Báo Nhật: Phụ thuộc vào Trung Quốc, doanh nghiệp Việt khốn khổ vì coronavirus
"Sự bùng phát coronavirus đã tác động mạnh đến ngành du lịch. Tôi đã ghé thăm một điểm nổi tiếng ở trung tâm thành phố Hà Nội ngày hôm qua. Bạn có thể thấy sự khác biệt: không có khách du lịch Trung Quốc xung quanh, không đông đúc lắm" - phóng viên NHK World nói.
- 19-02-2020Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Tất cả các quốc gia cho phép Mobile Money đều tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5%
- 19-02-2020Nikkei: 2 bài học "nhớ đời" của ngành du lịch từ nỗi sợ coronavirus
- 19-02-2020Thí điểm tiền lương VNPT, Vietnam Airlines, VATM: Chủ tịch nhận lương bao nhiêu?
NHK World - cổng thông tin quốc tế của Đài Phát thanh-Truyền hình NHK Nhật Bản cho rằng: Các doanh nghiệp ở Việt Nam đang lo lắng về việc sẽ bị coronavirus giáng một đòn nặng nề, xuất phát từ sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất - là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước năm 2019 đạt 116,87 tỷ USD; trong đó, Việt Nam nhập khẩu 75,45 tỷ USD (chiếm 27,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam), xuất khẩu 41,41 tỷ USD (chiếm 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó giá trị của hàng sản xuất trong nước chiếm 55,5%) và nhập siêu từ Trung Quốc ở mức 34,04 tỷ USD.
Tuy nhiên, thương mại hai nước Việt - Trung quý 1, quý 2 và cả năm 2020 sẽ bị ảnh hưởng khi từ 29/01/2020, Trung Quốc thực hiện tạm dừng thông quan, tăng cường quản lý và siết chặt các cửa khẩu như một biện pháp ngăn chặn sự lan rộng của dịch nCoV.
Theo đánh giá sơ bộ của Ngân hàng ANZ, Việt Nam là một trong những nước khu vực châu Á chịu nhiều tác động tiêu cực về xuất khẩu sang Trung Quốc (chỉ sau Đài Loan), với mức thiệt hại ước tính khoảng 0,44 điểm %GDP khi xuất khẩu sang Trung Quốc, giảm 20% trong 3 tháng tới.
Theo chiều ngược lại, trong cơ cấu hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc, rất nhiều hàng hóa là nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho một số ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Một công ty may mặc gần Hà Nội phục vụ thị trường Mỹ và châu Âu, đang vô cùng hoang mang vì việc giao nguyên liệu đã bị tạm dừng. Lãnh đạo của công ty cho biết dự trữ nguyên liệu của họ sẽ chỉ cầm cự được đến tháng ba. Nếu tình hình tiếp tục, tổn thất có thể kéo dài hàng chục triệu USD.
Chủ tịch công ty Nguyễn Xuân Dương nói: "Điều này không chỉ gây thiệt hại cho công ty chúng tôi, mà cho toàn bộ ngành may mặc Việt Nam".
Bên cạnh đó, phóng viên NHK World cũng đánh giá: nông nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề. Đầu tháng này, biên giới với Trung Quốc đã bị đóng cửa và nhiều xe tải chở nông sản bị kẹt. Sản xuất cho thị trường Trung Quốc không thể đạt mục tiêu và giá đã giảm. Tại Hà Nội, dưa hấu vốn được dành để xuất khẩu sang Trung Quốc đã được bán với giá chỉ bằng một nửa.
"Sự bùng phát cũng đã tác động mạnh đến ngành du lịch. Tôi đã ghé thăm một điểm nổi tiếng ở trung tâm thành phố Hà Nội ngày hôm qua. Bạn có thể thấy sự khác biệt: không có khách du lịch Trung Quốc xung quanh, không đông đúc lắm" - phóng viên này nói.
Một tài xế cho biết ông đón trung bình 10 khách hàng mỗi ngày vào thời điểm này năm ngoái, nhưng hiện tại chỉ có 3 khách hàng một ngày. Ông nói rằng các tài xế đã bị giảm thu nhập và nhiều người đã bỏ việc.
Nikkei Asian Review cũng ước tính rằng ngành du lịch có thể phải đối mặt với thiệt hại lên tới 5 tỷ USD. Chính phủ dự kiến rằng nếu dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 3, GDP của Việt Nam sẽ tăng khoảng 6,25%. Nhưng các lãnh đạo cho biết nếu dịch bệnh kéo dài đến tận tháng 6, mức tăng trưởng dự kiến đó sẽ giảm xuống dưới 6%.
Chính phủ có kế hoạch đưa ra các biện pháp hỗ trợ để giảm tác động tiêu cực đến nền kinh tế, nhưng hiệu quả của các bước đi này cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ lây nhiễm.