Bất chấp khó khăn chung, khối ngoại vẫn mua ròng hơn 43.700 tỷ đồng trong năm 2018
Khối ngoại chỉ tập trung mua mạnh thông qua phương thức thỏa thuận nhưng lại bán ròng khớp lệnh nên đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến thị trường đi xuống trong năm 2018.
Thị trường kết thúc năm 2018 với việc tất cả các chỉ số thị trường đều tăng trưởng âm. VN-Index chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm 2018 ở mức 892,54 điểm, giảm 91,7 điểm (-9,32%) so với cuối năm 2017. HNX-Index cũng giảm 12,63 điểm (-10,81%) xuống chỉ còn 104,23 điểm. UPCoM-Index có mức giảm khiên tốn nhất là 3,79% xuống 52,83 điểm.
Biến động của thị trường trong năm qua là rất lớn, VN-Index đã lập đỉnh lich sử mọi thời đại 1.204,33 điểm vào ngày 9/4/2018, nhưng kể từ đó, thị trường đã liên tục lao dốc và hình thành xu hướng đi xuống trong phần còn lại của năm. Như vậy, nếu tính từ đỉnh lịch sử thì VN-Index đã mất đến 25,9%.
Bất chấp những diễn biến xấu của thị trường chung, khối ngoại vẫn ‘rót’ vốn kỷ lục vào thị trường của chúng ta. Tính trên cả ba sàn niêm yết, khối ngoại mua vào 5,75 tỷ cổ phiếu, trị giá 285.250 tỷ đồng, trong khi bán ra 5,33 tỷ cổ phiếu, trị giá 241.508 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt khoảng 421 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt trên 43.700 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại tập trung mua ròng ở sàn HoSE và UPCoM, nhưng lại bán ròng ở sàn HNX.
Trên sàn HoSE, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng 43.705,5 tỷ đồng (tăng đến 64% so với năm 2017), tương ứng khối lượng mua ròng khoảng 482,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý trong giao dịch của khối ngoại sàn HoSE năm 2018 đó là việc khối này đẩy mạnh mua cổ phiếu thông qua phương thức thỏa thuận. Cụ thể, khối ngoại đã mua ròng khoảng 60 tỷ đồng thông qua phương thức thỏa thuận, như vậy nếu tính về khớp lệnh trên sàn thì khối ngoại đã bán ròng tương đối mạnh, đạt khoảng trên 16 tỷ đồng. Do bản chất các giao dịch khớp lệnh ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu nên đây cũng có thể coi là một trong những nguyên nhân khiến thị trường đi xuống ở năm 2018.
Năm 2018 là khoảng thời gian thị trường chứng kiến một số cổ phiếu lớn lên sàn như VHM, HDB… và các cổ phiếu này đều hút dòng tiền ngoại rất tốt. VHM là cái tên gây sự chú ý lớn nhất cho nhà đầu tư và cũng là cái tên giúp TTCK Việt Nam có phiên giao dịch tỷ USD đầu tiên kể từ ngày thành lập. Ngày 18/5, VHM thiết lập một kỷ lục khi được khối ngoại mua ròng thỏa thuận 248,9 triệu cổ phiếu, trị giá 28.548 tỷ đồng . Tính chung cho cả năm 2018, VHM được khối ngoại mua ròng 224 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 25.978 tỷ đồng. ‘Tân binh’ tiếp theo cũng được khối ngoại mua ròng mạnh đó là HDB với giá trị đạt 2.330 tỷ đồng. Cũng không thể không nhắc đến một cái tên mới khác đó là YEG với giá trị mua ròng là 2.578,6 tỷ đồng.
Cổ phiếu MSN được khối ngoại mua ròng mạnh 13.298 tỷ đồng sau khi bị bán ròng khoảng 1.166 tỷ đồng ở năm 2017. Trong khi đó, VRE vẫn là một cái tên ưu thích của nhà đầu tư ngoại khi tiếp tục được mua ròng 3.843 tỷ đồng ở năm 2018.
Cổ phiếu công ty mẹ của VHM là VIC bị khối ngoại đẩy mạnh bán ròng gần 10.000 tỷ đồng, giá trị này gấp khoảng 8,7 lần so với năm 2017. VJC là cái tên tiếp theo bị khối ngoại bán ròng mạnh với 2.511 tỷ đồng. ‘Khẩu vị’ của khối ngoại cũng có nhiều sự thay đổi và điểm đáng chú ý tiếp theo đó là HPG, cổ phiếu này bị khối ngoại bán ròng gần 2.000 tỷ đồng diễn biến này trái ngược hoàn toàn so với năm trước. Tương tự, từ vị trí được khối ngoại săn đón nhất năm 2017 thì VNM lại bị bán ròng khoảng 1.600 tỷ đồng trong năm 2018.
Trên sàn HNX, khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 2.000 tỷ đồng (gấp khoảng 6,2 lần so với giá trị bán ròng của năm 2017), tương ứng khối lượng bán ròng là 101 triệu cổ phiếu.
Sau khi bị bán ròng khá mạnh ở năm 2017 thì SHB đã được gom trở lại và đứng đầu danh sách mua ròng sàn HNX năm 2018 với 352 tỷ đồng. VPI vẫn được khối ngoại ưa thích khi mua ròng 267 tỷ đồng. Tương tự như SHB thì PVS cũng được khối ngoại quan tâm trở lại trong năm 2018 và mua ròng 262 tỷ đồng.
Trong khi đó, VGC bất ngờ bị bán ròng lên đến 1.057 tỷ đồng, năm 2017 cổ phiếu này được mua ròng khoảng 247 tỷ đồng. VCG và TAG là hai cái tên tiếp theo bị khối ngoại bán ròng mạnh với 867,7 tỷ đồng và 272 tỷ đồng.
Ở sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng khoảng 2.641 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng đạt 39,77 triệu cổ phiếu.
Các ‘tân binh’ của UPCoM như VEA, POW, VTP và BCM nhận được sự quan tâm rất lớn từ nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó VEA đứng đầu danh sách mua ròng sàn này với giá trị lên đến 938,8 tỷ đồng. Tiếp sau đó, POW và VTP được mua ròng lần lượt 665 tỷ đồng và 568,7 tỷ đồng. Nhưng cái tên cũ nhưng vẫn hút dòng vốn ngoại đó là QNS, VGT, ACV hay MCH.
Trong khi đó, sàn UPCoM cũng ghi nhận nhiều ‘tân binh’ không được khối ngoại ưu thích. Đáng chú ý nhất phải kể đến BSR, cổ phiếu này bị khối ngoại bán ròng lên đến 1.138,8 tỷ đồng. BSR IPO vào ngày 17/1 và nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư nước ngoài khi được khối này mua thành công 147,83 triệu cổ phần (tương đương 61,2% số cổ phần chào bán). Tuy nhiên, diễn biến trên sàn chứng khoán sau khi cổ phiếu này được đăng ký giao dịch là hoàn toàn trái ngược. BSR chính thức lên sàn UPCoM vào ngày 1/3 nhưng lại bị khối ngoại bán ròng trong suốt thời gian đó đến hết năm.
MPC và IDC cũng bị khối ngoại sàn UPCoM bán ròng lần lượt 473,7 tỷ đồng và 201 tỷ đồng.