Bất chấp dịch tả lợn Châu Phi hoành hành ở Trung Quốc: Vẫn ngang nhiên “cõng” lợn vào nội địa
Mặc dù Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) và Bộ NNPTNT đã cảnh báo về mối nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn Châu Phi (ASF) có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam, nhưng tình trạng buôn lậu lợn từ Trung Quốc - quốc gia là nơi chứa nhiều ổ dịch ASF - về Việt Nam vẫn gia tăng, đe dọa vùng an toàn của Việt Nam.
- 18-09-2018Dịch cúm lợn Trung Quốc sẽ tác động xấu đến chuỗi cung ứng toàn cầu như thế nào?
- 18-09-2018Lợn nội dư thừa, vẫn nhập trên 3.263 tấn thịt lợn ngoại mỗi tháng
- 16-09-2018Dịch tả lợn Châu Phi chưa vào, trang trại đã “ghim hàng”, giá thịt lợn “phi mã”
Liên tục bắt giữ lợn vận chuyển từ bên kia biên giới vào Việt Nam
Theo phản ánh của người dân, cung đường vận chuyển lợn thịt, lợn giống thẩm lậu tại khu vực vành đai biên giới giáp với Trung Quốc, thuộc huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh thời gian gần đây các đối tượng vẫn lén lút hoạt động. Bản Mốc 13, (xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, Quảng Ninh) được coi là một trong những “điểm nóng” về buôn lậu lợn từ Trung Quốc sang bởi có nhiều yếu tố thuận lợi: Bản cách thôn Lý Hỏa, Thị trấn Na Lương (Trung Quốc) chỉ một con suối nhỏ. Cư dân của bản Mốc 13 chủ yếu là người dân tộc Dao sinh sống, làm nghề nông, lâm nghiệp và bốc hàng thuê ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh.
Do vận chuyển hàng tại cửa khẩu cho thu nhập cao hơn, nên phần lớn lượng lao động tại bản có sức khỏe sẵn sàng sang Trung Quốc “gánh” lợn qua suối về cho các đầu nậu buôn lậu. Ngoài lợn hơi, các loại thịt lợn xẻ mảnh, nội tạng, mỡ lợn… cũng được đội ngũ chở hàng thuê này “cõng” về, khiến tình hình buôn lậu thịt lợn từ Trung Quốc về Việt Nam luôn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, khi phát hiện sự truy bắt của lực lượng chức năng, các đối tượng cửu vạn này sẵn sàng vứt bỏ tang vật xuống suối, vực sâu để chối bỏ trách nhiệm, nên việc xử lý hết sức khó khăn.
Ngoài ra, dọc Quốc lộ 18C, khu vực vành đai biên giới từ cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu) đến cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) và lối mở Pò Hèn - Thán Sản (xã Hải Sơn, TP.Móng Cái), có nhiều điểm tập kết lợn thịt, lợn giống không rõ nguồn gốc. Ngoài lợn thịt, lợn giống, thì thịt lợn đã xẻ mảnh và các phụ phẩm cũng được vận chuyển về Việt Nam để bán hưởng chênh lệch. Để trốn tránh sự phát hiện, truy bắt của lực lượng chức năng, các điểm tập kết được thay đổi liên tục: Nhà dân tại các thôn, bản giáp biên; lùm cây ven suối; xe tải vận chuyển lợn.
Mới đây, hồi 6 giờ 30 phút ngày 12.9.2018, trên QL18B, Đội Cảnh sát Giao thông, Công an huyện Hải Hà (Quảng Ninh), phối hợp với Công an xã Quảng Đức (Quảng Ninh) đã bắt giữ một xe tải vận chuyển trái phép hơn 300kg thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đối tượng là Nguyễn Văn Phú (SN 1970, trú tại bản Kháy Phầu, xã Quảng Đức, tỉnh Quảng Ninh), điều khiển xe tải BKS 14C-126.33 đi hướng từ Cửa khẩu Bắc Phong Sinh ra QL18A, trên xe chở 320kg thịt lợn không rõ nguồn gốc.
Tại cơ quan chức năng, Phú khai nhận thu mua số thịt lợn trên từ bản Pò Hèn, xã Quảng Đức, vận chuyển về các chợ trong huyện Hải Hà để tiêu thụ và không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của số thịt lợn đã thu mua.
Con đường thẩm lậu dịch ASF vào Việt Nam
Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia dịch tễ, thú y trước tình trạng buôn lậu lợn từ Trung Quốc đang đe dọa vùng an toàn tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ NNPTNT và các bộ, ngành liên quan phối hợp với các địa phương quyết liệt triển khai các giải pháp để ngăn chặn, không cho dịch bệnh ASF xâm nhiễm vào Việt Nam. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc kiểm soát tình hình buôn lậu lợn hơi, lợn giống và thịt lợn tại các cửa khẩu, các đường mòn, lối mở miền biên với Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đã chỉ đạo các địa phương không được chủ quan, lơ là với dịch bệnh bởi nếu xâm nhiễm vào Việt Nam, dịch ASF sẽ là thảm họa đối với ngành chăn nuôi lợn vừa bước ra khỏi cuộc đại khủng hoảng”.
Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) Đàm Xuân Thành cho biết: Cục Thú y đã dự thảo công điện gửi các địa phương để có động thái quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống bệnh nguy hiểm này. Các địa phương cần phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 kiểm soát kỹ nguy cơ lây lan qua vận chuyển, mua bán nhập lậu không rõ nguồn gốc, kể cả thịt chế biến và sản phẩm cho biếu tặng.
- Thông tin của OIE, từ cuối năm 2017 đến ngày 10.9.2018, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo bệnh dịch tả lợn Châu Phi với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy trên 500.000 con. Cũng theo OIE và FAO, từ đầu tháng 8.2018 đến ngày 9.9.2018, Trung Quốc báo cáo tổng cộng có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh, gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang với tổng số hơn 38.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.
- Theo ý kiến một số thành viên thuộc Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, Nhà nước cần phải mạnh tay phạt gấp 3-5 lần trị giá hàng nhập lậu bị thu giữ; phạt tù cán bộ hay người dân nào cố tình tiếp tay làm dịch bệnh ASF xâm nhiễm hoặc lây lan ở Việt Nam bằng chế tài nghiêm khắc thì mới có thể ngăn chặn được tình trạng buôn lậu của tư thương hoặc thiếu trách nhiệm của cán bộ chức năng. KH.V
Lao động