Báo Trung Quốc: Việt Nam cho thấy CPTPP đang phát huy hiệu quả, Trung Quốc có nên tham gia?
South China Morning Post viết: "Việt Nam, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao của CPTPP, vẫn là một trong những bên hưởng lợi hàng đầu từ thỏa thuận cho đến nay".
- 26-09-2019Khu công nghiệp Việt Nam và Trung Quốc: Tại sao Bình Dương chật cứng, Quảng Tây lại hẩm hiu?
- 26-09-2019Sống ở Việt Nam rẻ hơn ở Campuchia?
- 25-09-2019Nikkei Asian Review: Việt Nam làm cầu nối hàn gắn quan hệ Nhật - Hàn
Thương mại giữa Việt Nam và 10 thành viên khác của CPTPP đã tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam được hưởng thặng dư thương mại 1,8 tỷ USD, hơn một nửa trong đó đến từ thương mại với các nước CPTPP. Xuất khẩu sang Mexico tăng 35,6%, xuất khẩu sang Malaysia tăng gần 22% và xuất khẩu sang Canada tăng gần 14%. Ngành công nghiệp dệt may và phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam cũng đã được hưởng lợi từ CPTPP.
Những tiến bộ của Việt Nam từ CPTPP phản ánh sự toàn diện và tiến bộ của hiệp định thương mại này. Các thành viên của CPTPP có cả các nước phát triển như Nhật Bản, Úc và Canada, cũng như các nền kinh tế tiềm năng tăng trưởng cao mới nổi như Chile, Malaysia, Mexico và Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay, khi chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng và tăng trưởng toàn cầu chậm lại, CPTPP đã làm tốt vai trò thúc đẩy hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương. Trong những năm tới, CPTPP sẽ là phương tiện quan trọng đối với hội nhập kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nếu Trung Quốc gia nhập thỏa thuận kịp thời, nước này sẽ có thể tham gia sâu hơn vào hợp tác khu vực, cùng với việc đẩy nhanh ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP càng sớm càng tốt.
Trước đây, sự do dự của Trung Quốc về việc tham gia CPTPP là về sở hữu trí tuệ , bảo vệ môi trường, quản lý luồng dữ liệu, tiêu chuẩn lao động và cải cách các doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang dần đáp ứng các tiêu chuẩn CPTPP. Trung Quốc đang tăng cường cải cách và mở cửa, có những cải tiến đáng kể trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong những năm gần đây. Chỉ số bảo vệ sở hữu trí tuệ của Ngân hàng Thế giới cho thấy mức độ bảo vệ của Trung Quốc cao hơn mức trung bình của thế giới. Thêm vào đó, một khi Luật đầu tư nước ngoài mới được thông qua bắt đầu có hiệu lực, việc bảo vệ sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc sẽ được kiểm soát tốt hơn.
Các vấn đề CPTPP khác như quản lý luồng dữ liệu, tiêu chuẩn lao động và cải cách doanh nghiệp nhà nước cũng là những khía cạnh quan trọng trong quá trình cải cách đang diễn ra của Trung Quốc.
Về lâu dài, việc tham gia CPTPP phù hợp với chiến lược phát triển của Trung Quốc và sẽ giúp thúc đẩy cải cách. Đồng thời, nó sẽ thể hiện cam kết của Trung Quốc trong việc mở cửa, giúp Trung Quốc có tiếng nói lớn hơn trong việc định hình thương mại quốc tế.
Hầu hết các thành viên CPTPP đều hoan nghênh sự tham gia của Trung Quốc. Đối thoại với bộ trưởng của Úc, Canada, New Zealand và Malaysia, cũng như các đại sứ từ New Zealand, Singapore và Nhật Bản, Trung tâm Toàn cầu hóa Trung Quốc đã nhận được sự hưởng ứng.
Với vai trò hàng đầu của Nhật Bản trong CPTPP, quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc Trung Quốc có thể tham gia hay không. Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 Osaka gần đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã mời Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Nhật Bản vào mùa xuân năm 2020.
Với tổng dân số của các quốc gia thành viên lên tới hơn 500 triệu người và tổng GDP khoảng 10,57 nghìn tỷ USD, CPTPP hiện tại là khu vực thương mại tự do lớn nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và lớn thứ ba trên thế giới. Nếu Trung Quốc tham gia, FTA này sẽ chiếm gần 30% GDP toàn cầu.