Một công ty trên sàn xuất hiện trong thoả thuận chuyển nhượng 65% vốn trị giá 45 triệu USD giữa Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí
Trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, ngoài bị can Trương Mỹ Lan, Cơ quan CSĐT Bộ Công an còn làm rõ hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của đại gia Nguyễn Cao Trí (SN 1970, quê Lâm Đồng, trú tại Tp.HCM).
- 04-03-2024Người đàn ông đứng đầu DN “chủ chốt” giúp bà Trương Mỹ Lan thâu tóm Ngân hàng SCB và gây thiệt hại hơn 40.000 tỷ đồng
- 04-03-2024Trương Mỹ Lan và thương vụ đất vàng 100 Hùng Vương “siêu hời”: Bỏ 1.000 tỷ mua đấu giá, khai khống rồi “rút ruột” hơn 10.000 tỷ đồng từ SCB
- 03-03-2024Nhận 14,5 triệu USD chỉ 2 ngày trước khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt: DN kín tiếng đã bán gì cho bà Lan?
Theo kết luận điều tra, do các khoản tiền đầu tư, vay mượn hai bên không có biên nhận nên khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, ông Nguyễn Cao Trí đã cho lập khống và ký các thủ tục thanh lý hợp đồng chuyển nhượng cổ phần Công ty Văn Lang, hợp đồng ủy thác đầu tư... nhằm chiếm đoạt số tiền 1.000 tỷ đồng đã nhận.
Ông Nguyễn Cao Trí được biết tới là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Capella Holdings, và là đại diện pháp luật của trường Đại học Văn Lang, Đại học kinh tế kỹ thuật Bình Dương, CTCP Tập đoàn đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, CTCP đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh, Công ty TNHH US Talent International-uti....
Capella là cái tên gắn mật thiết nhất với tên tuổi của ông Trí. Riêng Capella Holdings đã sở hữu tới 9 thương hiệu nổi tiếng trong các lĩnh vực: Giải trí (Air 360 Sky Bar, Chill Bar, La Vie En Rose Live Music & Bar) và Trung tâm hội nghị tiệc cưới (Riverside Palace, Claris Palace, Capella Park View, Capella Center). Trong đó, Chill Sky Bar (tòa nhà AB, Quận 1, Tp.HCM) và Air 360 Sky Lounge (Bến Thành Tower, Quận 1, Tp.HCM) đều là những tụ điểm ăn chơi có tiếng.
Ông Trí còn là Thành viên HĐQT trong năm 2022 của CTCP Cao su Công nghiệp (UpCOM: IRC), tuy nhiên đã không tái cử sau đại hội cổ đông thường niên 2023 được tổ chức hồi cuối tháng 4 vừa qua.
Kết luận điều tra ghi nhận ông Trí và bà Lan thống nhất sẽ chuyển nhượng 65% vốn điều lệ Công ty IRC với giá 45 triệu USD. Trong đó, bà Lan đã thanh toán cho ông Trí số tiền 21,25 triệu USD, tương ứng hơn 476 tỷ đồng để mua 31,22% vốn điều lệ ông Trí đang sở hữu.
Ông Trí nhiều năm liền trong HĐQT trước khi không tái cử vào năm 2023
IRC là doanh nghiệp có tiền thân là Liên hiệp Nông trường Cao su, được thành lập vào năm 1976. Hoạt động kinh doanh chính của IRC là trồng cây cao su, bao gồm sản xuất giống, trồng và chăm sóc cây cao su; kinh doanh sản phẩm gỗ cao su, mủ cao su, củi cao su,... Ngoài ra, Công ty còn có mảng kinh doanh đầu tư hạ tầng khu dân cư.
Theo BCTN 2022, thù lao ông Nguyễn Cao Trí nhận được trong năm 2022 từ IRC là 95,3 triệu đồng, tương đương với Chủ tịch HĐQT công ty. Đến Đại hội cổ đông thường niên 2023 của IRC cuối tháng 4, ông Trí là thành viên duy nhất không tái cử trong danh sách HĐQT, thay vào vị trí của ông Nguyễn Cao Trí là ông Nguyễn Cao Đức, giám đốc các công ty thành viên Capella.
Động thái này diễn ra ít ngày trước khi truyền thông đưa tin về việc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn không thực hiện việc công chứng các hợp đồng giao dịch mua, bán, chuyển nhượng, tặng, cho… đối với tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của ông Nguyễn Cao Trí cho tới khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
IRC có vốn điều lệ vào mức 175 tỷ đồng. Cơ cấu sở hữu vốn của IRC không đổi trong nhiều năm. Tại thời điểm 20/12/2022, cổ đông trong nước vẫn chiếm 34,02% vốn (cá nhân nắm 19,02% và tổ chức năm 15% vốn). IRC không công bố cụ thể cổ đông lớn, song được biết CTCP Tập đoàn Capella đang là một trong số cổ đông lớn tại Công ty.
Lỗ quý thứ 4 liên tiếp
Về kinh doanh, doanh thu Công ty biến động khá mạnh trong giai đoạn 2017-2022. Tương tự, LNST giảm trong 3 năm 2017-2019, trước khi đang đỉnh vào năm 2020 và giảm dần trở về sau. Trong đó, doanh thu chính của Công ty là từ hoạt động khai thác và bán mủ cao su, tuy nhiên thời gian gần đây doanh thu thường xuyên dưới giá vốn, hoặc chênh lệch lợi nhuận gộp rất thấp, không bù đắp được các chi phí hoạt động.
Quý 4/2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng mạnh lên hơn 9 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, IRC vẫn lỗ thuần từ HĐKD hơn7 tỷ. Song, nhờ phát sinh khoản thu nhập khác từ "bán, thanh lý tài sản" gần 22 tỷ giúp IRC có lãi trở lại trong quý cuối năm qua.
Luỹ kế cả năm 2023, Công ty đạt doanh thu gần 20 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6,7 tỷ đồng – giảm so với năm ngoái. So với kế hoạch đề ra, IRC chỉ đạt gần nửa chỉ tiêu doanh thu song vượt chỉ tiêu lợi nhuận.
Tính đến 30/12/2023, tổng tài sản của IRC ghi nhận ở mức 196 tỷ đồng, chiếm gần nửa tổng tài sản là các khoản tiền gửi có kỳ hạn, trị giá hơn 100 tỷ đồng. Các khoản tiền gửi có kỳ hạn đến 12 tháng được chia nhỏ, gửi tại các Ngân hàng như Eximbank, Sacombank, BIDV, MB, Vietinbank, Agribank, HDbank, Nam Á,... với lãi suất dao động từ 7-10%/năm. Chính khoản tiền gửi này đều đặn mang lại nguồn thu nhập tài chính cho IRC.
Phần tài sản còn lại của IRC tập trung ở tài sản cố định, hàng tồn kho, chi phí xây dựng cơ bản dở dang và đầu tư vào đơn vị khác.
Tổng số nợ phải trả IRC hơn 14 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Doanh nghiệp hoàn toàn không vay vốn và chỉ có các khoản phải trả về thuế, quỹ khen thưởng, phúc lợi.