MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bắt đầu xét xử bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm

05-03-2024 - 06:37 AM | Doanh nghiệp

Trong số 3.000 người tham gia phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ Vạn Thịnh Phát, SCB... có 86 bị cáo, 200 luật sư, phần còn lại hầu hết là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan.

Bắt đầu xét xử bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm- Ảnh 1.

An ninh siết chặt trước khu vực toà án.

Sáng nay (5/3), TAND TPHCM bắt đầu đưa ra xét xử sơ thẩm vụ sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát , Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.

Bắt đầu xét xử bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm- Ảnh 2.

Từ sáng sớm, lực đảm bảo an ninh đã tổ chức chặn đường, kiểm soát ra vào toà án. Phóng viên báo chí được yêu cầu đứng cách xa cổng toà 20m.

Để chuẩn bị cho phiên tòa này, trước đó cơ quan chức năng đã di lý bà Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và một số bị cáo đang bị tạm giam tại một số nhà tạm giữ, tạm giam của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và ở các địa phương: Hải Dương, Nam Định, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nam, Bắc Giang, Hưng Yên về TPHCM.

Bắt đầu xét xử bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm- Ảnh 3.

TAND TPHCM, nơi xét xử sơ thẩm vụ Vạn Thịnh Phát.

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị xét xử về 3 tội danh “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng” và “Tham ô tài sản”.

Bắt đầu xét xử bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm- Ảnh 4.

Bà Trương Mỹ Lan (bìa trái) và các đồng phạm.

60 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ SCB và Ngân hàng Nhà nước (NHNN); 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ và 1 cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước bị xét xử về các tội “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng”.

3.000 người tham gia phiên tòa

Bắt đầu xét xử bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm- Ảnh 5.

Hình ảnh trước cổng TAND TPHCM

Chiều 4/3, trao đổi với báo chí, ông Phạm Ngọc Duy, Chánh Văn phòng TAND TPHCM thông tin: Mọi công việc chuẩn bị cho phiên tòa đã hoàn tất. Theo đó, HĐXX sẽ làm việc tại phòng xử án A. Đây cũng là nơi đại diện Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa làm việc. 81 bị cáo cũng được bố trí tại phòng xét xử này.

Các luật sư, người liên quan sẽ ngồi ở phòng xử án B và khoảng trống giữa 2 phòng xử án A và B, theo dõi quá trình xét xử qua màn hình truyền từ phòng xử án A.

Bắt đầu xét xử bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm- Ảnh 6.

Phòng xử án vụ Vạn Thịnh Phát.

Trong khi đó, một số phóng viên báo chí sẽ theo dõi phiên tòa qua màn hình từ 1 phòng làm việc trong khuôn viên tòa án. Số còn lại theo dõi qua màn hình truyền từ phòng xử án đến Trung tâm báo chí TPHCM (bên ngoài tòa án). Báo chí và luật sư sẽ được tòa án bố trí máy tính để sử dụng, tác nghiệp.

Phiên tòa do thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa Hình sự TAND TPHCM làm chủ tọa. Hội đồng xét xử (HĐXX) ngoài ông Phạm Lương Toản còn có thẩm phán Lê Công Huân và 3 hội thẩm nhân dân. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến hết ngày 29/4.

Tại phiên tòa, Viện KSND tối cao phân công 10 Kiểm sát viên thuộc Viện KSND tối cao và Viện KSND TPHCM giữ quyền công tố. Có 200 luật sư bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho các bị hại. HĐXX cũng đã triệu tập hơn 2.400 người liên quan, gồm: Nhóm người là các cá nhân thuộc nhóm cán bộ SCB (316 người), nhóm người liên quan là các cá nhân đứng tên công ty, đứng tên vay và đứng tên các tài sản thế chấp tại SCB để thực hiện việc nộp, rút tiền (1153 người), nhóm người liên quan là các pháp nhân thuộc nhóm đứng tên vay tiền, nhận tiền tại SCB (692 người), nhóm người liên quan là các cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước (42 người) và nhóm người liên quan khác (201 người).

Bắt đầu xét xử bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm- Ảnh 7.

Phòng xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát.

HĐXX cũng quyết định triệu tập một số người phiên dịch do bị cáo Chu Nap Kee Eric (chồng bà Trương Mỹ Lan) có quốc tịch Trung Quốc.

Bị hại trong vụ án là SCB và bị cáo Trương Mỹ Lan. Trong đó, bà Lan là bị hại liên quan đến hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của ông Nguyễn Cao Trí (cũng là bị cáo) với hành vi chiếm đoạt số tiền 1.000 tỷ đồng.

5 luật sư gồm: Phan Trung Hoài, Phan Minh Hoàng, Nguyễn Huy Thiệp, Giang Hồng Thanh và Trương Thanh Đức bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan.

Thiệt hại 667.286 tỷ đồng

Theo nội vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ tại SCB nhưng là cổ đông chính và đã sử dụng SCB như một kênh huy động vốn cá nhân. Bà Lan đã lợi dụng tình hình để rút tiền từ tài khoản tiền gửi của người dân và khách hàng.

Hậu quả từ các hành vi sai phạm và nhận tiền của các cá nhân tại Cục II, NHNN Chi nhánh TPHCM và Tổ Giám sát đã để cho nhóm bà Trương Mỹ Lan và SCB thực hiện cho vay lũy tiến từng năm. Hành động này nhằm mục đích tạo điều kiện để bà Trương Mỹ Lan rút tiền sử dụng cá nhân hoặc trả nợ cho các khoản vay trước đó nhằm che giấu thực trạng hoạt động và tình hình nợ xấu của SCB.

