MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bảo vệ tài khoản chứng khoán trong dịch Corona: Nhiều nhà đầu tư đã hành động, bạn thì sao?

Thị trường tài chính luôn luôn nhạy cảm với mọi biến cố nhanh hơn tác động thực sự của đại dịch lên nền kinh tế thế giới và vì thế, vốn hoá thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã bốc hơi thái quá. Trước bối cảnh này, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn phương án hành động cho mình-mỗi người một vẻ.

Kể từ đầu tết nguyên đán Canh Tý, thị trường chứng khoán Việt Nam đã "bốc hơi" hơn 13 tỷ USD vốn hoá tương ứng hơn 300.000 tỷ đồng. Nói dễ hiểu hơn, những nhà đầu tư Việt đã bị mất 300.000 tỷ đồng chỉ trong một tuần giao dịch.

Nguồn cơn của đợt sụt giảm sâu của thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng là bởi vì dịch cúm Corona đang gây nhiễm hàng chục nghìn người ở Trung Quốc và tính đến sáng 5/2/2020 đã có 493 ca tử vong. Thực tế, thị trường tài chính luôn luôn nhạy cảm với mọi biến cố nhanh hơn tác động thực sự của đại dịch lên nền kinh tế thế giới. Nhưng, đó là điều tất yếu bởi lẽ, ai cũng sợ những biến cố và nhiều người chọn hình thức bán tháo bảo vệ cho tài khoản của mình không bị giảm sâu hơn nữa trước rủi ro. Tất nhiên, bán tháo không bao giờ là phương án tốt nhất và thị trường chứng khoán luôn có người bán, người mua và trước thách thức, mỗi người có cách nghĩ-hành xử khác nhau.

"Tôi đã bắt đầu bắt đáy"

Trao đổi với chúng tôi, anh H.-một nhà đầu tư hơn 10 năm kinh nghiệm trên thị trường-nhận định: Nhiều nhà đầu tư đã hành động thái quá trước biến cố Corona. Thống kê cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam còn giảm sâu hơn cả HongKong, Indonesia, Philippine, Thái Lan...Mức sụt giảm của VnIndex xấp xỉ bằng Shanghai Index. 

Anh H. cho rằng, sự sụt giảm hiện tại là phi lý nên anh đã dồn tiền tích luỹ để gom mua cổ phiếu. Anh lựa chọn nhóm cổ phiếu hàng không để mua vào với niềm tin rằng thị trường hàng không Việt Nam mới bắt đầu bước vào giai đoạn tăng trưởng. Dịch cúm chỉ ảnh hưởng nhất thời nên sự sụt giảm vừa qua đã khiến nhiều cổ phiếu hàng không về mức giá rẻ lý tưởng.

 Khi được hỏi về tỷ lệ margin, anh H. cho rằng đây không phải lúc dùng vốn vay để mua bán cổ phiếu vì rủi ro cao. Anh mua cổ phiếu hoàn toàn bằng tiền tươi thóc thật.

Tôi thích thị trường biến động mạnh và giai đoạn này chính là cơ hội vàng

Chị N.T cho biết, 2 năm qua thị trường chứng khoán diễn biến khá nhạt nhẽo. Cổ phiếu cứ đi ngang trong biên độ hẹp nên chị đã rút đến 2/3 tài khoản ra, gửi tiết kiệm. 1/3 tài khoản lâu nay chị vẫn dùng để trading cổ phiếu "nóng". Là người ưa thích đầu tư mạo hiểm, chị N.T thường chọn loại cổ phiếu có "game" và chấp nhận rủi ro cao. "Chính vì tôi yêu thích cổ phiếu nóng nên tôi thường xuyên cơ cấu tài sản của mình ở mức an toàn. Khi thị trường chung không có nhiều cơ hội lớn thì tôi gửi tiết kiệm còn khi thị trường phát tín hiệu có nhiều tài sản giá rẻ thì tôi sẽ rút tiền tiết kiệm ra để đầu tư kiếm lời". 

Chị N.T cho biết, ngày mồng 7 tết, thấy thị trường chứng khoán giảm sâu bất thường đối với một sự kiện xảy ra ở nước ngoài, chị đã rút tiền tiết kiệm và nộp vào chứng khoán chờ cơ hội. "Tôi theo dõi sát sao tình hình dịch cúm và biết rằng dịch bệnh chưa kết thúc ngày một, ngày hai được và tác động đến nền kinh tế, đến nhà đầu tư...vẫn chưa lường hết được nên tiến hành mua dần dần. Tôi mua một chút những cổ phiếu đang sẵn trong danh mục và tuỳ diễn biến thị trường để hành động".

Khi được hỏi về việc có hay không việc tận dụng biên độ giao động lớn của cổ phiếu để kiếm lãi trong ngày, chị N.T không trả lời mà chỉ khuyến nghị nhà đầu tư rằng với thị trường biến động rất nhanh thì daily trading có thể khiến nhà đầu tư phải mua lại với giá cao hơn. Điều quan trọng nhất là quản trị kỹ lưỡng hành động, đừng để đến cuối cùng, thuế/phí phải trả cho công ty chứng khoán ăn mòn lợi nhuận.

Biến mình thành...nhà đầu tư dài hạn

Anh A. chia sẻ, giai đoạn giữa năm 2019, anh A có nhận định thị trường chứng khoán sẽ chịu nhiều rủi ro hơn là cơ hội khi mà giá cả nhiều mặt hàng cơ bản đều tăng. Tuy thực tế, một số mặt hàng như điện tăng giá tác động không đáng kể nhưng anh A. cho rằng dù chưa phản ánh lên thị trường nhưng về lâu dài nó đã ăn dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp nên anh từng có dự định đầu năm Canh Tý sẽ bán hết cổ phiếu.

"Tôi thấy có thống kê 8/10 năm gần nhất thì chứng khoán tăng sau tết và bản thân cũng muốn có chút lộc đầu năm nên dự định phiên giao dịch đầu tiên sau tết sẽ bán. Thế nhưng, con virus corona xuất hiện ngay dịp tết nên phiên giao dịch đầu năm đã giảm rất sâu. Phiên sau nữa cũng vậy. Tài khoản tôi đang từ trạng thái lãi đã thành lỗ khá nặng nề. Tôi quyết định "đóng băng" tài khoản, tắt bảng giá và thôi nghĩ về nó thời gian tới". 

Khi được hỏi thời gian tới là đến bao giờ, anh A. cho biết dự kiến sẽ còn khá lâu và anh sẽ quay lại thị trường chứng khoán khi dịch cúm kết thúc và chứng khoán sôi động trở lại. 

Không may mắn như anh A., anh N.S quyết định bán sạch tài khoản, endgame bởi hầu hết tiền đầu tư chứng khoán của anh hiện tại là tiền vay mượn. Sức chịu đựng thua lỗ của anh chỉ ở mức hiện tại và cutloss là điều anh bắt buộc phải làm để giữ cho mình không bị điên cuồng với biến động phức tạp của thị trường chứng khoán hiện tại.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên