường trước được.
Bên cạnh những tác động tích cực và chính sách ưu tiên phát triển AI, thì những tác động tiêu cực của AI cũng xuất hiện theo. Bởi lẽ, AI không phải là con người tự nhiên, dù AI cũng có những “suy nghĩ” theo các thông số đã được lập trình sẵn, và cập nhật dữ liệu liên tục, nhanh chóng. Theo đó, cũng xuất hiện một số thách thức về mặt pháp lý đối với việc bảo hộ tác phẩm được tạo ra từ AI. Và đặt ra bài toán mà những nhà nghiên cứu, nhà lập pháp phải nghiêm túc xem xét, vì những thách thức và rủi ro về xã hội và pháp lý là luôn tiềm tàng, khi bùng phát sẽ rất khó kiểm soát.
Dù hiện nay ngành CNTT, IoT tại Việt Nam đang trên đà phát triển như vũ bão, nhưng hệ thống pháp lý vẫn chưa có một cách tiếp cận nào rõ ràng cho AI hay những thực thể mang AI. Việc này thực sự là một thách thức trong quá trình ban hành và áp dụng pháp luật nhằm điều chỉnh nhóm đối tượng trên. Pháp luật dân sự ở Việt Nam quy định chủ thể phải là cá nhân hoặc tổ chức (BLDS 2015), chưa ghi nhận dạng chủ thể là máy móc hay chương trình máy tính, do vậy sẽ là không thể nếu xác định tư cách pháp lý của AI cũng như những thực thể mang AI là những chủ thể trong pháp luật, có quyền như một con người. Do đó, theo xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới, phương án phù hợp với Việt Nam khi xây dựng hệ thống pháp lý liên quan đến AI nên là: không cố gắng xác định tư cách pháp lý của AI, mà tập trung vào định nghĩa AI, xác định rõ bản chất của những thực thể mang AI là gì, từ đó mới xác định chính xác các vấn đề pháp lý phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Một số giải pháp
Để tận dụng được những lợi thế do AI mang lại cho sự phát triển của nền kinh tế thì việc dự báo những thách thức pháp lý cũng như đề ra những giải pháp nhằm giải quyết thách thức là điều tất yếu phải làm. Theo đó, tác giả có một vài khuyến nghị như sau:
Công nghệ nhận diện khuôn mặt dự báo sẽ đạt 22,7 tỷ đô năm 2027 (theo FPT)
Một là, pháp luật về SHTT hiện hành mới chỉ quy định về việc bảo hộ những tác phẩm mang tính chất truyền thống, theo tiêu chuẩn cũ, tức là chỉ thừa nhận tác giả là một con người thực tế. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng các sản phẩm được tạo ra từ AI hoàn toàn có thể đáp ứng được điều kiện để được coi là một tác phẩm sáng tạo theo quy định của LSHTT và không thuộc danh mục những tác phẩm không được bảo hộ về quyền tác giả. Chính vì vậy, khuyến khích các nhà lập pháp nên xây dựng những ngoại lệ riêng nhằm công nhận sự bảo hộ đối với các tác phẩm được tạo ra từ AI này, giống như quan điểm của Vương Quốc Anh trong Đạo luật Bản quyền, Kiểu dáng và Bằng sáng chế năm 1988( CDPA).
Hai là, xác định tư cách pháp lý của AI. Trước tiên, cần làm rõ là tư cách pháp lý của AI và của con người là độc lập và khác nhau, nên việc cố ý sắp xếp cho AI ngang bằng với con người là điều không thể. Dưới khía cạnh xã hội, AI khó có thể học tập và hành xử theo bộ phẩm chất đạo đức như con người được. Hơn nữa, việc áp dụng các nguyên tắc hay trách nhiệm pháp lý với đối tượng AI là điều không thể. Ví dụ như trong các trường hợp mà AI vi phạm pháp luật hiện hành về bản quyền, hành chính, hình sự,… thì nhà nước và chủ thể khác trong xã hội sẽ phản ứng như thế nào, áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm ra sao? Do đó, tác giả kiến nghị thiết lập bộ tiêu chuẩn đánh giá và phân loại AI, từ đó mới đưa ra các quy định cụ thể áp dụng cho từng nhóm đối tượng.
Ba là, xác định tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả đối với những tác phẩm được tạo ra từ AI. Hiện tại, AI chỉ được coi là công cụ hỗ trợ con người (người sử dụng) trong việc sáng tác ra các tác phẩm, dù phần lớn AI đã tự chủ trong hoạt động này mà không cần quá nhiều sự can thiệp của con người. Ngoài ra, còn có vai trò của lập trình viên (người đã thiết lập thuật toán tạo ra AI), và chủ đầu tư (cá nhân, doanh nghiệp đầu tư tiền bạc cho các dự án về AI).
Bốn là, thiết lập các cơ chế để giải quyết những tranh chấp về quyền tác giả đối với các tác phẩm thuộc loại này. Bên cạnh việc thiết lập hệ thống pháp luật đặc thù dành riêng cho nhóm đối tượng là AI, thì việc xây dựng các quy định nhằm xử lý các tranh chấp liên quan đến việc xâm phạm quyền SHTT cũng là một mục tiêu quan trọng. Việc xác định một tác phẩm văn chương có xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm đang được bảo hộ hay không là một việc rất khó. Không thể quy định bằng một con số cụ thể trong luật hay bất cứ văn bản nào về tỷ lệ trích dẫn. Trong trường hợp “trích dẫn hợp lý” chỉ được xem xét về tính đúng sai trong mỗi tình huống cụ thể. Điều này sẽ là một khó khăn lớn khi áp dụng đối với các tác phẩm được tạo ra từ AI, sẽ rất khó khăn trong việc xác định các tác phẩm này có xâm phạm quyền tác giả hay không khi chủ yếu quá trình sáng tạo của AI phải dựa rất lớn vào dữ liệu đầu vào mà nhà vận hành/người sử dụng cung cấp. Dữ liệu càng nhiều thì khả năng học máy của AI càng hiệu quả.
Năm là, thiết lập hệ thống pháp lý về việc bồi thường thiệt hại do AI gây nên. Dù AI không phải là con người thực tế, dù lập trình viên luôn lập luận rằng họ viết ra các thuật toán ngẫu nhiên, nhằm hạn chế sự sao chép của AI, dù người sử dụng đưa ra lý lẽ rằng việc họ cho chạy các chương trình máy tính là chỉ để phục vụ cho nhu cầu cá nhân, nhưng các hành vi xâm hại các quan hệ pháp luật về SHTT hay dân sự vẫn hoàn toàn có thể xảy ra. Điển hình như các hành vi xâm phạm bản quyền của các tác giả khác (vì cơ chế hoạt động của AI là học máy, học từ những dữ liệu đầu vào, nên người cung cấp dữ liệu gửi dữ liệu gì vào, AI sẽ học theo như thế; dữ liệu càng ít, thì khả năng đạo văn sẽ là càng cao). Hoặc vì AI là chương trình máy tính (có thể thể hiện qua các thực thể hữu hình khác), nên những sản phẩm của AI hoàn toàn có thể xâm hại đến những chuẩn mực đạo đức xã hội do con người lập ra (như có những câu văn, lời nói xúc phạm nhân phẩm người khác,…).
Do đó, việc thiết lập hệ thống các quy tắc pháp lý để điều chỉnh vấn đề bồi thường thiệt hại do AI gây ra là rất cấp thiết và quan trọng.
Diễn đàn doanh nghiệp