Thiệt hại của vụ án tính đến ngày 17/10/2022 với số tiền đặc biệt lớn. Tổng dư nợ của các tổ chức, cá nhân thuộc nhóm bà Trương Mỹ Lan lên tới 677.286 tỷ đồng. Bà Lan đã chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng, khiến SCB mất không chỉ số tiền gốc mà còn phải trả thêm hơn 129.372 tỷ đồng lãi suất.

Xét xử vắng mặt 5 bị cáo

Theo HĐXX, tại phiên tòa hôm nay, HĐXX sẽ xét xử 86 bị cáo , trong đó có 5 người đang bỏ trốn sẽ bị xét xử vắng mặt. Những người này đều có luật sư bào chữa.

Các bị cáo bị xét xử vắng mặt, gồm: Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB). Theo cáo trạng, từ năm 2009, ông Thành làm việc tại Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (một trong 3 ngân hàng tiền thân của SCB). Sau đó, ông Thành trải qua các vị trí: Phó Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đệ Nhất; Thành viên HĐQT, Phó chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐQT SCB.

Từ ngày 28/6/2012 đến ngày 6/12/2020, ông Thành với vai trò là Chủ tịch HĐTD Hội sở, Chủ tịch/Thừa ủy quyền Chủ tịch HĐQT SCB đã ký 4 biên bản họp/tờ trình của HĐTD Hội sở, 328 biên bản họp/phiếu biểu quyết của HĐQT, 273 nghị quyết đồng ý cho 268 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vay 479 khoản.

Tính đến ngày 17/10/2022, dư nợ của nhóm khách trên là hơn 422.000 tỷ đồng. Ông Thành bị cáo buộc đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để giúp sức tích cực, đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Ông Thành bị xét xử về 2 tội danh nêu trên với thiệt hại đã gây ra là hơn 99.000 tỷ đồng.

4 bị cáo bị xét xử vắng mặt còn lại là về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Trong số đó, bị cáo Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) gây thiệt hại cho SCB gần 7.000 tỷ đồng. Bị cáo Trầm Thích Tồn (cựu thành viên HĐQT SCB), gây thiệt hại cho SCB hơn 7.100 tỷ đồng. Bị cáo Chiêm Minh Dũng (cựu Phó Tổng giám đốc SCB) gây thiệt hại hơn 140.000 tỷ đồng và Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu Phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành của SCB) gây thiệt hại hơn 3.700 tỷ đồng.

Gây thiệt hại nhiều, khắc phục được bao nhiêu?

Theo hồ sơ, bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại 193.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cáo trạng cho biết đến nay bà Lan chưa nộp tiền khắc phục hậu quả. Chồng bà Lan là bị cáo Chu Lập Cơ đã tạm nộp số tiền 1 tỷ đồng.

Bắt đầu xét xử bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm- Ảnh 8.

Nơi cất giữ 6 tấn hồ sơ của vụ án tại Tòa án.

Đáng lưu ý, các bị cáo là cựu cán bộ NHNN đều nộp tiền khắc phục hậu quả. Cụ thể, bị cáo Nguyễn Văn Hưng (nguyên Phó Chánh Thanh tra NHNN) đã nộp số tiền 390.000 USD; bị cáo Nguyễn Thị Phụng (cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra) nộp 20.000 USD và 210 triệu đồng; bị cáo Bùi Tuấn Khoa (cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra) nộp lại 100 triệu đồng; bị cáo Vương Đỗ Anh Tuấn (cựu Trưởng phòng Thanh tra) nộp 20.000 USD; bị cáo Trần Văn Tuấn (cựu Thanh tra viên) nộp 6.000 USD và 40 triệu đồng; Lê Thanh Hà (cựu Phó Chánh Thanh tra, kiểm toán) nộp 14.000 USD và 100 triệu đồng; bị cáo Nguyễn Văn Thùy (cựu Phó trưởng Ban kiểm tra) nộp 21.000 USD và 60 triệu đồng; bị cáo Nguyễn Tuấn Anh (cựu công chức Vụ Thanh tra) nộp 100 triệu đồng; bị cáo Vũ Khánh Linh (cựu Phó trưởng Phòng Thanh tra) nộp 100 triệu đồng; bị cáo Trương Việt Hưng (cựu Thanh tra viên) nộp 600 USD; bị cáo Nguyễn Duy Phương (cựu Thanh tra viên) nộp 1.000 USD và 20 triệu đồng; bị cáo Nguyễn Văn Dũng (cựu Phó Giám đốc NHNN, chi nhánh TPHCM) nộp 15.000 USD và 400 triệu đồng; bị cáo Nguyễn Thị Phi Loan (cựu Phó Chánh Thanh tra, giám sát) nộp 470 triệu đồng; bị cáo Võ Văn Thuần (cựu Phó Chánh Thanh tra, giám sát) nộp 1,85 tỷ đồng; bị cáo Nguyễn Tín (cựu Thanh tra viên) nộp 500 triệu đồng; bị cáo Phan Tấn Trung (cựu Phó Chánh Thanh tra, giám sát) nộp 554 triệu đồng và bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Thanh tra, giám sát) nộp số tiền 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm có số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Tiền Phong sẽ cập nhật liên tục diễn biến phiên tòa trên tienphong.vn và báo giấy Tiền Phong xuất bản hàng ngày…

Theo Tân Châu

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên